Hàng chục ha rừng bị phá trắng

Ngày 16/4, một lãnh đạo UBND huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, đang chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn.

leftcenterrightdel
Hiện trường vụ phá rừng trên địa bàn xã Đắk Phơi, huyện Lắk. 

Trước đó, ngày 6/4, đoàn kiểm tra của Cục Kiểm lâm đã phối hợp với Chi cục kiểm lâm Đắk Lắk, Hạt Kiểm lâm huyện Lắk, UBND xã Đắk Phơi và Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai - chi nhánh Đắk Lắk (Công ty Tân Mai) đã tiến hành lập biên bản kiểm tra tình trạng phá rừng trái pháp luật trên địa bàn xã Đắk Phơi, huyện Lắk.

Theo đó, qua kiểm tra hiện trường, đoàn kiểm tra đã xác định diện tích rừng bị phá là 74,6 ha, thuộc lâm phần do Công ty Tân Mai và UBND xã Đắk Phơi quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Đắk Phơi, huyện Lắk.

Cụ thể, lâm phần do Công ty Tân Mai quản lý bị phá tổng diện tích 63,7ha, thuộc các tiểu khu 1391, 1392 và 1400, có trạng thái rừng tự nhiên núi đất nghèo, nghèo kiệt và le, lồ ô thuộc quy hoạch rừng sản xuất.

Vào thời điểm kiểm tra, Công ty Tân Mai đã cung cấp 44 biên bản kiểm tra tình trạng lấn chiếm đất từ ngày 13/2/2022 đến 27/3/2022, với diện tích đã kiểm tra là 62,9ha tại các tiểu khu 1392, 1400. Đồng thời, đã xác định ban đầu được một số đối tượng có liên quan, các vụ việc nêu trên công ty đã báo cáo và bàn giao hồ sơ cho UBND xã xử lý.

Tuy nhiên, theo đoàn kiểm tra, các biên bản kiểm tra chưa xác định được ranh giới diện tích, hiện trạng cụ thể trên bản đồ cũng như ngoài thực địa. Do đó, đối với diện tích 63,8ha rừng bị phá trái phép nêu trên cần thiết lập hồ sơ, điều tra xác định đối tượng vi phạm, để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với lâm phần do UBND xã Đắk Phơi quản lý, tổng diện tích rừng bị phá là 10,9 ha, thuộc khoảnh 2, khoảnh 7 tiểu khu 1400, có trạng thái là rừng tự nhiên núi đất lá rộng, nghèo kiệt và lồ ô thuộc quy hoạch rừng sản xuất.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra nói trên, Đoàn kiểm tra Cục Kiểm lâm đề nghị Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Lắk chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn, UBND xã Đắk Phơi và Công ty Tân Mai lập hồ sơ, điều tra, xác minh đối tượng vi phạm liên quan đến vị trí rừng bị phá. Đồng thời, kiểm tra, xác minh làm rõ về diện ngoài thực địa, đối tượng vi phạm đối với các vụ vi phạm do Công ty Tân Mai đã phát hiện lập biên bản để xử lý theo quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
Lâm phần do Công ty Tân Mai quản lý bị phá tổng diện tích 63,7ha rừng.

Cục Kiểm lâm cũng đề nghị, Hạt Kiểm lâm huyện Lắk tăng cường lực lượng, phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức tuần tra rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm, đúng pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn quản lý. Bên cạnh đó, phối hợp với UBND xã Đắk Phơi, Công ty Tân Mai bảo vệ hiện trường và tiếp tục kiểm tra mở rộng các khu vực rừng trên địa bàn xã Đắk Phơi, xác định các khu vực bị phá, lấn chiếm trái phép, lập hồ sơ vi phạm để xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật...

Phá rừng để đất sản xuất

Để ghi nhận thực tế về vụ phá rừng tại địa phận xã Đắk Phơi, ngày 15/4, PV đã có mặt tại tiểu khu 1391 thuộc lâm phần do Công ty Tân Mai quản lý. Tại đây, nhiều diện tích rừng đã bị phá, được thay thế bằng cây cà phê, điều. Nhiều ngọn đồi vừa phát dọn, đốt cháy nham nhở, chỉ còn sót lại những gốc cây cháy đen nằm bên cạnh các khoảnh rừng lồ ô, cỏ dại và lưa thưa những cây gỗ nhỏ. Hàng chục người vẫn chặt cây, dọn dẹp, đốt cháy biến đất rừng thành nương rẫy.

Người thanh niên tên là Y.T.L. (trú tại buôn Jie Juk, xã Đắk Phơi, huyện Lắk) cho biết, gia đình không có đất sản xuất nên vào khu vực này mượn đất, phát dọn 3 sào chờ mưa xuống để trồng khoai mì (cây sắn-PV).

Cách đó không xa, tại tiểu khu 1392, một nhóm gần chục người đang chặt những cây rừng còn sót lại, dọn dẹp và đốt chuẩn bị xuống giống gieo trồng. Đáng nói, dù nhóm cán bộ bảo vệ rừng có mặt liên tục đề nghị, vận động người dân dừng việc phá rừng vì đây là diện tích đất của công ty quản lý để phục vụ trồng rừng. Song, nhóm người dân gay gắt đáp lại: “Không phá rừng thì lấy gì mà ăn”. Khi cán bộ của công ty hỏi tên của nhóm người đang trực tiếp  phát dọn, phá rừng thì những người này trả lời kiểu đối phó “mình không có tên”, rồi tiếp tục di chuyển lên ngọn đồi đã bị phá để dọn dẹp, đốt.

leftcenterrightdel
Rừng bị chặt phá trắng, đốt bỏ lấn chiếm đất để làm nương rẫy. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Tân Mai – Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, từ đầu tháng 2/2022 đến nay, lực lượng bảo vệ của Công ty Tân Mai đã phát hiện rất nhiều người dân địa phương trên địa bàn xã Đắk Phơi tổ chức theo nhóm từ 10-25 người vào khu vực đất được giao của Công ty Tân Mai để chặt phá, phát cây le, lồ ô nhằm lấn chiếm đất làm nương rẫy. Lực lượng bảo vệ của công ty đã ra sức thuyết phục, tuyên truyền, vận động nhưng người dân không tuân thủ, không hợp tác và có thái độ thách thức.

Mặt khác, lực lượng bảo vệ của Công ty Tân Mai đã nhiều lần lập biên bản hiện trường bước đầu, lập các hồ sơ báo cáo, có danh sách một số đối tượng chặt phá, lấn chiếm đất gửi UBND xã, Công an xã và các cơ quan chức năng. Thế nhưng, công tác xử lý các vụ việc vi phạm chưa được kịp thời, dứt điểm, đặc biệt là các vụ vi phạm chống đối người thi hành công vụ trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Còn bà H’Binh Liêng – Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Phơi cho biết, tại khoảnh 2 và 7 tiểu khu 1400 lâm phần do UBND xã quản lý cũng bị phá 10,9 ha rừng. “Nhiều khả năng mục đích của việc phá rừng nói trên để lấy đất sản xuất”.

Liên quan đến vụ phá rừng nói trên, lãnh đạo UBND huyện Lắk cho biết, sau khi nắm được thông tin, UBND huyện đã và đang chỉ đạo cho các phòng, ban, cơ quan liên quan phối hợp với Công an huyện, UBND xã Đắk phơi và đơn vị chủ rừng tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá đúng tình hình việc phá rừng. Qua đó, báo cáo UBND huyện để có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật./.

Nguyễn Chính - Khánh Nguyên