(BVPL) - Anh Nguyễn Minh Dũng trú tại ấp Tân Lâm, xã Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh có đơn và những tài liệu liên quan gửi báo BVPL kêu oan cho người cha là ông Nguyễn Văn Sỹ (đã mất) đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại Quyết định rút kháng nghị của TANDTC…
 
Quyết định thấu tình đạt lý 
 
Tài liệu do anh Nguyễn Minh Dũng cung cấp thể hiện, đầu tháng 6/2008, TAND tỉnh Tây Ninh đã xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, theo đó đã xử phạt ông Nguyễn Văn Sỹ 6 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tháng 9/2008, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Tây Ninh vì không đủ căn cứ để quy kết ông Sỹ phạm tội và chuyển toàn bộ vụ án để cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại. Đến cuối tháng 10/2009, TAND tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án, tại Bản án số 81/2009/HSST ngày 28/10/2009 tiếp tục khẳng định ông Sỹ phạm tội và quyết định xử phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 tháng. Không đồng tình với bản án trên vì cho rằng mình bị oan, ông Sỹ đã có đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng. Tiếp đó, vào ngày 8/8/2012 TAND tối cao đã có Quyết định số 04/2012/HS-KN kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm số 81 của TAND tỉnh Tây Ninh.
 
Tại Quyết định kháng nghị số 04, TANDTC cho rằng: Tòa án cấp sơ thẩm kết án Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Ngọc Thạnh và Trần Hoàn Kiếm về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” về các hành vi: lợi dụng cương vị và nhiệm vụ được giao lấn chiếm đất sang các vùng lân cận tiểu khu 41 để sử dụng đất sai mục đích; buông lỏng quản lý nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân (trong đó có các bị cáo và người thân) kê khai gian dối để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Giấy CNQSDĐ) đối với quỹ đất công; tự ý phân chia trái phép tài sản của Tổ sản suất sau khi giải thể. Tuy nhiên, việc truy tố và kết án các bị cáo về những hành vi nêu trên là chưa có căn cứ vững chắc.
 
Liên quan đến hành vi lấn chiếm đất sang các vùng lân cận tiểu khu 41, theo TAND tối cao thì tài liệu trong hồ sơ vụ án chưa làm rõ tại thời điểm bị lấn chiếm thì số đất trong vùng lân cận tiểu khu 41 thuộc quyền sử dụng của cá nhân, tổ chức nào; do cơ quan có thẩm quyền nào quản lý; việc lấn chiếm đất đã gây ra những thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, xã hội, quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức như thế nào. Yếu tố thiệt hại này là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Do đó, cần điều tra làm rõ những vấn đề trên, đồng thời phải xác định thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về vật chất do hành vi lấn chiếm đất trái phép của các bị cáo gây ra. Đối với hành vi khai gian dối để được cấp Giấy CNQSDĐ, Quyết định kháng nghị số 04 cho rằng, năm 1997, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 392/1997 giao 1.936ha đất (tiểu khu 40, 41, 42, 43) cho UBND huyện Tân Châu bố trí giao cho dân để sản xuất ổn định lâu dài. Như vậy, năm 1997 mới có chủ trương của tỉnh thu hồi đất, trong khi các bị cáo Sỹ và Kiếm đã không còn giữ chức vụ từ tháng 12/1995, Thạnh cũng chuyển công tác sang bộ phận khác từ tháng 12/1995. Các bị cáo đã không còn trách nhiệm quản lý đối với quỹ đất của Nhà máy (đối với Sỹ và Kiếm), hoặc trách nhiệm hạn chế (đối với Thạnh). Các bị cáo chỉ có hành vi kê khai gian dối, kê khai nguồn gốc đất cá nhân có do khai hoang trong khi đây là quỹ đất công (đất của nhà máy mượn tại tiểu khu 41, đất của nhà nước bị lấn chiếm trái phép tại các tiểu khu lân cận). Trách nhiệm của các bị cáo trong trường hợp này cũng chỉ là vi phạm pháp luật về đất đai, cũng giống trách nhiệm của các cá nhân khác tại địa phương kê khai gian dối xin cấp Giấy CNQSDĐ. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm kết tội các bị cáo về hành vi buông lỏng quản lý là không đúng. Việc cấp Giấy CNQSDĐ không đúng pháp luật nếu có gây thiệt hại thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý đất đai (UBND huyện Tân Châu). Vấn đề này cũng cần được điều tra làm rõ. Về hành vi tự ý phân chia tài sản của Tổ sản xuất sau khi giải thể, Quyết định kháng nghị số 04 đã khẳng định, việc phân chia tài sản (máy cày, máy ủi) của Sỹ là làm trái với kết luận thanh tra, nhưng chưa có đủ căn cứ để kết luận Sỹ và Kiếm có dấu hiệu lợi dụng chức vụ để vụ lợi gây thiệt hại. Lý do là lời khai của Sỹ và Chi mâu thuẫn, nhưng chưa cho đối chất để làm rõ mâu thuẫn về nguồn gốc tài sản Tổ sản xuất. Ngoài ra, chưa lấy lời khai ông Danh, chưa xác minh lời khai của Sỹ về việc Tổ sản xuất đã dùng nguồn tiền tự hạch toán của Tổ để mua tài sản; Yếu tố thiệt hại cũng chưa được cơ quan điều tra làm rõ. Do đó cần điều tra xác minh những nội dung này.
 
