(BVPL) - Như các số trước báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin, việc điều chỉnh phạm vi lấy đất xây dựng tại nút giao Phú Thượng thuộc Dự án trọng điểm quốc gia cầu Nhật Tân đang bị nhiều người dân phản đối.
 
Sau khi gửi đơn nhiều nơi phản ánh việc điều chỉnh phạm vi lấy đất có nhiều khuất tất, thiếu minh bạch song chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng, mới đây, hàng chục hộ dân phường Phú Thượng đồng loạt khởi kiện chính quyền quận Tây Hồ và TP. Hà Nội lên TAND quận Tây Hồ vì đã lạm dụng quyết định hành chính trong thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất tại dự án cầu Nhật Tân. Ở thái cực khác, có trường hợp mặc dù người dân đã chấp nhận và tự nguyện nhận phương án bồi thường và nhận nhà tái định cư thì lại bị chính quyền cấp cơ sở “làm khó” về thủ tục.
 
Đại gia hưởng lợi từ việc điều chỉnh quy hoạch
 
Người dân “sập bẫy” điều chỉnh quy hoạch
 
Khi mới phê duyệt Dự án trọng điểm quốc gia xây dựng cầu Nhật Tân thì tại điểm nút giao Phú Thượng ban đầu đã xác định phạm vi lấy đất thuộc các dự án biệt thự khu D1, D3, hiện nay là khu biệt thự Vườn Đào, thuộc phường Phú Thượng, phường Xuân La và Khu đất của Công ty Xây dựng giao thông đô thị (thuộc Sở GTVT Hà Nội) hiện đang xây dựng công trình văn phòng, dịch vụ công cộng, khách sạn và nhà ở cao tầng.
 
Tuy nhiên, không hiểu vì sao sau đó dự án lại được điều chỉnh lại phạm vi lấy đất, thay vì lấy đất từ dự án biệt thự Vườn Đào và đất thuộc khu đất của Công ty Xây dựng giao thông đô thị như qui hoạch trước đây, dự án lại chuyển sang lấy đất của hàng trăm hộ dân thuộc phường Phú Thượng. Sau khi điều chỉnh phạm vi lấy đất, điều chỉnh thiết kế đường dẫn để tránh dự án biệt thự, chung cư cao cấp của những đại gia, cũng là lúc đã tạo sự đối lập đáng kể giữa một bên là “lợi ích của một nhóm đại gia” đã hưởng lợi ích kếch xù và phía bên kia là hàng trăm hộ dân tại Tổ 47 B, C, D Cụm 7 thuộc phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội đã “sập bẫy” qui hoạch phải giải tỏa, di dời.
 
Việc người dân “sập bẫy” điều chỉnh qui hoạch còn phải kể đến trường hợp đã giao dịch chuyển quyền sử dụng đất và mua bán nhà trong thời điểm điều chỉnh qui hoạch. Thời gian liền kề trước đó và tại thời điểm điều chỉnh qui hoạch, đa số người dân các tổ 47 B, C, D không hề biết bất cứ thông tin nào về việc điều chỉnh qui hoạch cũng như diện ảnh hưởng giải phóng mặt bằng khi điều chỉnh qui hoạch cho dự án này. Người dân vẫn tiến hành giao dịch chuyển quyền sử dụng đất và mua bán nhà. Họ vẫn được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà cũng như được chính quyền tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cấp phép xây dựng, đăng ký hộ khẩu… Nhưng đối với trường hợp người dân khi đang tiến hành giao dịch chuyển quyền sử dụng đất và mua bán nhà thì phải tạm dừng do việc điều chỉnh qui hoạch dự án, thì sau đó họ đã gặp phải những phiền toái, rắc rối khi làm thủ tục bồi thường và nhận nhà tái định cư. Xin nêu một trường hợp cụ thể sau:
 
Theo phản ánh của một hộ dân (bà Lương Thị Phương Mai) thuộc diện được làm thủ tục bồi thường và nhận nhà tái định cư của dự án cầu Nhật Tân thì gia đình này tiến hành mua căn nhà cấp 4 gắn với diện tích đất tại địa chỉ: Số 24B khu tập thể D577, tổ 47C phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội đúng vào thời điểm đang diễn ra việc điều chỉnh qui hoạch. Hai bên mua, bán đã thực hiện giao dịch trả tiền, nhận nhà và chờ thời gian để làm thủ tục chuyển nhượng chính thức. Nhưng sau đó, hai bên mua, bán chỉ có thể làm hợp đồng chuyển nhượng viết tay kèm theo các giấy tờ xác định nguồn gốc sở hữu của căn nhà và đất, vì tại thời điểm đó vừa có điều chỉnh qui hoạch phạm vi lấy đất nút giao Phú Thượng và như vậy căn nhà và đất nêu trên “bỗng nhiên” đã thuộc diện phải giải tỏa, di dời!.
 
