(BVPL) - Vừa đón nhận danh hiệu đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV do Bộ Xây Dựng trao cho, lãnh đạo Thị trấn Kinh Môn mở rộng (bao gồm cả thị trấn Minh Tân và Phú Thứ) thuộc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương tỏ ra rất phấn khởi, bởi không lâu nữa Kinh Môn sẽ trở thành thị xã gương mẫu, văn minh, hiện đại. Thế nhưng, trên thực tế hàng loạt vụ việc bê bối đã và đang xảy ra tại Thị Trấn Minh Tân khiến hàng ngàn người dân nơi đây vô cùng bức xúc…
|
Hàng loạt bãi than được tập kết cạnh bờ sông ngay trong hành lang bảo vệ đê điều, lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công điền… |
Dân kêu cứu vì bị “đầu độc” bằng…than !
Lần theo những lá đơn kêu cứu của người dân Thị Trấn Minh Tân, phóng viên báo Bảo vệ pháp luật đã có mặt nhiều ngày trời tại địa bàn này để thâm nhập, tìm hiểu thực tế. Từ trước tới nay, Minh Tân vốn là địa bàn không có thế mạnh về khai thác, sản xuất than. Thế nhưng, từ thời điểm tháng 4 năm 2008 sau khi Chính Phủ chỉ đạo kiên quyết đối với vấn đề sản xuất, kinh doanh than và các giải pháp xử lý nạn khai thác, chế biến, vận chuyển, kinh doanh trái phép than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Cùng với đó là sự ra quân đồng loạt, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Quảng Ninh quyết tâm xóa sổ các bãi than lậu, thì bỗng dưng Thị Trấn Minh Tân (địa bàn giáp ranh với Thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) lại trở thành…“miền đất hứa” diễn ra nhộn nhịp các hoạt động vận chuyển, tập kết than.
Chỉ cần đứng trên cây cầu Hoàng Thạch (bắc qua khúc sông Đá Bạc) – nơi có con đường tỉnh lộ 388 chạy qua nối liền giữa Thị trấn Mạo Khê và Thị Trấn Minh Tân nhìn xuống hai bên bờ sông hẳn bất cứ ai cũng có thể thấy cảnh tượng như một bức tranh hài hước: bên này bờ sông là đất Mạo Khê truyền thống về than thì…sạch trơn, còn bên kia bờ sông là khu vực Hạ Chiểu, thị trấn Minh Tân vốn chẳng có mỏ than nào thì lại bạt ngàn màu đen của than, tấp nập tàu thuyền ra vào bốc dỡ, vận chuyển than.
Với người dân Minh Tân, than đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, đang “đầu độc” con người, môi trường, cảnh quan nơi đây. Hệ thống đường xá bằng bê tông – thành quả của sự góp công, góp của từ chương trình hiện đại hóa nông thôn do Nhà nước và dân chung tay xây dựng đều bị băm nát bởi những đoàn xe “hổ vồ” nặng hàng chục tấn chở than chạy qua bất kể ngày hay đêm. Người dân cho biết, sau khi dân tình kêu trời, đồng loạt ký đơn kiện, thì chính quyền Thị trấn và huyện có ra tay xử lý. Nhưng đến nay, tình trạng vận chuyển, tập kết than vẫn ngang nhiên tái diễn, thậm chí còn tinh vi hơn trước. Trong số hàng loạt những bãi than đang tập kết dọc bờ sông thuộc địa phận Minh Tân, không ai biết chính xác bao nhiêu % là than hợp pháp và bao nhiêu % là than lậu. Chỉ biết rằng, những “lãnh địa than” ấy luôn được canh phòng chặt chẽ, nên người dân ít ai dám bén mảng tới.
