Thu quỹ tùy tiện!

Năm học 2023-2024, trong cuộc họp Hội đồng giáo dục đầu năm, Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Chàm đã đưa ra chủ trương thu của học sinh 150.000 đ, chia đều cho 3 khoản: quỹ hội cha mẹ học sinh (CMHS), quỹ phong trào và quỹ khuyến học.

Trong khi theo nội dung tố cáo, tiền quỹ hội phụ huynh học sinh là tùy vào khả năng của phụ huynh, trong điều kiện đa số phụ huynh làm nông, học sinh phải đi phụ quán làm thêm để có tiền đi học (lớp 11B1).

Thực tế, kiểm tra biên bản họp Ban đại diện CMHS cấp lớp vào ngày 17/9/2023 cho thấy, có nhiều lớp phụ huynh không đồng ý việc thu các khoản của nhà trường.

Kiểm tra các biên bản họp của Ban đại diện CMHS cấp trường năm học 2023-2024, chưa có nội dung bàn bạc, thảo luận và đi đến thống nhất đối với 3 loại kinh phí này trước khi thực hiện.

Ban đại diện CMHS cấp trường cũng chưa yêu cầu và thống nhất với Ban đại diện CMHS cấp lớp tiến hành hành thỏa thuận trên nguyên tắc tự nguyện; trong khi trường chưa dự trù thu, chi đối với 3 khoản quỹ.

Trong năm học 2023-2024, tổng thu của 3 quỹ này tại trường là hơn 233 triệu đồng, trong đó quỹ Ban đại diện CMHS hơn 83,7 triệu đồng, quỹ khuyến học 76,2 triệu đồng (chưa bao gồm tồn quỹ chuyển từ năm trước sang hơn 55,6 triệu đồng), quỹ phong trào hơn 73,6 triệu đồng.

leftcenterrightdel
 Trường THPT Tháp Chàm, Ninh Thuận/ F. Đoàn TTHPTTC.

Theo kết luận tố cáo, nhà trường triển khai thu 3 khoản quỹ ở mức tối thiểu 150.000 đồng trong năm học 2023-2024 là vi phạm các quy định trong văn bản pháp luật hiện hành về hoạt động của Ban Đại diện CMHS, về hoạt động Hội khuyến học, tự đặt thêm nguồn thu từ học sinh, vi phạm về quy chế công khai, dân chủ cơ sở trong quản lý nói chung và quản lý tài chính.

Cụ thể, việc thu quỹ hội CMHS là vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 10 Thông tư 55, ngày 22/11/2011 về việc Ban hành Điều lệ ban đại diện CMHS. Ngoài ra, kinh phí sau khi thu được để lại 100% cho ban đại diện CMHS cấp trường hoạt động được xác định là sai quy định tại khoản 1 Điều 10 của Thông tư 55.

Thu quỹ phong trào trái với Quyết định 06/2023/QĐ-UBND ngày 9/1/2023 của UNND tỉnh Ninh Thuận (tự đặt thêm nguồn thu, không có danh mục được thu).

Thu quỹ khuyến học sai so với quy định của Hội khuyến học tỉnh Ninh Thuận (quy định thu quỹ khuyến học tại địa phương ở mức 20.000đ/năm), phụ huynh học sinh không phải là hội viên của Hội khuyến học nhà trường

Lạm thu, lãng phí tiền in sao đề kiểm tra

Năm học 2023-2024 trường THPT Tháp Chàm đã tiến hành thu tiền in sao đề kiểm tra với mức 10.000đ/học sinh/tháng (90.000đ/năm học), áp dụng cho cả 3 khối lớp, tổng thu hơn 124,9 triệu đồng. Đây là khoản thu theo Quyết định 06/2023/QĐ-UBND của UBND tỉnh Ninh Thuận, tuy nhiên nhà trường không có hồ sơ dự toán thu, chi; chưa tiến hành thỏa thuận với CMHS vào đầu năm học.

Kiểm tra hồ sơ họp Ban đại diện CMHS các lớp lần 1 ngày 17/9/2023 cho thấy, nhiều thắc mắc đối với khoản thu này.

Tổ trưởng các tổ Toán và Ngữ văn  đều cho rằng, nhà trường thu tiền giấy kiểm tra, hình thức kiểm tra khác nhau, nhưng sử dụng mẫu của trường đặt in không phù hợp và rất lãng phí, vì mỗi học kỳ chỉ có 2 bài kiểm tra.

leftcenterrightdel
 Một hội nghị của đại diện Hội CMHS cấp trường- Trường THPT Tháp Chàm/ F. Đoàn TTHPTTC.

