Báo Bảo vệ pháp luật có bài “Có khuất tất trong bồi thường giải phóng mặt bằng ở Hải Phòng?” phản ánh về việc một số hộ dân ở Tổ 15, phường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An, TP Hải Phòng cho rằng phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, mở rộng nút giao thông ngã 5, Kiến An có nhiều khuất tất.

leftcenterrightdel
Theo phản ánh, đây là khu đất người dân lấn chiếm nhưng vẫn được bồi thường, hỗ trợ về đất và vật kiến trúc. 

Sau khi Báo Bảo vệ pháp luật phản ánh vụ việc, Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật được Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Kiến An mời đến làm việc để cung cấp thông tin liên quan bài báo.

Tại buổi làm việc, bà Đào Thị Thu Huyền – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Kiến An khẳng định những nội dung phản ánh của Báo Bảo vệ pháp luật là đúng theo nội dung đơn thư kiến nghị của người dân, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Kiến An xin được tiếp thu.

Về nội dung người dân phản ánh cùng nguồn gốc nhưng phương án bồi thường, hỗ trợ có sự chệnh lệch giữa các hộ và sau khi người dân nhận tiền và bàn giao mặt bằng thì lại bị đòi lại tiền, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Kiến An lý giải: Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng nút giao thông ngã 5, quận Kiến An có bao trùm dự án rạp chiếu bóng từ những năm 1984. Tuy nhiên, do dự án không triển khai tiếp, còn dở dang (nhưng có khoảng 20 hộ dân đã được nhận đất, nhận tiền bồi thường), nên các hộ dân chưa di chuyển và vẫn còn ở từ đó đến nay. Trong quá trình sử dụng, người cho con cái, người thì mua bán chuyển nhượng…

Khi thành phố triển khai dự án mới, hồ sơ lưu trữ không đầy đủ vì đã 36 năm nay nên khi thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng thì thành phố yêu cầu phải xác minh làm rõ việc bồi thường trước đây. Đối với các trường hợp trước đây đã nhận bồi thường rồi, thì nay thành phố không bồi thường về đất nữa mà chỉ hỗ trợ về vật kiến trúc.

Đối với phản ánh các hộ dân đã nhận tiền nhưng sau đó lại bị yêu cầu nộp lại, bà Huyền cho biết, dự án trải qua 36 năm, tài liệu bị thất lạc, tại thời điểm xác minh, một số trường hợp như nhà bà Bích cam kết là chưa nhận đất, nhận tiền thời điểm năm 1984. Tuy nhiên, sau khi công khai phương án và trả tiền thì người dân khác mới phản ánh là sao trường hợp kia cũng giống nhà mình, mà họ lại được bồi thường. Như vậy, khi bà Bích nhận tiền rồi thì hàng xóm mới có ý kiến và cung cấp tài liệu, hồ sơ và qua xác minh, thì chứng minh được là một phần đất là của mẹ bà Bích để lại đã nhận đất và tiền từ năm 1984. Do đó, quận đã mời bà Bích lên làm việc và để giải trình các nội dung. Sau đó, quận làm phương án giảm trừ. Một số trường hợp khác bị giảm trừ cũng lý do như vậy.

Liên quan đến việc các hộ đã nêu tên phản ánh, thì các hộ đó đều thuộc các trường hợp năm 1984, trong đó, có những hộ vẫn còn nguyên để ở, có những hộ như ông Nhiệm là mua lại. Hồ sơ lưu trữ tại quận đã qua nhiều năm nên không đầy đủ. Trên cơ sở xác minh, công khai dưới tổ dân phố, đề nghị các hộ lân cận có tài liệu gì thì cung cấp, xác minh từ nhiều nguồn để công tác bồi thường, hỗ trợ đảm bảo sự công bằng.

Về việc một số hộ dân lấn chiếm đất công nhưng vẫn được bồi thường, hỗ trợ về đất và vật kiến trúc, theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Kiến An: Tại khu vực này có một thửa đất số 183 do Nhà nước quản lý, có một số hộ dân tự sử dùng từ những nắm 1993 đến nay và có cả những hộ cơi nới. Đối với những trường hợp này thành phố hướng dẫn vẫn hỗ trợ từ 30% - 70% về đất và vật kiến trúc.

Về việc người dân lên nhận tiền bồi thường, hỗ trợ ký nhận tiền tỉ nhưng lại không được Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Kiến An đưa hóa đơn, chứng từ, bà Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Kiến An cho biết sẽ mời người dân lên rồi photo cung cấp cho mỗi hộ dân một bản.

leftcenterrightdel
 Thông báo nộp lại tiền bồi thường của Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Kiến An.

Sau khi nghiên cứu những tài liệu về vụ việc trên, Luật sư Trần Mỹ Long - Văn phòng luật sư Sao Biển Hải Phòng đã có một số quan điểm: Đối với dự án rạp chiếu bóng từ những năm 1984 - UBND quận Kiến An chưa xác định quan điểm rõ ràng: Dự án không triển khai tiếp hay là vẫn triển khai và thuộc danh mục dự án dở dang của quận hay thành phố? Từ đó làm cơ sở nền tảng áp dụng căn cứ pháp luật mới được chính xác và thuyết phục người dân.

Thực tế các cấp ngành đã thừa nhận hồ sơ liên quan tới dự án rạp chiếu bóng đã 36 năm lưu trữ không đầy đủ, thất lạc nên luật sư nhận thấy trách nhiệm chứng minh của các cấp ngành đối với từng hộ dân là rất khó khăn và nếu tiếp tục giải quyết theo hướng mổ xẻ chi tiết như vậy là sai lầm trong phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề, gây bức xúc không đáng có trong dân, lãng phí thời gian, chậm tiến độ dự án.

Ngoài ra, điều bất thường trong thực hiện dự án chưa được giải thích thỏa đáng kịp thời cho dân hiểu: Ngày 15/1/2018, Hội đồng nhân dân TP Hải Phòng đã xét đề nghị của UBND tại Tờ trình số 146/TTr-UBND về quyết định chủ trương đầu tư và ra Quyết định số 04/QĐ-HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư trong đó xác định tổng mức đầu tư toàn dự án là 99.259.000.000 đồng.

Ngày 21/10/2018, UBND TP Hải Phòng đã quyết định phê duyệt mức chi phí giải phóng mặt bằng là 70.821.521 đồng. Quyết định này căn cứ  theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Văn bản số 3048/SXD-QLXD ngày 28/8/2018. Như vậy, đã có khảo sát đánh giá toàn diện và chi tiết của các cơ quan ban ngành có thẩm quyền về phương án bồi thường. Nhân dân đã đồng tình ủng hộ, thậm chí có hộ dân còn đặt cọc tiền để mua nhà mới nhằm di chuyển chỗ ở nhanh phục vụ dự án. Nhưng sau đó, UBND quận Kiến An đưa vào thực hiện lại thay đổi cách giải quyết vấn đề và mổ xẻ… từng hạng mục, gây thắc mắc hoài nghi trong dư luận là điều dễ hiểu.

Luật sư Trần Mỹ Long còn cho rằng, các căn cứ pháp luật được áp dụng chưa nhất quán khiến người dân bức xúc. Khúc mắc giữa dân và dự án chủ yếu do rắc rối về áp dụng pháp luật. Dự án vì thế mà chậm tiến độ gây thiệt hại về thời gian, tiền bạc … một cách vô ích.

Hoàng Hưng