Vừa qua, báo BVPL có loạt bài phản ánh khiếu nại của người dân tại xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) về việc năm 2012, họ bị thu hồi đất trồng lúa để cho Công ty TNHH 888 thực hiện dự án, nhưng chỉ được nhận số tiền bồi thường rất thấp (chỉ bằng khoảng 1/3 số tiền theo quy định). Tiếp tục tìm hiểu vụ việc, Phóng viên báo Bảo vệ pháp luật phát hiện những dấu hiệu sai phạm trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch khu công nghiệp, giải phóng mặt bằng (GPMB) tại xã Quảng Hợp.
Ông Đỗ Ngọc Toàn, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp, người trực tiếp chỉ đạo thực hiện việc chi trả tiền bồi thường GPMB cho nông dân thôn Hợp Hưng, xã Quảng Hợp năm 2012 cho biết: Năm 2012, Chủ tịch UBND tỉnh lúc đó là ông Trịnh Văn Chiến (nay ông Chiến là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa) nhiều lần vào họp với xã, huyện và chỉ đạo “bằng mọi cách phải giữ chân Tổng Công ty May 10 đầu tư vào tỉnh...”. Còn phía Công ty thì có yêu cầu “giá đất rẻ thì họ mới đầu tư”. Từ chỉ đạo “bằng miệng” của lãnh đạo tỉnh, UBND xã Quảng Hợp không thành lập Ban GPMB, vì vậy ông Toàn không ký vào biên bản thỏa thuận với dân về bồi thường tiền đất. Giải thích vì sao việc bồi thường cho dân căn cứ vào Nghị định số 69/2009/NĐ- CP của Chính phủ (thể hiện tại biên bản thỏa thuận) mà vẫn làm sai là vì thực hiện chỉ đạo của cấp trên (?) Ông Toàn cho biết, biên bản thỏa thuận với dân được ông lấy mẫu từ trên mạng internet xuống rồi ghi “đại diện Ban GPMB” để dân tin tưởng. Cuối năm 2012, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư trên 4,6 tỷ đồng để xây dựng đường điện vào khu vực mà Tổng Công ty May 10 lấy đất, mặc dù chưa quy hoạch và chưa báo cáo phương án sử dụng đất với HĐND tỉnh theo quy định. Ông Toàn cho biết thêm: “công ty chuyển lần 1 là 857 triệu đồng, lần 2 là 213 triệu đồng, tổng cộng hai lần là 1.070 triệu đồng để chi trả cho dân”, số tiền này ông đã chi trả hết cho người dân, mặc dù giá trị của 5,6ha đất theo quy định khoảng trên 5 tỷ đồng, nhưng công ty mới chuyển về trên 1 tỷ đồng chi trả cho dân...?!.
|
|
Hàng chục người dân lên Công ty TNHH 888 đòi tiền bồi thường. |
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ánh Dương, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, kiêm Giám đốc Công ty TNHH 888 khẳng định: Việc bồi thường GPMB năm 2012 cho nhân dân thôn Hợp Hưng do Tổng Công ty May 10 thực hiện trước đó. Tổng Công ty đã căn cứ vào quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa để chuyển tiền cho xã đền bù cho dân. Thế nhưng, sáng ngày 20/4 vừa qua, có hàng trăm người đến trước cổng Công ty đòi tiền đất. Ông Dương cho rằng, việc này UBND xã Quảng Hợp phải chịu trách nhiệm trước dân, việc công dân đi đòi nợ đã làm ảnh hưởng đến uy tín và cản trở sản xuất, gây mất trật tự trước cổng công ty.
Tuy nhiên, câu trả lời của ông Dương là không phù hợp với thực tế. Vì, nếu thực hiện theo quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa thì với diện tích đất thu hồi là trên 5,6 ha, công ty phải bồi thường số tiền trên 6,5 tỷ đồng (chưa trừ ưu đãi). Theo ông Toàn thì công ty mới chi trả 1.070 triệu đồng để UBND xã Quảng Hợp chi trả cho dân thay công ty, thông tin này phù hợp với nội dung tại Thông báo số 739, ngày 3/11/2012 của Huyện ủy Quảng Xương, phần kết luận của Thông báo này nêu “công ty đã chuyển qua Ngân hàng Vietcombank ngày 3/5/2012 với số tiền là 857.633.000 đồng, bình quân 25.919.750 đồng/sào để chi trả cho dân”, mà không đề cập đến diện tích 3,8 ha đất trồng lúa, nguồn thu bao nhiêu, ai chịu trách nhiệm?
Trong số diện tích 5,6ha đất trồng lúa nêu trên được UBND xã Quảng Hợp giao cho Công ty TNHH 888 xây dựng nhà máy, có 3,8ha đất dự phòng (đất 5%) của xã. Theo khoản 3 Điều 132 Luật Đất đai 2013 thì UBND xã chỉ có quyền cho công ty thuê không quá 5 năm, nếu chưa giao cho dân canh tác, nguồn thu được nộp vào ngân sách xã. Trường hợp đất 5% đã giao cho dân sử dụng, nếu UBND xã Quảng Hợp lấy lại để giao cho công ty thuê đất làm dự án phải được sự đồng ý của Hội đồng nhân dân xã, thời gian cho thuê đất cũng không quá 5 năm, hộ gia đình đang sử dụng đất 5% này được hưởng 70% giá trị so với giá bồi thường đất trồng lúa theo từng loại đất. Theo cách tính trên thì với diện tích 5,6 ha nhận thuê, Tổng Công ty May 10 phải chi trả cho UBND xã Quảng Hợp và nhân dân thôn Hợp Hưng trên 4 tỷ đồng nữa (nếu trả chưa đủ). Nhưng đến nay, số tiền này chưa được làm rõ. Đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra làm rõ và có kết luận chính thức, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân, tránh những hoài nghi từ dư luận.
Bài và ảnh: Phạm Ngọc