Trong khi Chủ tịch Công đoàn cơ sở cho biết, lãnh đạo nhà trường không bàn bạc, trao đổi đối với các tổ chức đoàn thể, giáo viên cốt cán của nhà trường; chưa thỏa thuận tự nguyện với CMHS.

Kết quả xác minh về kinh phí thực tế in sao đề kiểm tra, giấy kiểm tra của học sinh năm học 2023-2024 của 3 khối lớp phục vụ cho 4 lượt kiểm tra/năm học cho thấy, chi phí của 1 học sinh/năm học chỉ là 55.000đ.

Kết luận tố cáo xác định, việc thu tiền in sao đề kiểm tra trên là vì vi phạm quy định trong quản lý chuyên môn và tài chính, có dấu hiệu hành vi trục lợi. Cụ thể, vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 2 Quyết định 06/2023/QĐ-UBND của UBND tỉnh Ninh Thuận, khi thu ở mức ở mức tối đa và không tiến hành thỏa thuận với Ban đại diện CMHS cấp trường, cấp lớp trước khi triển khai thực hiện.

Lạm thu tiền vệ sinh- tiền nước uống

Năm học 2022-2023 nhà trường thu kinh phí vệ sinh 45.000đ/HS/năm học, năm học 2023-2024 thu theo Quyết định 06/2023/QĐ-UBND ngày 09/01/2023, mức 10.000đ/HS/tháng (90.000đ/HS/năm học), tổng thu hơn 124,6 triệu đồng.

Trong số các khoản chi từ nguồn kinh phí vệ sinh, có phiếu chi số 23VS ngày 4/10/2023 số tiền hơn 3,9 triệu đồng chi mua vật tư sửa chữa vệ sinh làm mới sảnh chào cờ và cột cờ nhà trường. Theo kết luận tố cáo, khoản chi này sai nguồn, trái với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Quyết định số 06/2023/QĐ-UBND của UBND tỉnh Ninh Thuận.

Tại phiếu chi số 24VS ngày 4/10/2023 số tiền hơn 9,6 triệu đồng chi sữa chữa 5 xe rác, tuy nhiên phiếu đề xuất đề xuất chữ ký không phải của nhân viên vệ sinh. Đơn vị thực hiện lấy 2 bảng báo giá, hợp đồng, hóa đơn và viết phiếu chi tiền; không có biên bản nghiệm thu và giao nhận, biên bản thanh lý, người nhận tiền mặt ký nhận tiền không có tư cách pháp lý trong hồ sơ, không có giấy giới thiệu của công ty. Hồ sơ pháp lý quyết toán không đầy đủ, không rõ ràng, minh bạch.

Đáng lưu ý, nhà trường không có kế hoạch, dự toán thu, chi. Năm học 2023-2024 trường chỉ bố trí 1 nhân viên bảo vệ thực hiện công tác dọn dẹp vệ sinh nhưng trách nhiệm trong công việc không cao, dẫn đến công tác vệ sinh trong nhà trường không đảm bảo: các nhà vệ sinh học sinh dơ bẩn, sân trường, hành lang nhiều rác.

Kết luận tố cáo xác định, nhà trường tiến hành thu, chi khoản kinh phí này trong năm học 2023-2024, nhưng không có hồ sơ thể hiện việc thỏa thuận với CMHS theo nguyên tắc tự nguyện, trong khi có nhiều ý kiến của CMHS cho rằng, khoản thu cao, nhưng nhà vệ sinh bẩn, hôi.

Với kinh phí nước uống, năm học 2023-2024 nhà trường thu 10.000đ/ học sinh/tháng (90.000đ/năm học). Tổng thu gần 123,5 triệu đồng.

Ý kiến thắc mắc của CMHS cấp lớp họp vào ngày 27/9/2023 cho thấy, có 11 lớp không nhất trí với nội dung thu tiền nước uống và mức thu của trường đề ra.

leftcenterrightdel
 Một hoạt động của Đoàn Thanh niên Trường THPT Tháp Chàm/ F. Đoàn TTHPTTC.

Nhà trường có 4 máy lọc nước tại hành lang lầu 1 vẫn hoạt động bình thường, nhưng học sinh hạn chế sử dụng do vệ sinh tại khu vực đặt hệ thống máy lọc nước không đảm bảo.

