Nhận được thông tin Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông nhiều cây gỗ quý bị chặt phá và có dấu hiệu "bảo kê" của lực lượng bảo vệ rừng, phóng viên báo Bảo vệ pháp luật đã vượt hàng chục km ngược về bản, rồi leo nhiều km để lên núi đá dốc để xác minh vụ việc.

Người dẫn đường trước khi khởi hành nhắc nhở: “Lên đây các anh không được giới thiệu mình là nhà báo, nhiều người cảnh giác sẽ không được việc mà còn nguy hiểm đến tính mạng đấy, chúng ta chỉ nói là đi tìm hoa lan rừng…”.

leftcenterrightdel
 Một cây có đường kính gần 1m bị chặt hạ.

Theo chân người chỉ đường, chúng tôi đã có mặt tại xóm Trên, xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, nơi đây thuộc địa danh của Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông để mục sở thị rừng Khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng này bị tàn phá.

Từ xóm Trên lên khu vực có cây bị chặt hạ chúng tôi phải đi gần tiếng đồng bằng xem máy, sau đó gửi xe vào nhà dân để đi bộ đến một số lán trại mà trước đó được “lâm tặc” tập kết gỗ về đây để xẻ trước khi vận chuyển đi nơi khác. Nơi đây có sót lại nhiều tấm ván bìa, phần bì đã bị mục, ngoài ra họ còn để lại bẫy thú rừng, thước đo...

leftcenterrightdel
 Bãi xẻ còn khá mới.

Ngược lên phía lưng chừng núi, nhiều gốc gỗ quý như chò chai (gỗ nhóm 2), người Mừng gọi là gỗ mài lái, gỗ kiêng... có đường kính gốc từ khoảng 40 đến 90 cm đã bị chặt hạ, phần thân đã bị đưa đi còn lại trơ trụi gốc.

Đáng chú ý, các vết cắt đều được thực hiện bằng cưa máy, sau đó xẻ thành các tấm ván để gỗ vận chuyển đi nơi khác. Bên cạnh khu vực tập kết gỗ quý là những tấm bìa nằm ngổn ngang…

leftcenterrightdel
 Một cây gỗ có đường kính gần 1m bị chặt hạ.

Trong bán kính ước chừng 4 - 500m, khu vực lưng chừng thuộc xóm Trên, xã Tự Do,  chúng tôi phát hiện một lán trại mới bị đốt. Quan sát vết tích, vật dụng còn sót lại cho thấy “lâm tặc” đã dựng lán trại để khai thác và vận chuyển gỗ xuống núi. Nơi đây cách nhà dân không xa, nhưng không hiểu sao tình trạng khai thác gỗ trái phép vẫn diễn ra trong thời gian dài nhưng không bị phát hiện (?).

leftcenterrightdel
 Bãi xẻ cũ và những thanh gỗ chưa kịp đưa đi hết.

Sau khi thu thập được nhiều bằng chứng cùng ghi âm, ghi hình nhiều nhân chứng, sáng 8/3, chúng tôi trở về TP Hòa Bình và gọi điện cho ông Lê Minh Thủy, Chi cục Trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Hòa Bình để trao đổi thông tin, qua điện thoại ông nói “tôi đang đi cơ sở, hẹn thứ 2 làm việc nhé”…

Chúng tôi gọi điện cho ông Bùi Văn Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông để cung cấp thông tin. Qua điện thoại ông nói “Tôi đang xuống dốc, anh cứ vào Ban quản lý, hẹn hôm khác làm việc…” - rồi ông tắt máy. Chiều hôm sau chúng tôi vào BQL nhưng vẫn không gặp được ông Hùng mà gặp phó của ông này, nhưng cũng không thu thập được gì nhiều vì BQL không kịp chuẩn bị được tài liệu...!?.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin vụ phá rừng nêu trên.

 Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông có tổng diện tích 19.254 ha, nằm trên địa bàn 7 xã vùng cao của huyện Lạc Sơn và Tân Lạc của tỉnh Hòa Bình, phía Tây giáp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông (Thanh Hóa) và phía Nam giáp với Vườn quốc gia Cúc Phương. Không chỉ là nơi cư trú của hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm, Ngọc Sơn – Ngổ Luông còn là mắt xích quan trọng trong tổ hợp bảo tồn thiên nhiên trải dài từ Vườn quốc gia Cúc Phương đến biên giới Việt Lào (theo Thiennhien.net).

Phạm Ngọc