(BVPL) - Ngày 22/7/2011, Chủ tịch UBND xã Diễn Trung- ông Cao Núi Thành, ký quyết định cưỡng chế ngôi nhà đang xây dựng của gia đình hộ nghèo Hồ Thị Hoa (xóm 10). Quyết định cưỡng chế này không chỉ gây phản ứng đối với người dân trong xã, mà ngày 30/8/2013 đã bị Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu tuyên hủy bỏ tại phiên tòa vì trái pháp luật. Thế nhưng, từ khi bản án có hiệu lực pháp luật đến nay, ông Thành vẫn không chịu chấp hành việc bồi thường thiệt hại cho công dân.
Một kiểu lộng quyền
Bà Hồ Thị Hoa, sinh năm 1963 trong một gia đình bần cố nông có 7 anh chị em, 3 trai, 4 gái. Năm 2000, chi Hoa lấy chồng về xã Diễn Phú. Năm 2001 chị Hoa sinh cháu Hồ Sỹ Đạt được 3 tháng thì vợ chồng ly hôn. Bà Hoa bế con về ngoại và được anh anh em ruột dựng cho ngôi nhà tạm trên thửa đất của ông Hồ Sỹ Thắng (em ruột) ở xóm 10 giáp biển. Thửa đất này do bố mẹ bà Hoa để lại cho ông Thắng, những năm trước, Nghệ An hay bão lụt nên gia đình di chuyển lên định cư ở xóm 7A.
|
Ngôi nhà tạm mẹ con bà Hoa đã ở hơn 10 năm trên thửa đất bố mẹ để lại tại xóm 10 |
10 năm trôi qua, mẹ con bà Hoa ở trong ngôi nhà tạm và nuôi nhau bằng mấy vuông đất, hết trồng lạc sang trồng rau và cào nghêu ngoài bãi biển. Cháu Đạt thương mẹ, toan bỏ học mấy lần để theo bạn đào cua, cáy, cào nghêu nuôi mẹ...
Năm 2011, từ danh sách do xóm đề nghị, UBND xã Diễn Trung đã đưa bà Hoa vào danh sách hộ nghèo để được hỗ trợ 8 triệu đồng và vay ngân hàng không lãi suất 8 triệu đồng nữa để làm lại cái nhà theo chủ trương xóa nhà tranh tre dột nát của Chính phủ. Tuy nhiên, muốn nhận được tiền hồ trợ và vay được ngân hàng số tiền không lãi suất nêu trên, chủ hộ nghèo phải tự vay mượn số tiền để làm nhà trước, khi hoàn thành công trình mới được nghiệm thu, phê duyệt.
|
Tài sản mẹ con nhà bà Hoa |
Vào thời điểm này, muốn làm một cái nhà cho ra nhà, tiết kiệm lắm gia chủ cũng phải có ít nhất 50 triệu đồng. Thương chị, 3 anh em trai bà Hoa là ông Hồ Sỹ Trung, ông Hồ Sỹ Thắng, ông Hồ Sỹ Sáu, đã gom góp, vay mượn để giúp mẹ con bà Hoa có ngôi nhà, đồng thời tranh thủ được chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Công trình đang xây dựng thì ngày 17/72011, Công an xã Diễn Trung ập đến lập biên bản, yêu cầu chị Hoa phải dừng thi công với lý do “xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp”. Ngỡ ngàng vì việc Công an xã lập biên bản bởi từ khi chị Hoa ở trong ngôi nhà tạm cho tới nay đã 10 năm, người dân xung quanh vẫn xây dựng trên đất trồng lạc mà có bị xã nhắc nhắc nhở, xử phạt gì đâu. Toàn bộ dải đất ven biển xóm 10 này chưa ai được cấp “sổ đỏ” để xác định đâu là đất vườn, đâu là đất ở... Chưa hết ngạc nhiên, ngày hôm sau, chị Hoa bị triệu tập lên UBND xã để nộp phạt 500 ngàn đồng và yêu cầu phải “tự tháo dỡ công trình” trong thời hạn 10 ngày. Chị lận túi nộp phạt và lủi thủi quay về túp lều của mình mà không biết sai đúng ra sao.
Chưa đến ngày thứ 10 như thời hạn nêu trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, ngày 22/7/2014, ông Cao Núi Thành- Chủ tịch UBND xã Diễn Trung lại ký tiếp quyết định (số 79/QĐ-UBND) tổ chức lực lượng thực hiện cưỡng chế phá dỡ công trình.
Án đã tuyên, Chủ tịch xã vẫn chống đối
Sau khi bị san bằng công trình, ông Hồ Sỹ Trung, anh ruột bà Hoa đã làm đơn gửi lên Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, tố cáo và khiếu nại về việc làm của ông Chủ tịch xã Diễn Trung. Đơn gửi đi nhiều lần nhưng gia đình chỉ nhận được sự im lặng.