Nhà trường thu tiền của học sinh kể từ tháng 9/2023, qua kiểm tra sổ giao nhận nước của các lớp cho thấy các lớp nhận nước uống từ ngày 1/11/2023. Như vậy, tháng 9, tháng 10/2023 học sinh nộp tiền nhưng chưa được sử dụng nước uống.

Với nguồn kinh phí này, nhà trường cũng không có kế hoạch, dự toán thu, chi; không có thỏa thuận với CMHS theo nguyên tắc tự nguyện.

Việc chi cũng thể hiện sự “nhập nhèm”, trong đó nhà trường quyết toán nước uống Vĩnh Hảo nhưng thực tế mua nước thương hiệu Ly Vy phục vụ cho học sinh chênh lệch giá ở 2 chứng từ (phiếu chi số 01NU ngày 6/11/2023 và phiếu chi số 01NU ngày 9/1/2024) với tổng số tiền hơn 5,2 triệu đồng.

Nhà trường còn quyết toán khống chứng từ với số tiền gần 7,2 triệu đồng tại phiếu chi số 02NU ngày 31/12/2023.

Kết luận tố cáo xác định, việc thu quỹ vệ sinh, nước uống nêu trên là vì vi phạm quy định trong quản lý tài chính, có dấu hiệu hành vi trục lợi.

Mặt khác, trường tiến hành thu quỹ khi chưa có sự trao đổi, bàn bạc, thống nhất trong Hội đồng giáo dục nhà trường. Không tiến hành thỏa thuận với CMHS cấp lớp, cấp trường trong các cuộc họp đầu năm; cũng chưa xây dựng kế hoạch thu, chi cho từng khoản thu. Đến thời điểm ngày 29/2 kinh phí 2 nguồn này còn tồn với số tiền lớn hơn 200 triệu đồng.

Kết luận tố cáo xác định, khoản thu phí vệ sinh vi phạm khoản 1 Điều 13 Luật kế toán 2015 “Các hành vi nghiêm cấm” và trái với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 của Quyết định 06/2023/QĐ-UBND của UBND tỉnh Ninh Thuận.

Nhập nhèm thu chi kỷ niệm 30 năm thành lập trường

Để tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập trường, thông qua thư ngỏ nhà trường đã huy động được 292 triệu đồng  đóng góp từ doanh nghiệp và cựu học sinh.

Số tiền này đã được chi hết đến thời điểm ngày 15/3, tuy nhiên, việc thu chi trong hoạt động này không được công khai, kể cả sau khi kết thúc lễ kỷ niệm.

Đáng lưu ý, hồ sơ thanh toán chỉ thể hiện các khoản chi có tổng số tiền hơn 263 triệu đồng, trong đó có 7/13 nội dung phát sinh chi với tổng số tiền hơn 142,2 triệu đồng không có chứng từ quyết toán.

Qua kiểm hồ sơ cho thấy, kế toán không viết phiếu chi, lập danh sách ký nhận, hồ sơ quyết toán kèm theo đối với các khoản chi tiền mặt số tiền 24,5 triệu đồng.

leftcenterrightdel
 Thư ngỏ gửi cựu học sinh về sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập trường.

Đối với khoản chi đặt kỷ niệm chương, mua hoa tặng, thư cảm ơn, thuê sự kiện, hoa cài áo với tổng số tiền 117,7 triệu đồng, nhà trường chỉ dùng ủy nhiệm chi để chuyển tiền nhưng không có hồ sơ chứng từ quyết toán kèm theo, kế toán nhà trường thực hiện không đúng quy định tại khoản 1 Điều 18 về lập và lưu trữ chứng từ kế toán của Luật kế toán năm 2015.

Hiệu trưởng cho  biết, đã chỉ đạo miệng cho thủ quỹ chuyển trả Ban liên lạc cựu học sinh 57,8 triệu đồng chi dư, nhưng không có chứng từ thể hiện nội dung chi.

Khoản chi đặt tiệc ăn với số tiền gần 97 triệu đồng đơn vị chỉ thiết lập hợp đồng, thanh lý, không có hóa đơn, nghiệm thu, báo giá, bảng cam kết an toàn thực phẩm của nhà cung cấp,… chứng từ được thiết lập sơ sài, không đúng quy định tại các khoản 1,2,3 Điều 4 của Luật kế toán.

