leftcenterrightdel
Việc triển khai lấy đất trồng lúa của dân năm 2012 để bàn giao cho Công ty TNHH 888 có dấu hiệu mất dân chủ. 

Bà Vương Thị Lai (SN 1957) phản ánh: các con đi làm ăn xa, bà ở nhà một mình, vào đầu năm 2012, bà được ông Vũ Xuân Bạn, Trưởng thôn Hợp Hưng mời lên nhà văn hóa thôn và nói: “Đất của chị chỉ được 14,5 triệu/sào, chị muốn nhận 17,5 triệu đồng/sào thì đưa cho tôi 3 triệu đồng, nếu không chị đi lên cuối xã mà nhận đất...”. Xét thấy tuổi đã cao, không đủ sức để canh tác thửa ruộng cách nhà từ 3 đến 4km, nên bà đã gọi điện cho con gái đang làm ăn ở trong miền Nam gửi tiền về và đưa cho ông Bạn 3 triệu đồng như lời ông đề nghị, vài hôm sau, bà lên xã được nhận 17,5 triệu đồng/sào.

Ông Đặng Công Vinh, bộ đội phục viên gần 70 tuổi phản ánh: Gia đình ông có tổng cộng trên 7 sào đất trồng 2 vụ lúa, bị dự án xây dựng nhà máy may lấy 2,5 sào. Cùng nhiều hộ khác, gia đình ông được bồi thường 17,5 triệu đồng/sào. Ông thắc mắc thì Trưởng thôn nói, nếu không nhận tiền đất thì ông lên cuối xã mà nhận đất.

Còn ông Đặng Công Minh, thương binh hạng 2/4 cho rằng: vợ chồng ông có trên 2 sào đất đã bị thu hồi, hiện tại sống nhờ tiền chính sách, nhưng không được hỗ trợ theo Quyết định số 3162, ngày 26/9/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa về hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Về việc thu hồi đất trên, các hộ dân Quảng Hợp cho rằng: UBND xã không triển khai trên hệ thống loa đài truyền thanh của xã, không niêm yết chủ trương giải phóng mặt bằng bàn giao đất canh tác cho công ty, họ thuộc nhóm nhận tiền đầu tiên và tin vào chính quyền, cơ quan chức năng nên chấp hành nghiêm túc. Cũng diện tích đất bị thu hồi, nhiều hộ còn đang do dự đều bị Trưởng thôn dọa “lên cuối xã mà nhận đất nếu không nhận tiền bồi thường”. Vì vậy, họ đành miễn cưỡng nhận số tiền bồi thường 17,5 triệu đồng/sào, mặc dù cho rằng việc chi trả tiền bồi thường của xã là không đúng. Những ngày sau đó, nhiều hộ không bàn giao đất đã được UBND xã Quảng Hợp trả 25 triệu đồng/sào để bàn giao...   

Cho rằng việc chi trả tiền bồi thường không đúng quy định, có khuất tất, hàng chục hộ dân đã đến UBND xã yêu cầu cung cấp quyết định thu hồi đất và các quy định về bồi thường GPMB của huyện, của tỉnh. Nhưng hỏi cán bộ xã ai cũng nói “không biết”. Các hộ kéo về Công ty TNHH 888 thì được trả lời: “Đất này công ty mua của xã, của huyện, các ông bà về đó mà đòi”. Vì vậy, từ trung tuần tháng 6/2012 đến nay, trên chục hộ dân được bồi thường từ 14,5 triệu đồng đến 17,5 triệu đồng/sào cùng nhau đi khiếu nại, cho rằng ông Đỗ Ngọc Toàn, Chủ tịch UBND xã đã “tư lợi” đối với số tiền bồi thường còn thiếu của họ.

Trước sự khiếu nại đòi quyền lợi của trên chục hộ dân, tháng 6/2017, ông Đỗ Ngọc Toàn, Chủ tịch xã và kế toán xã Quảng Hợp đã xuống thôn công bố “hiện nay công ty ăn nên làm ra, nên hỗ trợ thêm mỗi sào 5 triệu đồng nữa...”. Các hộ dân đã nhận số tiền này, nhưng vẫn yêu cầu giải quyết quyền lợi về bồi thường tiền đất trồng lúa theo quy định của Chủ tịch UBND tỉnh năm 2012 và tiền lãi suất do bị UBND xã Quảng Hợp chiếm dụng.

Ông Nguyễn Văn Tài, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp (hiện tại) cho biết: Ông mới nhận chức được hơn ba tháng nay, nhưng mỗi lần dự họp Chi bộ thôn Hợp Hưng, ông thấy tình hình rất phức tạp. Việc triển khai lấy đất trồng lúa của dân năm 2012 để bàn giao cho Công ty TNHH 888 có dấu hiệu mất dân chủ.

Ông Trần Văn Công, Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cho rằng: việc này Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đi xác minh, vì có chuyện lình xình nên đã chuyển ông Đỗ Ngọc Toàn về xã Quảng Trạch làm Bí thư Đảng ủy...(?)

Phạm Ngọc