Nhờ giúp đỡ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Nghệ An, ngày 5/7/2013 (gần 1 năm sau) gia đình đã gửi đơn khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án nhân dân (TAND) huyện Diễn Châu. Thụ án, TAND huyện Diễn Châu đã mời ông Thành (Chủ tịch xã) và bà Hoa lên hòa giải 2 lần nhằm mục đích giải thích cho ông Thành những quy định của pháp luật trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, ông Thành (Chủ tịch xã) không trực tiếp tham dự mà ủy quyền cho ông Cao Xuân Vân- Phó Chủ tịch xã Diễn Trung đại diện tham gia tố tụng.
|
Trụ sở UBND xã Diễn Trung |
Hòa giải không thành, ngày 29 và 30/8/2013 TAND huyện Diễn Châu đã buộc phải đưa vụ án ra xét xử công khai tại trụ sở tòa án. Phiên tòa đã thu hút rất đông người dân xã Diễn Trung tham dự, trong đó toàn bộ cán bộ công chức, viên chức của Đảng ủy, UBND xã (trừ ông Thành vắng mặt) đều có mặt tại phiên tòa.
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Quang Trung. Hội thẩm nhân dân có 2 người là ông Nguyễn Quốc Khánh và ông Nguyễn Đức Hồ. Đại diện Viện Kiểm sát huyện là ông Hỗ Sỹ Quyền. Sau 2 ngày thẩm vấn, tranh luận công khai tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên: Hủy quyết định số 79/QĐ-UBND ngày 22/7/2011 của Chủ tịch UBND xã Diễn Trung về việc “cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai”. Theo đó, HĐXX buộc Chủ tịch UBND xã Diễn Trung phải chịu toàn bộ án phí và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình bà Hoa do quyết định trái pháp luật ông Thành gây nên.
Trong án văn của bản án nêu: “Quyết định 79/QĐ-UBND ngày 22/7/2011 của Chủ tịch UBND xã Diễn Trung là trái thẩm quyền theo quy định tại khoản 4, điều 66, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính; khoản 2, điều 6, Nghị định số 37/2005 của Chính phủ quy định về trình tự thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính”.
|
Ngôi nhà bà Hoa đang xây dựng bị cưỡng chế trái pháp luật năm 2011 đến nay vẫn chưa được bồi thường |
Về thẩm quyền, theo Thông tư 16/2010/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Cao Núi Thành đã vượt thẩm quyền trong việc ký quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi xây dựng công trình trên đất nông nghiệp...
Tại phiên tòa, HĐXX có đưa ra yêu cầu UBND xã Diễn Trung phải bồi thường, hỗ trợ cho bà Hồ Thị Hoa 12 triệu đồng (trong tổng số 27,456 triệu đồng chi phí vật tư, vật liệu, nhân công đã chi cho công trình mà nguyên đơn trình bày tại tòa) nhưng cho đến nay, ông Thành vẫn không chịu thực hiện. Trao đổi với phóng viên về nhận thức của mình đối với phiên tòa cũng như trách nhiệm của một đảng viên, một cán bộ đứng đầu UBND xã trước bản án đã có hiệu lực pháp luật, ông Thành nói ráo hoảnh: “Tòa xử không đúng, chúng tôi không chấp hành” (!?)
Là một người từng có 10 năm làm Bí thư Đảng ủy, từ 2010 đến nay là Chủ tịch UBND xã, hơn ai hết, ông Thành phải là người hiểu biết pháp luật, gương mẫu chấp hành pháp luật. Thế nhưng trong cả quá trình thẩm phán Nguyễn Quang Trung thụ lý, giải quyết vụ án, đều gặp phải sự bất tuân pháp luật từ phía người đại diện chính quyền.
Thay lời kết:
Thẩm phán Nguyễn Quang Trung- Chủ tọa phiên tòa vẫn nhớ như in hoàn cảnh gia đình bà Hoa khi “vi hành” về tận hiện trường. Ông chia sẻ: “Tôi đã thụ lý và xét xử nhiều vụ án hình sự, dân sự, hành chính, đây là vụ án làm tôi rất day dứt. Tôi không thể hiểu nổi là tại sao, đến bây giờ vẫn còn những cán bộ lãnh đạo xã coi thường kỷ cương pháp luật đến như thế? Một gia đình nghèo, lại là phụ nữ, họ xây nhà trên đất của họ đang ở sao lại coi là trái phép? Chủ tịch xã đã sử dụng bộ máy chính quyền để cưỡng chế, hủy hoại tài sản một hộ nghèo, chủ hộ là một phụ nữ, còn nuôi con nhỏ như bà Hoa, xét về đạo lý khó mà chấp nhận được!”./.
Trần Cường