Như báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin, ngày 18/10/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định 3027/QĐ-UBND thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh (BQL dự án đầu tư). Trong quyết định này, đã quy định các chức danh Giám đốc, Phó giám đốc và Kế toán trưởng BQL phải do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm.
Khi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chưa có quyết định bổ nhiệm cá nhân nào giữ chức vụ Kế toán trưởng tại BQL dự án đầu tư, thì ngày 24/1/2018, ông Nguyễn Bá Đức - Giám đốc BQL đã làm văn bản gửi Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh, đăng kí sử dụng tài khoản, mẫu dấu và mẫu chữ kí của bà Lê Thị Thúy Hòa với chức danh Kế toán trưởng.
Từ chức danh Kế toán trưởng “tự phong” của bà Lê Thị Thúy Hòa, Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh đã đồng ý giải ngân 12,8 tỷ đồng chỉ trong vòng 6 ngày (từ 25/1 đến 31/1/2018).
|
|
Văn bản "tự phong" Kế toán trưởng và chứng từ giải ngân không đúng luật |
Nói về việc giải ngân này, ông Nguyễn Hồng Lam, Phó Phòng kiểm soát chi – Kho bạc Hà Tĩnh cho biết: Nếu áp dụng đúng nguyên tắc giải ngân, thì chưa thật đúng. Tuy nhiên, trong văn bản 389/KBHT-KSC ngày 16/8/2018 do ông Nguyễn Tiến Dũng – PGĐ Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh ký, gửi Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước để báo cáo những nội dung liên quan, đã dùng mọi lý lẽ để biện minh cho việc giải ngân sai trái của Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh, mà “bảo bối” để Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh lấy làm “phao cứu sinh” là một văn bản hành chính, dưới luật, bỏ qua các quy phạm pháp luật về tài chính, kế toán.
“Bảo bối” là công văn hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh
Ngày 22/11/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký công văn 7354/UBND-NC1 đồng ý với đề xuất của BQL dự án đầu tư, “trước mắt” sử dụng bộ máy hiện tại của BQL dự án Ngàn Trươi – Cẩm Trang làm bộ máy “nóng cốt” để “tiếp nhận, chuyển giao chủ đầu tư, quản lý dự án từ các BQL được tổ chức lại…”.
Đây chỉ là một văn bản hành chính, chỉ đạo công việc bình thường về công việc tại BQL mới thành lập. Tuy nhiên, không chỉ giám đốc BQL dự án đầu tư lấy làm “bảo bối” để “tự phong” Kế toán trưởng, mà ngay cả Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh cũng viện dẫn để bao biện cho hoạt động giải ngân trái pháp luật của mình. Điều mà lẽ ra, khi giải ngân nguồn vốn ngân sách Nhà nước, Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh phải căn cứ vào các quy định của pháp luật, vào các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.
|
|
Công văn của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh được BQL dự án đầu tư và Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh sử dụng làm "bảo bối" biện minh cho những sai trái trong hoạt động. |
Một Luật sư uy tín chuyên ngành tài chính – đầu tư khi được PV báo Bảo vệ pháp luật tham vấn chuyên môn đã khẳng định, văn bản 7534 của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ là công văn hành chính, không phải là văn bản pháp quy, không có giá trị thay thế các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
“Kho bạc Nhà nước vừa là đơn vị ngành dọc, vừa là đơn vị ngành ngang. Hoạt động ngành dọc với cấp trên trực tiếp là Kho bạc Nhà nước Việt Nam là quan trọng nhất, nên Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh cần phải áp dụng các văn bản pháp quy chuyên ngành để thực hiện việc giải ngân, không được tùy tiện dựa vào 1 văn bản hành chính” - Luật sư này cho biết.
Trên thực tế, Kho bạc Nhà nước hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của ngành, với các quy phạm pháp luật điều chỉnh. Kho bạc có quyền từ chối chỉ đạo của chính quyền địa phương, nếu chỉ đạo ấy không phù hợp với các văn bản pháp luật chuyên ngành. Do đó, văn bản 7534 không thể là “cây gậy” để Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh cầm vào đó để ngụy biện, đối phó dư luận.
Theo phân tích của Luật sư, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quy định chức danh Kế toán trưởng phải do Chủ tịch tỉnh bổ nhiệm, thì tính pháp quy phải nằm ở quyết định bổ nhiệm. Việc chưa có quyết định bổ nhiệm Kế toán trưởng (hoặc giao phụ trách kế toán) mà Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh đã chấp thuận giải ngân là trái pháp luật.
“Kế toán trưởng là một chức danh đặc biệt, đứng đầu bộ máy kế toán của một đơn vị. Luật kế toán năm 2015 đã có những quy định riêng về tiêu chuẩn, trách nhiệm, quyền hạn của Kế toán trưởng. Nhất là, việc ký chứng từ kể toán, phải đảm bảo quy định tại Điều 19 – Luật kế toán về chữ ký, thẩm quyền, chức danh, trách nhiệm của người ký…”- Luật sư nói.
