(BVPL) - Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam (trụ sở tại số 2, Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội) là trường đại học y học cổ truyền đầu tiên ở Việt Nam, được thành lập năm 2005, trên cơ sở trường Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh (thành lập năm 1971). Đây là cơ sở lớn nhất nước về đào tạo thầy thuốc y học cổ truyền. 
 
Thế nhưng, theo phản ánh của một số sinh viên và cán bộ, tại ngôi trường này đang bộc lộ không ít vấn đề về đào tạo khiến bề dày thành tích bị ảnh hưởng nghiêm trọng. PV đã trực tiếp ghi nhận những ý kiến xung quanh để đưa ra góc nhìn khách quan nhất về sự việc này.
 
Nhập nhèm đào tạo chính quy, chuyên tu
 
Chia sẻ với PV, một cán bộ từng công tác lâu năm tại trường đã không khỏi bức xúc về cách giáo dục của nhà trường, đặc biệt là sự nhập nhằng trong đào chính quy và chuyên tu, dẫn đến việc bổ nhiệm cán bộ sai quy định. Theo Thông tư 04/2006/TT-BYT Hướng dẫn tuyển sinh Đại học Y, Dược hệ tập trung 4 năm đã quy định rõ về điều kiện đào tạo bác sĩ chuyên tu hệ 4 năm, đa khoa hoặc y học cổ truyền. Thế nhưng, phía nhà trường lại tuyển sinh… “một mình một kiểu”.
 
Học viện y học dược cổ truyền Việt Nam
Học viện y học dược cổ truyền Việt Nam
 
Thông tư 04 quy định, Bộ Y tế chủ trương tuyển sinh dưới các hình thức thi tuyển, cử tuyển, tuyển sinh theo địa chỉ, tạo điều kiện thuận lợi cho y sĩ đang công tác tại Trạm y tế xã, Dược sĩ trung cấp đang công tác tại cơ sở y tế huyện xã, huyện được đào tạo lên bậc đại học để sau khi tốt nghiệp trở về địa phương nơi đã cử đi học tiếp tục làm việc tốt hơn. Kết thúc khóa đào tạo, các trường Đại học Y, Dược bàn giao học viên, kèm theo hồ sơ cho các tỉnh hoặc cơ quan cử người đi học để bố trí công tác tại tuyến y tế cơ sở. Những học viên không tốt nghiệp hoặc phải ngừng học tập trước khi tốt nghiệp cũng sẽ được trả về tỉnh hoặc cơ quan cử đi học để giải.
 
Quy định là vậy nhưng Học viện Y Dược học Cổ truyền dường như đang đi ngược lại điều đó. Theo phản ánh, lãnh đạo Học viện đã đưa hàng loạt y tá biên chế của học viện (khoảng 50 người) đi học chuyên tu (!?). Sau khi kết thúc khóa học, họ được “cất nhắc” lên vị trí mới – giảng viên các bộ môn dạy Đại học. Trong khi đó, Khoản 3 – Điều 54 Luật Giáo dục Đại học quy định: Trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên. Với những trường hợp đặc biệt ở một số ngành chuyên môn đặc thù sẽ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. 
 
Như vậy, việc “ưu ái” bổ nhiệm các y tá đi học chuyên tu vào vị trí giảng viên giảng dạy đại học đã trái với quy định của pháp luật. Tất nhiên, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là các sinh viên trong trường. Câu hỏi đặt ra, với những giảng viên chỉ tốt nghiệp hệ chuyên tu, liệu chất lượng giảng dạy có đảm bảo? Thực tế, không ít sinh viên đã phàn nàn về việc giảng viên lâm sàng “ú ớ” trong truyền thụ, khiến họ không thể lĩnh hội được kiến thức. Một số nguồn tin còn cho biết, nhiệm vụ của phần lớn giảng viên này là có mặt tại giảng đường và… điểm danh.
 
Thậm chí, một số nguồn tin phản ánh với PV về hiện tượng cán bộ được giữ lại trường làm việc nhưng chưa trải qua thời gian trợ giảng đã ung dung đứng lớp giảng dạy sinh viên. Dư luận đặt câu hỏi, với kinh nghiệm của một người vừa tốt nghiệp, chưa trải qua quá trình trợ giảng, liệu họ có đủ khả năng truyền tải kiến thức cho sinh viên?
 
Sắp xếp môn học trái quy luật học tập
 
Cũng theo phản ánh của các sinh viên, ngoài việc bổ nhiệm giảng viên có vấn đề, việc sắp xếp các môn học của Phòng Đào tạo cũng bộc lộ không ít tồn tại. Theo quy luật học tập, môn học cơ sở phải được giảng dạy trước, truyền thụ cho sinh viên những kiến thức cơ bản nhất, tiếp đó, sẽ học về các triệu chứng, trước khi đến bệnh học cụ thể. Thế nhưng, chẳng hiểu căn cứ vào quy định và thực tiễn gì mà nhà trường lại sắp xếp môn bệnh học đầu tiên, sau đó mới học triệu chứng và môn học cơ sở?
 
Một điều dễ hiểu, muốn học tốt môn chuyên ngành trước hết phải học tốt môn cơ sở ngành, đó là những môn có kiến thức cơ bản nhất, tạo nền tảng học môn chuyên ngành. Thế nhưng, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam lại đi ngược quy luật đó. Hậu quả của việc sắp xếp “lệch pha” này khiến sinh viên không thể hiểu thầy cô giảng gì. Bởi, chưa thể học từ gốc, sinh viên không thể đủ tư duy để tiếp cận phần “ngọn”. Những thế hệ sinh viên tiếp cận cách học “lệch pha” này, liệu có tiếp nhận được kiến thức để ra trường phục vụ việc khám chữa bệnh cho nhân dân.
 
Trong quá trình tìm hiểu thực hư thông tin liên quan đến việc đào tạo của trường Học viện Y Dược học cổ truyền, PV còn được nghe kể về thông tin khá… “sốc”. Cách đây ít lâu, sau khi tốt nghiệp, một sinh viên trong trường đã bị đơn vị tuyển dụng từ chối vì cho rằng tấm bằng Đại học có vấn đề. Theo câu chuyện được kể lại, đơn vị tuyển dụng nói rằng, người xác nhận vào tấm bằng trên mới có học vị PGS, chứ không phải GS như trên tấm bằng ghi. Vì sự nhập nhằng này nên họ từ chối tiếp nhận vào làm việc.
 
Hiện thông tin trên mới chỉ là phản ánh, thế nhưng, chúng tôi thiết nghĩ, xuất phát từ nhu cầu công việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp, rất nhiều sinh viên trong trường mong muốn được lý giải rõ để họ an tâm học tập, cũng là đảm bảo uy tín cho nhà trường. Sinh viên và cán bộ trong trường mong muốn lãnh đạo nhà trường, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục làm rõ.
 
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc nêu trên.
 
Nhóm PVĐT