Từ phản ánh của người dân về việc nhiều diện tích rừng phòng hộ tập trung chủ yếu ở xã An Sinh (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) bị tàn phá, Phóng viên đã có mặt tại xã An Sinh chứng kiến một thực tế đau lòng:

Từ quốc lộ 18 (đoạn thuộc địa phận thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) rẽ vào tỉnh lộ 293 (đường đi tỉnh Bắc Giang), vượt qua quãng đường khá dài và  hiểm trở, Phóng viên đã đến được khu vực rừng phòng hộ. Từ bên ngoài, tưởng chừng như những quả đồi trải dài một màu xanh bất tận nhưng khi bước chân vào thôn Chân Hồ và thôn Tân Tiến (xã An Sinh, thị xã Đông Triều) thì cảnh tượng trước mắt chúng tôi là nhiều quả đồi trơ trọi, không một bóng cây.

 
Đi tiếp theo con đường bê tông xuyên qua thôn Chân Hồ, Phóng viên tiếp tục thấy nhiều diện tích rừng phòng hộ bị đốt trọc, cháy nham nhở từ chân lên đến đỉnh đồi. Nhiều chỗ thì lác đác cây cỏ, một số ít cánh rừng thì mới được trồng khiến chúng tôi có cảm giác như đứng trước một bức tranh loang lổ.

Theo một số người dân ở thôn Chân Hồ, việc chặt phá, đốt rừng tại đây đã diễn ra khá lâu và diện tích rừng bị phá phải lên tới hàng trăm ha. “Họ phá rừng phòng hộ lấy gỗ, sau đó bán cho các chủ lò gạch, lò than, các cơ sở chế biến dăm gỗ…Nếu tính với giá “bèo” thì một ha rừng cũng thu được vài trăm triệu đồng”, một người dân cho biết.

leftcenterrightdel
Những quả đồi không một bóng cây ở xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.                                 Ảnh: PV 

Không chỉ thôn Chân Hồ mà tại thôn Tân Tiến (xã An Sinh), tình trạng phá rừng còn diễn ra nghiêm trọng hơn với quy mô lớn hơn và diện tích bị phá cũng lớn hơn.

Dọc 2 bên đường từ thôn Chân Hồ vào thôn Tân Tiến (hướng đi tỉnh Bắc Giang), hàng chục quả đồi bị chặt phá, đốt trọc. Điều đáng nói là, các quả đồi ở phía trong bị chặt phá nghiêm trọng hơn, vì theo người dân, những quả đồi này khó phát hiện. Hơn nữa, dưới chân những quả đồi trọc này hiện có rất nhiều hộ dân đang sinh sống.

Theo Hạt Kiểm lâm thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), toàn bộ diện tích rừng gồm rừng sản xuất và rừng phòng hộ trên địa bàn thôn Chân Hồ và Tân Tiến là thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Triều quản lý.

Phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Triều về thực trạng rừng phòng hộ bị chặt phá ở xã An Sinh. Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Triều cho biết, hiện trên địa bàn Công ty quản lý chỉ còn 8.000ha là rừng phòng hộ. Trong năm 2006 - 2007, chủ trương là giao rừng phòng hộ cho dân trồng rừng đến khoảng 2 - 3 năm nữa mới hết hợp đồng. Khoảng năm 2015, có hiện tượng người dân chặt cây, khai thác và thay đổi cây trồng, đến nay khoảng hơn 30ha chưa được trồng lại.

Cũng theo Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Triều thì việc chặt cây ở rừng phòng hộ ở xã An Sinh theo quy định phải xin ý kiến của cơ quan quản lý, tuy nhiên, người dân lại tự phát làm. Việc làm như vậy là không đúng. Hiện nay, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Triều đang hoàn thiện phương án để xử lý dứt điểm những tồn tại cũ, chuyển đổi hợp đồng từ giao cho dân trồng sang dân chỉ là người bảo vệ rừng để tránh tình trạng người dân tự chặt rừng phòng hộ như hiện nay.

Hoàng Hưng