Ở đây, bà Lê Thị Thúy Hòa chưa được bổ nhiệm và chưa đủ chức danh quy định trên chứng từ là “Kế toán trưởng” của BQL dự án đầu tư, do đó chưa đủ thẩm quyền để ký chứng từ kế toán trong hồ sơ giải ngân như đã phân tích.
Ngụy biện, đánh tráo khái niệm
Một lãnh đạo phòng chuyên môn của Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh cho biết: Việc chấp thuận giải ngân là có sự vận dụng “linh động”, bởi văn bản 7534 là do Chủ tịch UBND tỉnh ký nên đơn vị mới chấp nhận, chứ nếu Phó chủ tịch UBND tỉnh ký thì chưa chắc Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh chấp nhận giải ngân?!
Tuy nhiên, khi báo cáo với Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Việt Nam, Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh lại cho rằng văn bản 7534 đảm bảo tính pháp lý, đúng các quy định của pháp luật.
|
|
Báo cáo ngụy biện của Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh. |
Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh viện dẫn khoản 1 Điều 6 Thông tư 16/2016 của Bộ xây dựng, cho rằng văn bản 7534 Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý sử dụng bộ máy BQL dự án Ngàn Trươi – Cẩm Trang làm bộ máy “nòng cốt” để tiếp nhận, quản lý các dự án là phù hợp, nhằm gián tiếp thừa nhận chức danh Kế toán trưởng của bà Lê Thị Thúy Hòa là hợp pháp.
Tuy nhiên, Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh viện dẫn chưa đầy đủ, khi khoản 1, Điều 6 Thông tư 16/2016 Bộ xây dựng quy định việc lựa chọn một hoặc một số BQL dự án đầu tư làm nòng cốt để tổ chức lại hoạt động phải “phù hợp với quy định hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 5 của Thông tư này”.
Mà điểm a, khoản 2 Điều 5 Thông tư 16 quy định việc sắp xếp, tổ chức lại (bao gồm việc đề xuất, sắp xếp, bổ nhiệm…) phải được báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định. Chứ không phải căn cứ vào văn bản hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh cũng viện dẫn Nghị quyết 70/CP ngày 03/8/2017 của Chính phủ để bao biện cho việc giải ngân nhanh chóng của mình, mà quên mất rằng, Nghị quyết 70/CP nói rõ quá trình thực hiện phải “đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư…” và “xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định của pháp luật…”.
Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh cho rằng, việc đăng ký, sử dụng tài khoản của BQL dự án là đúng Thông tư 61/2014 của Bộ tài chính. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 8 Thông tư 61/2014 quy định rõ khi lập hồ sơ đăng ký sử dụng tài khoản phải có quyết định bổ nhiệm chức vụ của chủ tài khoản, kế toán trưởng. Ở đây bà Lê Thị Thúy Hòa chưa có quyết định bổ nhiệm Kế toán trưởng BQL dự án đầu tư!
“Cho bộ máy đó, nghĩa là cho luôn Kế toán trưởng”?
Trong báo cáo của Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh đã khẳng định thông tin mà báo chí nêu tình hình tại BQL dự án đầu tư là cơ bản đúng thực tế. Tuy nhiên, Kho bạc Nhà nước lại khẳng định việc giải ngân là đúng pháp luật!
|
|
Trụ sở Kho bạc Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh. |
PV đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Phan Đình Tý – Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh về những vấn đề liên quan, cũng như nội dung trong báo cáo của đơn vị. Ngay từ đầu, ông Tý nhấn mạnh, ông cũng có người nhà hoạt động báo chí, việc của Kho bạc ai nói đúng thì Kho bạc hoan nghênh, cảm ơn; ai nói sai thì có chính kiến, bảo vệ, tự bảo vệ?!
Tuy nhiên, ông Phan Đình Tý đã không đi thẳng vào những vấn đề PV chất vấn, mà lý giải có những trường hợp không cần Kế toán trưởng, như bên quân đội?! Ông Tý cho rằng, ở đây Chủ tịch tỉnh được quyền bổ nhiệm giám đốc, phó giám đốc thì Chủ tịch tỉnh bổ nhiệm luôn Kế toán trưởng.
Khi PV đặt câu hỏi: Ở đây bà Lê Thị Thúy Hòa chưa được Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm theo quy định? Thì ông Tý nói: “Chủ tịch cho bộ máy đó (ý là bộ máy nòng cốt BQL dự án Ngàn Trươi – Cẩm Trang – PV), nghĩa là cho luôn Kế toán trưởng”?!
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!
Bùi Tiến – Nguyễn Duy