Một trong những sai phạm nghiêm trọng nhất, đáng lo ngại nhất của Học viện Khoa học Xã hội về công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ là phân công hướng dẫn NCS "râu ông nọ cắm cằm bà kia", một giáo sư hướng dẫn đồng thời 12 nghiên cứu sinh .
Thanh tra Bộ GD&ĐT vừa có kết luận thanh tra về việc xác định chỉ tiêu, tổ chức tuyển sinh, quản lý đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội.
Dân trí tiếp tục phản ánh phần II của bài: Choáng với kết luận sai phạm của "lò ấp" tiến sĩ, thạc sĩ của Học viện Khoa học xã hội.
Tuyển sinh tiến sĩ với học viên không đúng chuyên ngành
Theo kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT, trong thông báo tuyển sinh trình độ tiến sỹ của Học viện Khoa học Xã hội có nội dung về điều kiện dự tuyển của nhiều ngành/chuyên ngành khác với ngành/chuyên ngành đăng ký được dự tuyển nghiên cứu sinh không đúng quy định tại Khoản 1 Điều 8 Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ.
Cụ thể, người có bằng thạc sỹ các ngành Chính trị học, Hành chính học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Quản lý khoa học và công nghệ được dự tuyển cả 04 chuyên ngành Luật (Luật hiến pháp và Luật hành chính, Luật Hình sự và tố tụng hình sự, Luật kinh tế, Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm); Người có bằng thạc sỹ ngành Chính sách công, Quản lý công được dự thi chuyên ngành Kinh tế quốc tế…
Danh mục hướng nghiên cứu, đề tài kèm theo thông báo tuyển sinh của nhiều ngành chưa có đầy đủ thông tin về họ tên, học vị, chức danh người có thể hướng dẫn, số lượng NCS có thể nhận nghiên cứu. Được biết, tổng số NCS trúng tuyển năm 2015 của Học viện là 350. Năm 2016 là 400 NCS.
Đoàn Thanh tra của Bộ GD&ĐT đã kiểm tra xác xuất hồ sơ của 12 NCS trúng tuyển năm 2016 cho thấy, phiếu đánh giá hồ sơ của thí sinh của cả 05 thành viên của tiểu ban chuyên môn chỉ cho điểm đánh giá bài luận về dự định nghiên cứu, không cho điểm hồ sơ trên phiếu đánh giá (kết quả học tập ở trình độ đại học, thạc sĩ; trình độ ngoại ngữ, thành tích nghiên cứu khoa học; kinh nghiệm hoạt động chuyên môn; ý kiến nhận xét đánh giá và ủng hộ thí sinh trong hai thư giới thiệu), chưa tổng hợp đầy đủ kết quả điểm đánh giá trong Biên bản theo quy định.
Chưa xây dựng ban hành xây dựng chuẩn đầu ra với chuyên ngành tiến sĩ
Đối với tổ chức quản lý đào tạo trình độ tiến sĩ của Học viện Khoa học Xã hội, theo kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT thì trong tất cả các chương trình đào tạo đều chưa có đầy đủ nội dung các phần theo đúng quy định; các học phần ở trình độ tiến sĩ không có các học phần lựa chọn theo đúng quy định. Về khối lượng kiến thức tối thiểu, tất cả các CTĐT đều có cấu trúc chương trình gồm 16 tín chỉ cũng chưa đúng quy định.
Một số chương trình đào tạo được Học viện thiết kế chung cho cả 4 ngành đến 5 ngành đào tạo khác nhau, trong đó các học phần về kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành có nội dung hoàn toàn giống nhau.
Đặc biệt, Học viện chưa xây dựng, ban hành chuẩn đầu ra của các ngành/chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ; chưa thực hiện việc công bố công khai chương trình đào tạo, mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trên trang thông tin điện tử theo đúng quy định.
Giáo sư hướng dẫn 12 nghiên cứu sinh
Về tổ chức, quản lý đào tạo, theo kết luận Thanh tra, Học viện phân công nhiều người hướng dẫn NCS vượt quá số lượng (Ví dụ: GS.TS Võ Khánh Vinh hướng dẫn 12 NCS; TS Phạm Hữu Nghị hướng dẫn 6 NCS; PGS.TS Nguyễn Như Phát hướng dẫn 8 NCS; PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương hướng dẫn 9 NCS; TS Đặng Vũ Huân hướng dẫn 7 NCS; TS Đặng Quang Phương hướng dẫn 6 NCS; TS Hồ Ngọc Hiển hướng dẫn 6 NCS; PGS.TS Hồ Sỹ Sơn hướng dẫn 9 NCS; PGS.TS Bùi Quang Tuấn hướng dẫn 8 NCS; TS Phí Vĩnh Tường hướng dẫn 6 NCS; …
Kiểm tra danh sách hướng dẫn NCS ngành Quản lý giáo dục (năm 2015) cho thấy có nhiều trường hợp được phân công hướng dẫn chưa đúng quy định như tiến sĩ ngành Kinh tế nhưng được phân công hướng dẫn NCS chuyên ngành Quản lý giáo dục; Tiến sĩ ngành Nhân học được phân công hướng dẫn 7 NCS ngành Dân tộc học.
Từ năm 2016, Học viện đã tự in phôi bằng. Số phôi bằng đã in năm 2016 là 400 phôi bằng tiến sĩ và 1.710 phôi bằng thạc sĩ.
