DỰ ÁN TREO 12 NĂM
 
Ngày 29 tháng 8 năm 2001, UBND tỉnh Cần Thơ công bố quyết định số 55/2001/QĐ-UB (QĐ 55) về việc ban hành quy định về lộ giới tuyến quốc lộ 91B(QL91B) kéo dài đến cảng Cái Cui là 80m, QL91B chạy qua phần đất hiện nay có dự án khu đô thị tái định cư Cửu Long (DAKĐTĐCCL).Tại đoạn DAKĐTĐCCL đến năm 2007 xây dựng được mặt đường rộng 12m với 2 làn xe, để lại mỗi bên lề hơn 30m làm lộ giới treo của QL91B (gọi là lề 30m) cho đến nay và phần lề 30m này thuộc dự án mở rộng QL91B giai đoạn 2 của Bộ GTVT  hiện chưa có chủ trương đầu tư. Như vậy phần đất thuộc lề 30m, mặt tiền của DAKĐTTĐCCL là “đất vàng” vì tiếp giáp quận Ninh Kiều trung tâm thành phố Cần Thơ, nhưng đã 12 năm nay người dân vẫn không được phép xây dựng nhà ở, khai thác để sinh lợi là sự mất mát, thiệt thòi quá lớn của người dân mà không ai chịu trách nhiệm cả?!
 
Có những hộ dân do nhu cầu bức thiết của cuộc sống, không có chỗ ở nào khác để làm ăn sinh sống buộc phải xây dựng tạm trên đất của mình, để mua bán tạo thu nhập cho gia đình, giải quyết việc làm cho công nhân…thì chính quyền quận Bình Thủy ép buộc phải tháo dở, thậm chí đã cưỡng chế tháo dở như hộ bà Nga, bà Liễu, bà Cúc, hộ ông Bảy Thọ…Vì thế, để ứng phó với việc không cho xây dựng trên đất quy hoạch treo nhiều hộ dân dọc mặt tiền QL91B buộc phải xây dựng các hàng quán theo kiểu chòi lá, che bạt trông rất nhếch nhác mà chính quyền địa phương cũng không đồng cảm quan tâm đến việc kiến nghị “gở treo” hoặc cho phép xây dựng tạm.
 
Trước thực trạng “lộ giới treo” như hiện nay và nhu cầu bức thiết về kế sinh nhai của người dân, Thủ tướng chính phủ đã nhận biết được và đã có giải pháp tháo gở khó khăn cho người dân bằng việc ký ban hành nghị định số: 11/2010/NĐ-CP, ngày 24 tháng 02 năm 2010. Tại khoản 2,Điều 44, Quy định về giải quyết các công trình tồn tại trong đất dành cho đường bộ của nghị định 11/2010/NĐ-CP có quy định:
 
“Những công trình xét thấy chưa ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định của công trình đường bộ và an toàn giao thông đường bộ thì trước mắt cho phép giữ nguyên hiện trạng nhưng chủ công trình phải cam kết không cơi nới và thực hiện dỡ bỏ công trình khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”.
 
“Đất nằm trong dự án treo gây thiệt thòi rất lớn cho người dân, hạn chế hầu hết các quyền của người sử dụng đất mà luật đất đai đã quy định. Theo đó, những hộ dân này chỉ còn một quyền tối thiểu là xây dựng tạm để sử dụng mà không được thì xem như tước đoạt hết tất cả các quyền của họ, là điều không ai có thể chấp nhận được. Trong khi thủ phạm gây “treo” là chủ đầu tư lại không bị xử lý”. Ông Nguyễn Ngọc Châu, người có nhà đất trong dự án bức xúc .
 
THU HỒI CẢ ĐẤT NẰM NGOÀI QUY HOẠCH DỰ ÁN
 
Ngày 22 tháng 6 năm 2009, UBND TP Cần Thơ ban hành quyết định số 1846/QĐ-UBND (QĐ1846) để chấp thuận quy hoạch phần đất có diện tích khoảng 54 ha giao cho Công ty cổ phần Him Lam Cần Thơ đầu tư xây dựng KĐTTĐC Cửu Long tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Phía Tây Nam của dự án giáp với chỉ giới đường đỏ của QL91B, tức là còn cách QL91B hiện hữu 30m, đây là phần đất dành cho đường bộ (gọi là lề 30 như đã nêu ở phần trên ) đã có quy hoạch đất làm dự án mở rộng QL91B giai đoạn 2 của Bộ GTVT , cho nên QĐ 1846 không thể quy hoạch luôn phần đất này vì quy hoạch chồng quy hoạch. Thế nhưng không hiểu vì sao ngày 27/05/2010 chủ tịch UBND TP Cần Thơ ký ban hành thêm công văn số: 2499/UBND-KT về việc thống nhất chủ trương mở rộng diện tích dự án KĐTTĐC Cửu Long đến tiếp giáp QL91B hiện hữu với diện tích khoảng 19.235m2 và đồng thời giao cho chủ đầu tư thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật…Về hình thức thì công văn này là văn bản về đất đai sai luật, vì theo Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (năm 2004) tại Điều 13 quy định: Để thực hiện chủ trương, chính sách về đất đai…thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải ban hành văn bản bằng quyết định. Về nội dung công văn này đã “lấn sân” Bộ giao thông vận tải vi phạm Điều 26 nghị định số: 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/04/2010 (trước ngày CV 2499 ra đời):
 
Tại khoản 3, Điều 26 có quy định: “Dự án khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu thương mại dịch vụ và các công trình khác phải xây dựng theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có hệ thống đường gom nằm ngoài phạm vi đất dành cho đường bộ. Chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống đường gom, không được sử dụng đất dành cho đường bộ để làm công trình phụ trợ, đường đấu nối;…”
 
Hơn nữa , công văn 2499 của chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho phép thu hồi đất của dân để mở rộng dự án KĐTTDDC Cửu Long không có trong quy hoạch chi tiết dự án KĐTTĐC Cửu Long là hoàn toàn trái với quy định của chính phủ về “Trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất” của Nghị định 69/2009/ND-CP. Tại khoản 2 điều 29 nghị định này quy định rõ: vị trí đất thu hồi phải trên cơ sở quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt .
 