Đột nhập “lãnh địa than”…
Để “mục sở thị” về sự tồn tại những bãi than này, phóng viên Bảo vệ pháp luật đã phải mạo hiểm, cải trang để có thể thâm nhập được vào khu vực được cảnh báo là khá nguy hiểm. Sự xuất hiện của những “vị khách lạ” đã nhanh chóng rơi vào tầm ngắm của những nhân viên bảo vệ, “nhất cử, nhất động” của phóng viên luôn được những nhân viên này giám sát chặt chẽ và thông tin kịp thời phát đi qua những chiếc điện thoại liên lạc luôn túc trực trên tay. Phải khó khăn lắm, phóng viên mới có thể tác nghiệp ghi lại những hình ảnh chân thực về “lãnh địa than”.
Theo ghi nhận của phóng viên tại thời điểm có mặt, phần lớn than được tập kết thành nhiều đống lớn to như núi dọc theo bờ sông Đá Bạc, nơi có con đê Đống Để chạy qua khu vực Hạ Chiểu, Thị trấn Minh Tân. Chỉ cần quan sát bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận ra, những bãi than này đều nằm phía ngoài bờ sông, trong chỉ giới hành lang bảo vệ đê điều, uy hiếp trực tiếp tới sự an toàn của tuyến đê khi mưa bão ập tới. Dọc bờ sông có đoạn đã xuất hiện dấu hiệu của sự sạt lở. Trên bề mặt đê còn in rõ những vết cày nham nhở của những bánh xe trọng tải lớn chở than chạy qua.
Không dừng lại ở đó, than còn được tập kết tràn phủ lên cả những thửa ruộng nằm phía bên trong thân đê, thậm chí xuất hiện bãi đất đá mới đổ lấn ruộng để mở rộng diện tích tập kết than về phía cánh đồng gần núi Bốt. Công nhân và máy móc chế biến than vẫn hoạt động ngay giữa ban ngày. Cạnh bờ sông xuất hiện những con tàu túc trực sẵn trong tư thế chờ để vận chuyển than. Phóng viên tiến sâu hơn vào khu vực núi Hang Ma, kề sát ngay cạnh Hang Ma còn xuất hiện hẳn một xưởng tập kết than khá rộng được xây tường bao loan khá kiên cố, với máy móc chế biến than đang hoạt động, thậm chí có hẳn cả một ngôi nhà ở bảo vệ được xây khang trang...
Để thuận tiện cho việc vận chuyển, tập kết than, người ta còn đổ đất lấn nhiều thửa ruộng để mở rộng đường, rồi cắm biển báo ưu tiên chỉ dành cho xe tải chạy qua và chỉ dẫn lối cho xe tải chạy ra phía cảng cạnh bờ sông…Ban ngày, hệ thống xe chở than gần như “án binh bất động”, nhưng khi màn đêm buông xuống cho tới gần sáng chỉ cần “mật phục” khu vực “cửa ải” ra vào ngay ngã tư cây xanh và khu vực trước cửa Nghĩa trang Thị Trấn Minh Tân là có thể tận mắt thấy hàng loạt xe “hổ vồ” đen ngòm gầm rú chở than nối đuôi nhau không ngớt…ra vào các bãi than…
(còn nữa…)
ĐỨC SƠN
Nghị định 42/2009/ NĐ- CP ngày 07/05/2009 do Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành quy định về việc phân loại đô thị, tại Chương II quy định tiêu chuẩn phân loại đô thị đã quy định rất rõ, đối với đô thị loại IV ngoài hàng loạt những tiêu chuẩn bắt buộc, thì tiêu chuẩn về đảm bảo môi trường được đặc biệt nhấn mạnh. Theo đó, tại khu vực nội thành, các cơ sở sản xuất phải được áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường. Khu vực ngoại thành phải bảo vệ những khu vực đất đai thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, vùng xanh phục vụ đô thị và các vùng cảnh quan sinh thái...Đối chiếu giữa những quy định trên với thực tế xảy ra tại Thị Trấn Minh Tân cho thấy có không ít vấn đề nóng bỏng cần phải giải quyết. |