(BVPL) - Dư luận đặt khá nhiều câu hỏi xung quanh năng lực thực sự của Chủ đầu tư nhà máy thủy điện ĐăkPsi 5. Bởi ngoài dự án với tổng vốn đầu tư ban đầu là 263 tỷ đồng này, Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai còn liên tiếp được giao thực hiện các dự án công trình giao thông có tổng vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng cũng theo hình thức BOT nhưng lại có quá nhiều tai tiếng xung quanh việc đầu tư, thi công, quyết toán, vấn đề về an toàn, môi trường… của các công trình này.
 
 
Để đầu tư theo hình thức BOT, doanh nghiệp dự án phải đáp ứng tỷ lệ vốn tự có tham gia dự án. Đối chiếu với tổng đầu tư ban đầu của các dự án mà Đức Thành, Đức Phú là chủ đầu tư, thì bắt buộc các công ty này phải có 20% vốn tự có, 80% còn lại có thể vay từ nguồn ưu đãi, ngân hàng… Thế nhưng, thật khó có thể xác định được nguồn vốn tự có của những ông chủ này vì trên thực tế sau khi được các cấp có thẩm quyền “phê duyệt” ngay lập tức Đức Thành, Đức Phú đã dùng chiêu “Lấy mỡ cá rán cá” -  đó là sử dụng chính các dự án này và các dự án hình thành từ nguồn vốn vay mới bắt đầu trả nợ vay để thế chấp ngân hàng vay vốn với lãi suất ưu đãi và chứng minh vốn đối ứng bằng nguồn thu từ các dự án hình thành từ nguồn vốn vay (nguồn thu này đang dùng để trả nợ lãi và gốc). Như vậy về bản chất, họ đã chuyển danh nghĩa từ dùng nguồn vốn vay làm nguồn vốn tự có để làm nguồn vốn đối ứng để vay vốn của các ngân hàng, nên khi ngân hàng không giải ngân theo đúng kỳ vọng thì tiến độ công trình chây ì, chất lượng không đảm bảo… vì không có vốn thực đối ứng để thi công. Ví như dự án Cầu 38 – Đồng Xoài mà Đức Thành là chủ đầu tư ngay giai đoạn đầu thi công đã gặp khó khăn về tài chính dẫn đến thi công chậm, cầm chừng vì “thường thì các dự án BOT ngân hàng cho phép vay 85% tổng giá trị dự án nhưng dự án Cầu 38 – Cây Chanh ngân hàng chỉ giải ngân 75%” - một lãnh đạo của Đức Thành trong các buổi làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước cho biết nguyên nhân. Thực tế chứng minh việc Đức Thành, Đức Phú “tay không bắt giặc” và “lấy mỡ cá rán cá” là việc Bộ GTVT phải ra “tối hậu thư” “trảm”, buộc chính các đơn vị này phải bàn giao lại công trình cho đơn vị khác. Mặc dù trước đó, các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện tài chính tốt nhất cho Đức Thành bằng việc giao cho Đức Thành được trực tiếp quản lý và thu phí Trạm Thu phí số 2 trên QL14 để lấy nguồn thu đắp đổi đẩy nhanh tiến độ công trình nhưng vẫn không giải quyết được bài toán tài chính của đơn vị này.   
 
Không chỉ riêng về tài chính của Đức Thành có “vấn đề” mà ngay cả năng lực về đội ngũ nhân sự, công nhân tại các công trường cũng thực sự đáng phải đưa ra mổ sẻ. Đại diện một công ty đã từng ký kết hợp đồng với Đức Thành cho biết: vào thời điểm thi công công trình nhà máy thuỷ điện ĐăkPsi 5, bộ phận tư vấn giám sát của Đức Thành đều không có chứng chỉ hành nghề giám sát, nhân danh Chủ đầu tư tại công trường chỉ là những kỹ sư, trung cấp có năng lực rất hạn chế về chuyên môn. Còn các đối tác thường là những nhà thầu nhỏ lẻ, hoặc thuê công nhân giá rẻ để thi công công trình. Cũng theo vị đại diện này cho biết: theo quy định trong ngành xây dựng cơ bản thì vai trò của đơn vị tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát độc lập là rất quan trọng. Tuy nhiên, ở các dự án của Đức Thành làm chủ đầu tư thì các đơn vị này chỉ tồn tại chữ ký và con dấu trên các hồ sơ thanh toán, giải ngân tại ngân hàng (?).
 
Vậy những tiêu chí nào nói lên năng lực thực sự của Đức Thành? Xét ở nhân sự: Yếu. Xét về nguồn vốn tự có: Cần phải xem lại. Xét ở chất lượng công trình: Đáng báo động. Dư luận đặt khá nhiều câu hỏi xung quanh việc mặc dù Đức Thành không như kỳ vọng, nhưng tại sao vẫn nhận được nhiều ưu ái từ các cơ quan quản lý nhà nước giao cho đầu tư các công trình béo bở với nguồn vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng ?. Phải chăng vì quá được “cưng chiều” nên Đức Thành trở nên coi thường quyền lợi chính đáng của người dân, của các doanh nghiệp, cũng như chính các cơ quan quản lý nhà nước (Ví dụ: Tự cho mình quyền điều chỉnh, thay đổi thiết kế các hạng mục công trình như: hạ thấp cao trình vai đập, thay đổi thiết bị cửa nhận nước… tại dự án nhà máy thuỷ điện ĐăkPsi 5; Không thi công đúng theo hồ sơ thiết kế của dự án cầu 38, tự nắn cung đường…). 
 
Ở một khía cạnh khác, dư luận thắc mắc là: mặc dù Đức Thành đã được hưởng nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, được miễn tiền sử dụng đất, được Ngân hàng hỗ trợ với lãi suất ưu đãi… nhưng tại sao các công trình của Đức Thành làm chủ đầu tư đều “có vấn đề”. Hay chăng, Đức Thành đã “lợi dụng” những ưu đãi này, lập khống giá trị đầu tư để được Ngân hàng giải ngân lấy tiền hợp pháp để phục vụ cho những việc như mua siêu xe, tậu biệt thự… mà không dùng nguồn tiền đó để đầu tư đúng mục đích? Còn khi công trình thi công không đảm bảo chất lượng và tiến độ, thậm chí bị nhà nước thu hồi, thì việc “phải bàn giao” lại dự án là phương án rút lui an toàn mà rất hiệu quả chăng? Những hậu quả mà Đức thành đã gây ra sẽ bị xử lý thế nào, câu trả lời thuộc về các cơ quan chức năng!
 
 
Nhóm PVMN