Kết luận tố cáo nhận định, việc thu chi cho sự kiện kỷ niệm 30 năm vi phạm nghiêm trọng quy định trong quản lý tài chính, có dấu hiệu hành vi trục lợi, vi phạm Điều 16; khoản 1 Điều 18; các khoản 1,2,3 Điều 4  của Luật kế toán; khoản 1, 2 Điều 5 Thông tư 107 của Bộ Tài Chính “Quy định về sổ kế toán”; điểm a, b khoản 3 Điều 5 Thông tư 36 của Bộ GD&ĐT “Công khai đối với cơ sở giáo dục phổ thông”.

Để ngoài sổ sách gần 1,2 tỉ đồng ‘phí’ phụ đạo

Kiểm tra kinh phí ôn thi tốt nghiệp cho học sinh khối 12 của năm học 2022- 2023, tổ xác minh xác định, từ cuối năm 2022 đến cuối năm 2023, nhà trường triển khai 3 đợt, thu tổng số tiền hơn 1,3 tỉ đồng.

Trong đó, từ tháng 10-12/2022 nhà trường tổ chức phụ đạo cho học sinh khối lớp 12 với 3 môn Toán, Văn, Anh, thu mỗi HS 250.000đ/đợt học, với số tiền thu được gần 110,7 triệu đồng.

Từ tháng 4-6/2023, nhà trường thu tiền ôn thi tốt nghiệp với HS khối 12 mức 400.000đ/tháng/6 môn, thu về số tiền gần 696 triệu đồng. Trong đó, trích mỗi HS 20.000đ x 597 học sinh bằng 11,94 triệu đồng, giữ lại để hỗ trợ thi tốt nghiệp, số tiền còn lại gần 684 triệu đồng.

Năm học 2023-2024, từ tháng 10-12/2023, nhà trường thu mỗi HS 300.000 đồng cho 3 môn Toán, Văn, Anh, thu về hơn 501,3 triệu đồng.

Tại Biên bản họp Hội đồng giáo dục nhà trường vào ngày 8/5/2023 Hiệu trưởng có triển khai nội dung về khoản thu ôn tập 12, trong đó 75% chi cho người dạy, 25% chi Cơ sở vật chất + quản lý.

Theo bảng thanh toán tiền giờ dạy ôn thi tốt nghiệp THPT lần 2 năm học 2022- 2023, thực chi 160.000đ/tiết dạy x 2.724 tiết = 435,84 triệu đồng, tương ứng 64%, không phải 75% như như Hiệu trưởng triển khai tại cuộc họp ngày 8/5/2023.

Đáng lưu ý, khoản kinh phí này nhà trường không thông qua bộ phận kế toán, để ngoài sổ sách nên không hình thành chứng từ thu, chi, sổ quỹ, các loại sổ kế toán.

Trước khi thực hiện các định mức chi nhà trường không xây dựng dự toán thu, chi, không có biên bản họp thống nhất mức thu, nội dung chi với Ban đại diện CMHS, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tham gia giảng dạy trực tiếp.

leftcenterrightdel
 Một tài liệu PV BVPL có được cho thấy, có 71 nguồn đóng góp kinh phí cho lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Trường THPT Tháp Chàm.

Kết luận tố cáo xác định, hoạt động thu chi tiền ôn thi, phụ đạo vi phạm quy định trong quản lý chuyên môn và tài chính, có dấu hiệu hành vi trục lợi.

Cụ thể, vi phạm khoản 3 Điều 13 “Các hành vi nghiêm cấm” của Luật kế toán; không thực hiện quy định tại điểm a, b khoản 3 Điều 5 Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ GD&ĐT về “Công khai đối với cơ sở giáo dục phổ thông”.

Mặt khác, nhà trường thực hiện chủ trương thu, chi nguồn kinh phí này nhưng chưa có sự trao đổi, bàn bạc, thống nhất cùng với Hội đồng giáo dục nhà trường bằng biên bản trước khi thực hiện.

Trong quá trình chi khoản chi kinh phí ôn tập của nhà trường, theo kết luận tố cáo, còn bộc lộ nhiều hạn chế, sai phạm nghiêm trọng, trong đó: 1/Để ngoài sổ sách kế toán vi phạm vào các hành vi nghiêm cấm tại khoản 3 Điều 13 Luật kế toán với tổng số tiền gần 1,2 tỉ đồng (chưa bao gồm khoản hơn 110 triệu đồng thu đợt từ tháng 10-12/2022).