Kiểm tra sổ cấp phát văn bằng cho thấy còn có hiện tượng tẩy xóa, sửa chữa trên sổ; nhiều mục chưa có đầy đủ các thông tin theo đúng quy định.
|
Đặc biệt, khi kiểm tra xác suất 05 hồ sơ NCS thì có 3/5 hồ sơ NCS có bằng thạc sĩ không phải là ngành đúng và ngành phù hợp với ngành/chuyên ngành NCS đang học hoặc đã tốt nghiệp, ví dụ: NCS tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Chủ nghĩa duy vật biện chứng và Chủ nghĩa duy vật lịch sử, trúng tuyển NCS ngành Lý luận lịch sử nhà nước và pháp luật, đã được cấp bằng tiến sĩ.
NCS tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Quản lý hành chính công trúng tuyển NCS ngành Luật hiến pháp và luật hành chính năm 2016. NCS tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Khoa học và Công nghệ trúng tuyển NCS ngành Luật kinh tế năm 2016.
Luận án thiếu xác nhận của người hướng dẫn, thiếu ý kiến nhận xét của người phản biện
Theo báo cáo tự rà soát của Học viện Khoa học Xã hội, số NCS có bằng thạc sĩ ngành khác với chuyên ngành đã được xét tuyển năm 2015 là 48 NCS, năm 2016 là 41 NCS.
Tuy nhiên, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã kiểm tra một số hồ sơ quản lý đào tạo NCS cho thấy nhiều hồ sơ bản nhận xét tóm tắt luận án tiến sĩ không ghi ngày tháng, không ký tên; Đơn xin bảo vệ luận án cấp học viện của NCS không ghi ngày tháng năm, không có họ tên NCS và không có các thông tin về tên đề tài, chuyên ngành… nhưng lại có xác nhận đồng ý của người hướng dẫn; nghị quyết của Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học viện không ghi ngày ban hành.
Hay như hồ sơ của NCS P.T.A, chuyên ngành Luật hiến pháp và Luật Hành chính cho thấy không có kế hoạch học tập và nghiên cứu của NCS; Phiếu nhận xét luận án tiến sĩ cấp cơ sở của phản biện 1 PGS.TS Nguyễn Minh Mẫn không có ý kiến nhận xét, không có nội dung đề nghị cho NCS bảo vệ luận án cấp Học viện nhưng có đầy đủ chữ ký, họ tên của người nhận xét.
Hồ sơ của NCS C.X.V, NCS L.H.D chuyên ngành Tội phạm học và điều tra tội phạm: Đơn xin bảo vệ luận văn cấp cơ sở, nhận xét của người hướng dẫn không ghi ngày tháng; Bản giải trình ngày
02/2/2015 về việc bổ sung và sửa chữa luận án sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp cơ sở không có ý kiến đồng ý và ký xác nhận của Chủ tịch Hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở theo quy định.
|
Luận án tiến sĩ không có ý kiến nhận xét, không có nội dung đề nghị cho NCS bảo vệ luận án cấp Học viện nhưng có đầy đủ chữ ký, họ tên của người nhận xét. |
Hồ sơ của NCS N.T.T, ngành Luật Hiến pháp và Luật hành chính: Giám đốc Học viện phê duyệt đồng thời hai văn bản trình trong cùng ngày
14/7/2015 về dự kiến người phản biện độc lập khác nhau, Bản nhận xét tóm tắt luận án không ghi ngày tháng, không có xác nhận chữ ký của người nhận xét.
Thậm chí, một số biên bản chấm luận án tiến sĩ cấp cơ sở, cấp Học viện không ghi đầy đủ thông tin của buổi bảo vệ theo quy định, nhất là phần NCS trả lời các câu hỏi của Hội đồng.
Được biết, tổng số NCS đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại Học viện, năm 2015 là 281 luận án, năm 2016 là 265 luận án, năm 2017 (tính đến tháng 4/2017) là 46 luận án.
Chấn chỉnh công tác tuyển sinh đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ
Thanh tra Bộ GD&ĐT kiến nghị Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam làm rõ đặc thù trong việc sử dụng cán bộ khoa học của toàn Viện Hàn lâm trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của Học viện và địa điểm đào tạo của Học viện gửi Bộ GDĐT để thực hiện thống nhất theo quy định.
Chấn chỉnh công tác tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo của Học viện Khoa học xã hội; có biện pháp kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, sai phạm.
Tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có các thiếu sót, sai phạm nêu trong Kết luận thanh tra.
Đối với Học viện Khoa học xã hội, Thanh tra Bộ yêu cầu, thực hiện việc xác định lại chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017 và chỉ tiêu hằng năm theo đúng quy định. Chỉ được tổ chức tuyển sinh, đào tạo ngoài trụ sở chính sau khi có văn bản đồng ý của Bộ GDĐT.
Thông báo tuyển sinh đầy đủ thông tin theo quy định. Rà soát toàn bộ hồ sơ NCS có văn bằng thạc sĩ của ngành/chuyên ngành khác với ngành/chuyên ngành (đang học NCS hoặc đã tốt nghiệp), có giải trình cụ thể đối với từng trường hợp kèm theo minh chứng về việc học chuyển đổi, bổ sung kiến thức theo yêu cầu của ngành/chuyên ngành và đề xuất phương án xử lý, báo cáo Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục đại học) trước ngày
30/8/2017.
Rà soát, có phương án xử lý đối với các trường hợp phân công hướng dẫn luận văn, luận án vượt quá số lượng quy định. Chấn chỉnh công tác phân công hướng dẫn luận văn, luận án...
Kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra các thiếu sót, sai phạm nêu trong Kết luận thanh tra.
Báo cáo việc thực hiện kết luận thanh tra về Bộ GDĐT (qua Thanh tra) trước ngày
30/9/2017.
Theo Hồng Hạnh/Dân trí