Thế nhưng UBND quận Bình Thủy lại dựa vào công văn 2499  sai luật cả hình thức lẫn nội dung này để làm căn cứ ra hàng loạt quyết định thu hồi phần đất lề 30m  của các hộ dân có đất mặt tiền tiếp giáp QL91B thuộc dự án quốc gia để giao cho cty Him Lam mở rộng dự án nhằm mục đích kinh doanh. Việc làm trái quy định pháp luật của UBND quận Bình Thủy đã dẫn đến nhiều hộ dân khiếu nại gay gắt như hộ bà Võ Thị Thanh Chi, ông Lâm Tý ngụ số 91/23/65 đường 30/4 phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, hộ ông Nguyễn Ngọc Châu ngụ số 1/10 đường Phạm Ngũ Lão, quận Ninh Kiều…
 
ÉP DÂN ĐỂ BỒI THƯỜNG GIÁ RẺ MẠT
 
Cùng ngày 22/06/2009 UBND TP Cần Thơ ban hành luôn quyết định 1850 (QĐ 1850) về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 KĐTTĐC Cửu Long, tại khoản 4, Điều 1 về nội dung quy hoạch có quy định 2 khu chức năng ở riêng biệt là:
 
- Khu chung cư thấp tầng và cao tầng: Bố trí dọc theo QL91B, phần này nhà đầu tư sẽ đầu tư xây dựng và kinh doanh.
- Phần diện tích còn lại bố trí dạng nhà ở liên kế tái định cư và giao lại cho thành phố để bố trí nhà ở tái định cư.
 
Cái nút thắt phát sinh khiếu nại tràn lan hiện nay là tại điều, khoản này của QĐ 1850, vì đây là 2 dự án riêng biệt, có vị trí, qui mô, kiến trúc và nhất là mục đích đầu tư hoàn toàn khác nhau rõ ràng, do đó phải áp dụng 2 cơ chế, chính sách khác nhau:
 
Với khu đô thị bố trí dọc theo QL91B là phần đất mặt tiền tiếp giáp chỉ giới đường đỏ QL91B, nhà đầu tư được phép xây dựng và kinh doanh. Đây là nhà đầu tư tư nhân kinh doanh nhằm mục đích lợi nhuận, làm giàu cho riêng mình thì nhà nước không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất, vì:
 
Tại khoản 2, Điều 40 của luật Đất đai 2003 có quy định rõ: “Đối với dự án sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất.”
 
Khi dự án không thuộc diện nhà nước thu hồi đất thì theo Khoản 2, Điều 28 về Áp dụng thủ tục thu hồi đất, của Nghị định số: 69/2009/NĐ-CP ngày 20/8/2009 của Chính phủ có hướng dẫn: “Đối với dự án đầu tư sử dụng đất không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì không phải làm thủ tục thu hồi đất; sau khi được giới thiệu địa điểm, chủ đầu tư và người sử dụng đất thỏa thuận theo hình thức chuyển nhượng…”
 
Tiếc thay, Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Cần Thơ (TTPTQĐTPCT) đã bất chấp các quy định của pháp luật làm thiệt thòi, mất mát tài sản rất lớn của nhiều người dân trong việc lợi dụng QĐ 1850 đã phê duyệt hai dự án trên thành một dự án KĐTTĐC Cửu Long để áp dụng cơ chế chung là Nhà nước thu hồi đất  nhằm ép dân đền bù với giá rẻ mạt, với giá Nhà nước quy định giá 1m2 đất ở mặt tiền tiếp giáp QL91B của đô thị loại I mà chỉ có 3.000.000 đ, trong khi phía đối diện với dự án qua QL91B đoạn gần cầu Bà Bộ, hiện nay trong điều kiện bình thường người dân đang rao bán với giá từ 18.000.000đ đến 20.000.000đ / 1m2 đất ở. Đất của bà Chi , ông Lâm Tý có 4 nền nhà (mỗi nền rộng 7.5m, dài 70m) giá thị trường từ 3-3.5 tỷ đồng mỗi nền nhưng được tính giá bồi thường chỉ có 920 triệu đồng. Đất của ông Nguyễn Ngọc Châu mỗi mét chiều ngang (sâu 50m) giá thị trường 250 triệu đồng nhưng giá bồi thường chưa tới 55 triệu đồng,…
 
Đất của các hộ dân ở Tổ 7, KV Bình An cách mặt tiền QL91B vài trăm mét cũng được tính giá bồi thường rất thấp: đất ở chỉ 700 nghìn đồng/m2: đất nông nghiệp lại càng thấp hơn với 150 nghìn đồng/m2, chỉ bằng từ 20% đến 35% giá họ đã mua.
 
Khoảng chênh lệch này sẽ lọt vào túi ai!? Chỉ có “những người trong cuộc mới biết rõ”.  
   
Dư luận đặt câu hỏi : UBND Quận Bình Thủy và trung tâm phát triển quỹ đất TP Cần Thơ thu hồi đất thay cho nhà đầu tư tư nhân và bồi thường giá rẻ bèo là nhằm mục đích gì ? Báo BVPL sẽ thông tin tiếp đến bạn đọc vào các số báo tiếp theo.
 
Nhóm PV