(BVPL) - Với đầy đủ cơ sở pháp lý khẳng định quyền chủ sở hữu, nhưng không hiểu vì sao chính quyền địa phương cứ phải “treo” quyền lợi hợp pháp của cụ ông gần 90 tuổi từ năm này qua năm khác?
Pháp luật luôn công bằng với tất cả mọi người. Đó không chỉ là niềm tin mà còn là hy vọng duy nhất hiện nay của cụ ông Nguyễn Văn Lạc (SN 1929) ngụ 1113 ấp Dốc Mơ, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, Đồng Nai.
Trong đơn kêu cứu gửi cơ quan báo chí, ông Nguyễn Văn Lạc cho biết, vào năm 1986 khi thực hiện chính sách trả lại đất cho người dân có công khai phá trước năm 1975, ông đã phải bỏ ra 2,4 lượng vàng để đền bù hoa mùa trên đất cho người đang canh tác để lấy lại 6.500m2 đất ở ngã ba Thánh Tâm để trồng cà phê và nhiều loại cây ăn trái khác.
![Khu đất của cụ Lạc bị chiếm dụng làm nơi tụ tập, quậy phá của đám thanh niên.](/dataimages/201311/original/images957219_12_a.jpg) |
Khu đất của cụ Lạc bị chiếm dụng làm nơi tụ tập, quậy phá của đám thanh niên. |
Đến năm 1992, ông Nguyễn Văn Lạc nhận được lời gợi ý xây chợ trên mãnh đất này ngay góc ngã ba đường. Thấy hợp lý nên ông đã thỏa thuận sẽ bỏ ra 4.000m2 đất xây chợ với điều kiện xây cho ông 10 căn ki ốt ở vị trí đẹp nhất để cho các con ông sau này buôn bán. Thỏa thuận này được thống nhất giữa 2 bên. Thế nhưng sau khi những người đã “gợi ý xây chợ” đến đón hạ tất cả các cây trong vườn, san bằng đất để chuẩn bị tiến hành xây dựng, suốt một thời gian dài, ông Lạc vẫn không thấy động tĩnh gì cho việc xây chợ. Bất ngờ hơn là thấy họ tiến hành trồng cây. Nhiều năm chờ đợi, hoa lợi thu được trên mãnh đất của ông thì họ hưởng còn ông Lạc lại phải nai lưng ra đóng thuế sử dụng đất từ tháng này qua năm nọ thay cho họ.
Mặc dù chưa từng ký tặng hay bán buôn gì nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, chợ vẫn chưa thấy xây, nhưng 4.000m2 đất của ông Lạc lại được…rao bán công khai. Quá bức xúc, ông Lạc đi thương lượng bỏ thỏa thuận xây chợ, lấy lại đất để tiếp tục canh tác. Được sự chấp thuận của đôi bên, thỏa thuận xây chợ chính thức được xóa bỏ.
Đến năm 1995, ông chính thức đăng ký quyền sử dụng cho toàn bộ khu đất gồm cả 4.000m2 dự tính xây chợ nhưng bất thành. Trồng cà phê, chôm chôm được vài hiệu quả nên ông đến bỏ chuyển sang trồng điều. Nhưng vừa trồng thì bất ngờ gặp phản ứng của nhiều người, họ kéo đến quậy phá, nhổ bẻ cây trồng, uy hiếp tinh thần ông Lạc… Ông phải cầu cứu đến lực lượng công an mới tạm yên ổn được.
Tuy nhiên, sau khi cây trồng bị chặt phá, nhiều người ngang nhiên lấn chiếm làm nơi tập kết vật liệu. Nam thanh niên kéo đến chơi bời quậy phá suốt ngày đêm. Họ còn ngang nhiên chiếm dụng làm sân đá banh trên khu đất này trước sự bất lực của ông già 90 tuổi và sự vô cảm của chính quyền địa phương.
Điều khó hiểu là người trực tiếp thỏa thuận thì đồng ý trả lại khi dự án xây chợ không thành? Trong khi những người không trực tiếp tham dự trong thỏa thuận miệng này lại phản ứng dữ dội với quyết tâm chiếm cho được khu đất này? Và từ đó đến nay, cứ được một lúc yên ổn lại xuất hiện một nhóm người khác lên nhòm ngó nhằm mục đích chiếm đoạt mãnh đất này khiến gia đình ông Lạc luôn sống trong tâm trạng bất an.
Không chỉ bêu xấu, nhóm người này còn quá khích khi thường xuyên tổ chức quậy phá, nhổ bỏ toàn bộ cây trồng lâu năm mà gia đình ông đã đầu tư trên đất. Vừa trồng hôm trước, hôm sau đã có đám thanh niên kéo đến nhổ bỏ, nhục mạ người đáng tuổi ông bà mình…? Mỗi lần như vậy, ông Lạc lại nhờ đến chính quyền can thiệp. Một lần, hai lần… nhưng đến nay cũng gần như bất lực, thờ ơ với những bức xúc của người dân yếu thế bị ức hiếp. Đây cũng chính là nguyên nhân chính quyền làm cho vụ việc hoàn toàn có thể xử lý dứt điểm lại phải kéo dài gần chục năm nay và đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân ngày càng xâm hại nghiêm trọng.
Tại sao chính quyền địa phương không mạnh tay trấn áp bọn côn đồ, hung hăng uy hiếp người dân, để cho cụ già gần 90 tuổi phải sống trong nỗi bất an? Còn Tòa án nhân dân huyện Thống Nhất thì không hiểu vì sao không thụ lý giải quyết vụ án? Trong khi đó, trước đây hồ sơ địa chính của thửa đất cũng đã được gửi tòa án nhân dân huyện Thống Nhất. Trong đó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thống Nhất nêu rõ: 4301m2 là một phần của thửa số 209, tờ bản đồ số 11 (đo bao trong diện tích 5298m2) bản đồ 201. Theo bản đồ mới VN 2000 là phần của thửa đất số 169, tờ bản đồ số 14, đo bao có tổng diện tích là 6845m2 đất trồng cây lâu năm. Năm 1995 ông Nguyễn Văn Lạc đã đăng ký quyền sử dụng đất và hiện ông Lạc đã có tên đăng ký tại trang 48, bộ số 2, bộ sổ địa chính cấp theo mẫu số 2 được ban hành theo Quyết định số 499/QĐ-ĐC ngày 27/7/1995 của Tổng Cục địa chính đã được Sở Địa chính kiểm tra và nghiệm thu ngày 29/11/2000.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng địa phương phải khẩn trương vào cuộc xem xét giải quyết dứt điểm, đến nơi đến chốn vụ việc. Và quan trọng là lập lại trật tự an ninh khu phố vốn đang có quá nhiều bất ổn, côn đồ lộng hành coi thường luật pháp.
Minh Quân