Dự án nói trên là công trình sửa chữa, nâng cấp đập mương Bả, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước. Đây là công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, cấp IV với tổng mức đầu tư duyệt là 8.993.737.000 đồng; nguồn vốn từ ngân sách tỉnh hỗ trợ. Công trình có thời hạn thi công 10 tháng, được tổ chức khởi công ngày 25/11/2023 và dự kiến hoàn thành ngày 25/9/2024.
|
|
Người dân bức xúc việc nhà thầu tuồn đất đá thải xuống dọc suối trong quá trình thi công. |
Mục tiêu dự án nhằm đảm bảo cung cấp nước tưới chủ động cho 28ha đất sản xuất nông nghiệp; nâng cao năng suất, cải thiện đời sống của nhân dân địa phương, góp phần giảm bớt khó khăn cho các hộ dân xã Lũng Niêm, từng bước xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng.
Điều khiến người dân bức xúc với nhà thầu trong quá trình thi công, không chỉ một số hạng mục chưa đảm bảo chất lượng mà đơn vị này đã vô trách nhiệm khi đổ một số lượng đất, đá thải lớn xuống dòng suối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Người dân bản địa cho rằng, đây là mùa mưa, nếu chỉ gặp một hôm có lượng mưa lớn, với đặc trưng của vùng miền núi có địa hình dốc, thì việc toàn bộ lượng đất, đá thải này có thể bị cuốn xuống phía hạ lưu.
Anh H.V.T, người dân thôn Quăn, xã Lũng Niêm (xin được giấu tên) bức xúc: Khi đơn vị thi công đập mương thôn Bả, chúng tôi rất lo lắng nhiều vấn đề. Một là, gây nên hiện tượng sạt lở bên đồi; hai là, nhiều khối lượng lớn đất, đá thải bị đẩy xuống suối khiến con suối bị thu hẹp, thậm chí ngăn dòng chảy. Vừa rồi đất, đá còn tràn vào cả ruộng lúa mới cấy của bà con, chúng tôi mới yêu cầu máy múc đi...Người dân nơi đây cũng đã có phản ánh sự việc lên thôn rồi và nhờ Trưởng thôn ý kiến lên cấp trên.
|
|
Khối lượng đất, đá thải lớn làm cho dòng suối bị thu hẹp. |
Trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, ông Hà Văn Khâm, cán bộ kỹ thuật thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bá Thước, lý giải: "Công trình này thi công mấy tháng rồi. Dự án có phương án vị trí đổ thải đàng hoàng (tại thôn Đoàn cũng thuộc địa phận xã Lũng Niêm) nhưng do đường thi công vận hành mỗi khi mưa là không thể chở đi được. Vì vậy, đơn vị xin tập kết tại bờ suối, sau khi hoàn thiện sẽ mang đến vị trí đổ thải đúng quy định."
Cũng theo ông Khâm, khoản tiền dành cho việc vận chuyển đất, đá thải khoảng hơn 400 triệu. Tuy nhiên, sau khi nghiệm thu, nếu lũ lụt cuốn trôi bớt đi thì cũng sẽ có điều chỉnh số tiền.
"Còn đối với phạm vi sạt lở, chúng tôi cũng đã lập biên bản và yêu cầu đơn vị khắc phục, cả thôn và xã cũng tham gia chứng kiến việc này", ông Khâm cho biết thêm.
Mặc dù Chủ tịch UBND huyện Bá Thước đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện đúng theo nội dung trong Báo cáo Kinh tế kỹ thuật được duyệt. Chịu trách nhiệm trong quản lý đầu tư xây dựng công trình, quản lý chi phí, quản lý chất lượng công trình theo đúng các quy định. Đồng thời, thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường xung quanh, tổ chức triển khai thi công đảm bảo không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường xung quanh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, nhà thầu đã không thực hiện đúng quy định khiến dư luận hoài nghi về năng lực cũng như uy tín của đơn vị này.
Ngoài thực trạng tuồn đất, đá thải xuống suối, Cơ quan chức năng cần nghiêm túc kiểm tra, chấn chỉnh về chất lượng thi công một số hạng mục của dự án vì chưa đảm bảo. Theo đó, mái tường chắn đất hạ lưu đập bị rỗ, mái thượng lưu đập bị trồi đá, bong tróc, mái đất bên hữu đập, mái đất trên tuyến kênh T1 còn chưa đảm bảo theo hồ sơ thiết kế, có nguy cơ sạt lở cao,...
|
|
Nhiều hạng mục vừa thi công xong đã có dấu hiệu xuống cấp. |
Để nâng cao chất lượng thi công xây dựng, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án; được biết, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bá Thước đã yêu cầu Công ty CP đầu tư xây dựng Việt Hưng phá dỡ phần bê tông mái thượng lưu đập bị trồi đá để tổ chức thi công lại cho đảm bảo chất lượng đúng theo thiết kế; Khắc phục lại phần bê tông bị lỗ trỗ khi tháo dỡ cop pha. Đồng thời, yêu cầu nhà thầu thi công lại mái taluy đất phần đập, tuyến kênh theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt; tiến hành nạo vét các điểm sạt lở đất do mưa lũ ở các tuyến kênh đang thi công để đảm bảo an toàn cho công trình.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bá Thước, riêng phần đất, đá thải đang trải dài dọc lòng suối, nhà thầu cần thực hiện khơi dòng và vận chuyển đi, đảm bảo lưu lượng nước chảy, riêng tuyến đường tạm phục vụ thi công dọc lòng suối phải được vận chuyển đến vị trí đổ thải sau khi hoàn thành công trình.
Mặc dù yêu cầu là vậy nhưng mấy tháng trời, đơn vị thi công vẫn không nhanh chóng khắc phục. Nếu tình trạng này kéo dài, mùa mưa lũ đang diễn biến phức tạp, lượng đất đá thải bị đẩy xuống hạ lưu, ảnh hưởng tới đời sống và môi trường thì ai chịu trách nhiệm? Có lẽ nhà thầu cũng cần tiến hành rà soát lại chất lượng nhân sự để kịp thời bổ sung, thay thế cán bộ kỹ thuật, công nhân có trình độ và tay nghề đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu nhằm nâng cao hiệu quả thi công và chất lượng công trình.
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.