Các sai phạm khác được xác định: 2/ Một số khoản chi không có chứng từ quyết toán với tổng số tiền hơn 40 triệu đồng; 3/Biểu hiện lạm thu trong trường học; 4/Có dấu hiệu hành vi trục lợi (từ tháng 10-12/2023, Hiệu trưởng nhận nhiều khoản hỗ trợ thi tốt nghiệp, ‘phí’ chỉ đạo quản lý, phần chênh lệch tiết dạy 75% của giáo viên với tổng số tiền hơn 78 triệu đồng).

Không đứng lớp vẫn nhận phụ cấp ưu đãi đầy đủ!

Ông Trần Đình Toản nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng trường THPT Tháp Chàm kể từ ngày 1/3/2023.

Thông tư 28/2009/TTBGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chế độ làm việc với giáo viên phổ thông, Thông tư 15/2017/TTBGDĐT sửa đổi bổ sung một số điều của quy định chế độ làm việc của giáo viên phổ thông quy định, Hiệu trưởng trường THPT dạy 2 tiết/tuần.

Năm học 2022- 2023, theo xác minh, đến hết học kỳ II, ông Toản không tham gia dạy môn toán (theo chuyên môn được đào tạo).

Năm học 2023-2024, tại bảng phân công chuyên môn và kiêm nhiệm công tác hiệu trưởng nhà trường thể hiện, ông Trần Đình Toản- Hiệu trưởng được phân công giảng dạy môn Toán lớp 12K2 (1 tiết/tuần), giáo viên Hoàng Văn Thắng dạy 3 tiết còn lại.

leftcenterrightdel
 Một hoạt động của Trường THPT Tháp Chàm / F. News-THPT Tháp Chàm.

Kết quả xác minh cho thấy, ông Toản không dạy 1 tiết/tuần ở lớp 12K2 như bảng phân công, ông Hoàng Văn Thắng dạy cả 4 tiết/tuần ở lớp 12K2 (thể hiện đầy đủ trên sổ đầu bài).

Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, khẳng định, từ ngày 6/9/2023 đến ngày 5/3/2024 Hiệu trưởng nhà trường không dạy môn Toán ở lớp 12K2. Bản thân ông Trần Đình Toản cũng không chứng minh được đã tham gia dạy môn toán như được phân công.

Ngoài ra, xác minh còn cho thấy, ông Toản cũng không tham gia giảng dạy hay tham gia các hoạt động trải nghiệm- Hướng nghiệp như kế hoạch được phân công.

Việc không tham gia giảng dạy nhưng ông Toản vẫn hưởng phụ cấp ưu đãi đứng lớp kể từ ngày 1/3/2023 đến 1/3/2024 với số tiền gần 38 triệu đồng.

Đề nghị thu hồi hơn 800 triệu đồng

Với những sai phạm được xác định, tại kết luận tố cáo, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận kiến nghị (về xử lý tài chính) thu hồi hơn 800 triệu đồng (trong và ngoài ngân sách) để xử lý và khách phục hậu quả các sai phạm, bao gồm hơn 648 triệu đồng hoàn trả cho người nộp (chủ yếu từ phụ huynh học sinh), hơn 63,6 triệu đồng khoản khôi phục, chuyển nguồn sử dụng và hơn 95,5 triệu đồng, bao gồm 57,8 triệu đồng kinh phí kỷ niệm 30 năm thành lập trường còn dư và gần 38 triệu đồng phụ cấp ưu đãi đứng lớp của Hiệu trưởng, nộp vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của Sở GDĐT mở tại Kho bạc nhà nước tỉnh Ninh Thuận.

Đối với người bị tố cáo (ông Trần Đình Toản- Hiệu trưởng nhà trường), với cả 8 nội dung tố cáo đều là tố cáo đúng, trong đó có 7 nội dung có dấu hiệu hành vi lợi dụng chức vụ để triển khai thu, chi các khoản sai quy định, thể hiện rõ hành vi chuyên quyền, thiếu dân chủ, thiếu công khai minh bạch và biểu hiện mất đoàn kết nội bộ trong đơn vị,.., Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận đề nghị xử lý kỷ luật hành chính cá nhân Hiệu trưởng theo quy định, đối với những sai phạm nghiêm trọng đã được kết luận.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị Trường THPT Tháp Chàm tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh, phê bình, rút kinh nghiệm đối với các Phó Hiệu trưởng, kế toán, thủ quỹ nhà trường trong các năm học 2022-2023 và năm học 2023-2024.

PV