Vì sao người dân khiếu nại?

Báo BVPL đã từng phản ánh, một số hộ dân có địa chỉ từ số 23 đến đầu ngõ 27 Đại Cồ Việt (trước đây là số 5 Đại Cồ Việt) thuộc phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có đơn phản ánh về những khuất tất, bất hợp lý trong việc thu hồi gần 340 m2 đất của họ để thực hiện dự án xây dựng hè đường đoạn đầu ngõ 27 Đại Cồ Việt.

leftcenterrightdel
Ông Thắng cho rằng, đất nhà mình sẽ bị lấy để làm vỉa hè, bên dưới là bể nước ngầm công trình của Ngân hàng. 

Trao đổi với Phóng viên, ông Trần Văn Thắng (một cựu chiến binh) cho biết: Năm 1991, ông lấy vợ là Nguyễn Thị Ngọc thường trú tại số 5 Đại Cồ Việt và hai vợ chồng ông cùng con cái sinh sống ở đây. Về nguồn gốc đất, sau khi Nhà nước mở đường Đại Cồ Việt xong vào năm 1991, phần ngoài chỉ giới mở đường không bị giải phóng là khu chuồng lợn của bố mẹ bà Ngọc và vợ chồng ông bà đã san lấp bãi dọc mùng. Do không có chỗ ở, vợ chồng ông đã cải tạo và xây dựng nhà cấp 4, sinh sống ổn định từ đó đến nay, không xảy ra tranh chấp, được chính quyền địa phương xác nhận, được Công an quận Hai Bà Trưng cấp hộ khẩu và hàng năm đều nộp thuế cho Nhà nước theo đúng quy định.

Tuy nhiên, năm 2013, UBND phường bất ngờ thông báo về việc giải tỏa, yêu cầu chấm dứt hoạt động kinh doanh để bàn giao lại ki-ốt nhằm thực hiện dự án cải tạo lại hè phố. Phía chính quyền phường cho rằng, đây là đất công do phường quản lý, UBND phường cho người dân thuê kinh doanh, bây giờ cần thì lấy lại, do đó, các hộ dân không được bồi thường, hỗ trợ nhà đất.

Ông Thắng cũng cho biết, việc UBND quận nêu việc ông đã ký nhận các văn bản pháp lý liên quan đến việc thực hiện dự án trong đó có Quyết định số 2210 ngày 23/6/2015, từ đó không thụ lý giải quyết khiếu nại với lý do thời hiệu khiếu nại đã hết là hoàn toàn không đúng sự thật. Ông Thắng khẳng định, không hề ký vào bất cứ văn bản nào về việc đã nhận Quyết định số 2210 ngày 23/6/2015. Thậm chí, trong các báo cáo, phường và quận đều cho rằng đã đền bù thiệt hại tài sản trên đất hết cho người dân nhưng trên thực tế, người dân chưa nhận bất cứ một khoản tiền đền bù thiệt hại nào.

Người dân đã làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng. Ngày 24/1/2014, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành Quyết định số 546 về việc giải quyết khiếu nại lần 2 đối với 05 công dân. Tiếp đó, ngày 23/6/2015, UBND quận Hai Bà Trưng ban hành 02 quyết định đó là Quyết định số 2210 về việc thu hồi 337,45 m2 đất của 8 hộ gia đình, cá nhân; Quyết định số 2211 về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với 08 hộ trong diện GPMB để thực hiện dự án.

Sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu…    

Ngoài những kiến nghị, khiếu nại mà người dân đề cập liên quan đến chính sách đền bù, hỗ trợ khi thực hiện dự án xây dựng hè đường đoạn đầu ngõ 27 Đại Cồ Việt thì người dân còn gửi đơn đến các cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí phản ánh về những bức xúc liên quan đến việc thi công trụ sở làm việc và kho tiền của Agribank chi nhánh Hà Nội sát ngay bên cạnh. Ngày 19/12/2012, UBND quận Hai Bà Trưng có Thông báo số 792/TB-UBND, trong đó có nội dung đề nghị Ngân hàng chủ động liên hệ, làm việc với các hộ dân có liên quan đến mặt bằng khu đất xây dựng công trình để thỏa thuận phương án trên nguyên tắc phù hợp với lợi ích của hai bên và đúng với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo người dân, họ vẫn không nhận được bất cứ động thái hợp tác tích cực nào từ phía Ngân hàng, trái lại, quá trình thi công trụ sở Ngân hàng đã khiến người dân luôn phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu nhiều năm trời. Thực tế, đã xảy ra nhiều sự cố làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, tài sản và tính mạng của người dân như: gạch đá, sắt thép, bê tông thường xuyên rơi xuống nhà; quá trình thi công gây tiếng ồn, ô nhiễm và hiện tượng lún, nứt nhà cửa của dân, làm cháy xe máy của dân, gây tắc đường nước…

Không những vậy, người dân còn phản ánh việc Chủ đầu tư trong quá trình xây dựng còn lấn sang đất của họ; lấn chiếm hành lang, khoảng không của Khu tập thể Quân đội đoạn giữa số nhà 17A+17B, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến không gian sống. Đặc biệt, theo người dân cho biết, mặt tiền của Ngân hàng muốn đẹp chỉ có cách là dẹp bỏ các ki-ốt mà các hộ dân đang án ngữ. Cho nên, dư luận cho rằng, việc UBND quận thu hồi đất của dân không phải để làm vỉa hè (vì hiện nay đã có vỉa hè rộng khoảng 3,5m2) mà để làm mặt tiền của Ngân hàng và dưới là bể nước ngầm!

Những hoài nghi này của người dân cần được các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc xem xét, làm rõ. Cũng vì quá bức xúc, một số người dân, trong đó có ông Trần Mạnh Thắng đã gửi đơn đến UBND TP. Hà Nội phản ánh về hành vi xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công của Ngân hàng Agribank Chi nhánh Hà Nội. Tháng 7/2017, Ban Tiếp công dân thành phố đã có văn bản gửi UBND quận Hai Bà Trưng về việc đôn đốc giải quyết đơn của công dân, đồng thời đề nghị UBND quận khẩn trương thực hiện Văn bản số 703 ngày 21/3/2017, báo cáo UBND thành phố trước ngày 30/7/2017.   

Mới đây nhất, ngày 23/3/2018, sau khi nhận được đơn của người dân, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội xem xét, giải quyết trả lời cho công dân và thông báo kết quả đến Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nhóm P.V