Niềm vui ngắn chẳng tày gang
 
Anh Dũng cho biết, Quyết định kháng nghị số 04 của TANDTC đã xem xét các tình tiết của vụ án một cách khách quan trên cơ sở đó đưa ra những nhận định, đánh giá có lý, có tình. Quyết định kháng nghị số 04 cũng đã đề nghị Tòa hình sự TANDTC xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự sơ thẩm số 81 để điều tra lại theo quy định của pháp luật. Và trong khi gia đình anh đang chờ đợi và hy vọng tại phiên xét xử giám đốc thẩm nhưng bất ngờ vào tháng 2/2013 cha anh ông Nguyễn Văn Sỹ đã được Cục THADS Tây Ninh tống đạt các văn bản: Quyết định rút kháng nghị của TANDTC số 01/2013/HS-TK ngày 25/1/2013; Quyết định số 05 ngày 8/2/2013 tiếp tục thi hành Bản án số 81. Điều đáng nói là tất cả những người liên quan trong vụ án, kể cả Công ty mía đường Tây Ninh là nguyên đơn dân sự đều không nhận được quyết định rút kháng nghị từ TANDTC?.
 
Theo anh Dũng, với Quyết định rút kháng nghị số 01/2013/HS-TK, cha anh lại trở thành người có tội, toàn bộ đất đất đai thì bị thu hồi, còn tài sản trên đất là hàng chục ha cây cao su 7 đến 8 năm tuổi trị giá nhiều tỷ đồng của gia đình anh đang trong thu hoạch có nguy cơ bị cưa bán củi hoặc buộc phải tiêu hủy. Điều đáng nói, đất đai gia đình anh và nhiều hộ dân có liên quan trong vụ án đã được UBND huyện Tân Châu cấp Giấy CNQSDĐ đúng theo trình tự quy định của pháp luật và sử dụng ổn định từ năm 1995 đến nay, còn tài sản trên đất là hàng trăm ha cao su được tạo lập bởi mồ hôi, công sức và xương máu mới có được.  Gia đình anh không hiểu lý do vì sao và dựa trên căn cứ nào của pháp luật mà TANDTC lại ra quyết định rút kháng nghị? Tại sao UBND tỉnh Tây Ninh lại can thiệp quá sâu vào giai đoạn tố tụng giám đốc thẩm? Anh Dũng cho biết thêm, cha anh là ông Nguyễn Văn Sỹ sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Trong gần 50 năm tham gia cách mạng với 48 năm tuổi Đảng, cha anh được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương và nhiều Kỷ niệm chương, Bằng khen... Trong kháng chiến cũng như trong xây dựng đất nước cha anh luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Nhà nước giao phó. Nhưng từ khi rơi vào vòng lao lý, bị đình chỉ sinh hoạt Đảng và qua 3 phiên tòa xét xử, đặc biệt là với bản án số 81, cha anh đã suy sụp tinh thần vì thấy mình bị oan ức và thiệt hại nặng nề về vật chất khi toàn bộ tài sản trên đất có nguy cơ bị mất trắng. Hy vọng vừa được lấy lại với Quyết định kháng nghị số 04 chưa được bao lâu thì lại bị dập tắt bằng Quyết định rút kháng nghị số 01 ngày 25/01/2013. 
 
Sau khi ông Sỹ mất vào tháng 6/2013, anh Dũng cùng những người liên quan đến vụ án tiếp tục gửi rất nhiều đơn kêu oan và khiếu nại đến các cơ quan Trung ương đối với quyết định rút kháng nghị của TANDTC, mặc dù đến nay chưa được giải quyết nhưng các cơ quan chức năng vẫn thi hành bản án và gần đây UBND huyện Tân Châu ban hành một loạt quyết định hành chính buộc tiêu hủy, chặt bỏ hơn 200ha cây cao su từ 7 đến 9 năm tuổi theo chủ trương xử lý tài sản trên đất của UBND tỉnh Tây Ninh?
 
Anh Dũng tâm sự: “Chúng tôi nhớ mãi hình ảnh trước lúc trút hơi thở cuối cùng cha tôi nắm chặt tay chúng tôi căn dặn: “Đừng bỏ cuộc nha các con, các con phải kiên trì để giành công lý giải oan cho cha””. “Tôi mong các cơ quan Trung ương xem xét lại quyết định rút quyết định kháng nghị của TANDTC để giải oan cho cha tôi đồng thời góp phần giảm thiệt hại to lớn về tài sản của gia đình tôi và của nhiều người dân khác.” - anh Dũng nói.
 
P.V