Người dân “thiệt đơn, thiệt kép” khi phải giải tỏa, di dời.”
Người dân “thiệt đơn, thiệt kép” khi phải giải tỏa, di dời.”
 
Tiếp tục bị “làm khó” khi làm thủ tục nhận bồi thường, tái định cư
 
Chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và của UBND TP. Hà Nội; đồng thời chấp nhận những thiệt thòi về giá trị thực tế theo giá thị trường của ngôi nhà bị mất đi do phải giải tỏa, di dời; chủ sở hữu căn nhà trên đã làm đơn đề nghị được tự nguyện nhận phương án bồi thường, nhận nhà tái định cư để bàn giao mặt bằng cho dự án theo chính sách, qui định chung của UBND TP. Hà Nội đối với dự án cầu Nhật Tân. Song khi xác minh các thủ tục bồi thường, tái định cư, UBND phường Phú Thượng cho rằng do chủ nhà đất nhận chuyển nhượng bằng hợp đồng viết tay nên không đủ điều kiện để được bồi thường, tái định cư đối với căn nhà đất có giá trị nhiều tỷ đồng này của người dân!?
 
Tuy nhiên, theo hồ sơ, căn nhà đất nêu trên trước khi chuyển nhượng bằng hợp đồng viết tay, đã có đủ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp, gồm các giấy tờ sau: Quyết định phân nhà và đất của Quân chủng Phòng không – Bộ Quốc phòng; Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước với Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Quốc phòng; Hồ sơ thanh lý Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 61/CP với Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Quốc phòng.
 
Căn cứ theo các qui định của pháp luật tại các văn bản như: Bộ luật dân sự, Luật Đất đai, Nghị định số 197 ngày 03/12/2004, Nghị định số 69 ngày 13/8/2009 của Chính phủ; Thông tư số 14 ngày 01/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quyết định số 108 ngày 29/09/2009 và Quyết định số 02 ngày 07/01/2013 của UBND TP. Hà Nội về bồi thường, tái định cư trên địa bàn Hà Nội thì trường hợp căn nhà và đất tại địa chỉ số 24B khu tập thể D577, tổ 47C phường Phú Thượng thuộc diện đủ điều kiện được nhận bồi thường đất và nhận nhà tái định cư vì các căn cứ pháp lý sau:
 
Thứ nhất là, có quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai; có giấy tờ về thanh lý, hóa giá nhà ở, mua nhà ở gắn liền với đất ở theo quy định của pháp luật.
 
Thứ hai là, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định nêu trên mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến thời điểm có quyết định thu hồi đất chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
 
Thứ ba là, hộ gia đình, cá nhân khi bị Nhà nước thu hồi đất có một trong các điều kiện được bồi thường theo giá đất ở, được bố trí nhà tái định cư trong các trường hợp hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở do bị thu hồi hết đất ở mà không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi (hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tái định cư). 
 
Thứ tư là, thực tế căn nhà và đất nêu trên không có tranh chấp, khiếu kiện. Ủy ban nhân dân cấp phường có văn bản xác nhận các nội dung xác định nhà, đất trong phạm vi thu hồi của hộ gia đình, cá nhân có tranh chấp, khiếu kiện hay không có tranh chấp, khiếu kiện.
 
Với đầy đủ các căn cứ pháp lý để được nhận bồi thường đất và nhận nhà tái định cư như đã nêu trên và căn cứ vào chính sách của UBND TP. Hà Nội là tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và lợi ích của công dân khi bị thu hồi nhà đất nhưng không hiểu vì lý do gì mà UBND phường Phú Thượng lại “lúng túng” khi làm thủ tục bồi thường đất và nhận nhà tái định cư cho trường hợp nêu trên. Và đến nay, đã nhiều tháng trôi qua, chủ nhà đất vẫn chưa nhận được thông báo chính thức nào từ phía các cơ quan chức năng khiến người dân bức xúc, có thể dẫn đến việc kiện tụng kéo dài. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc dự án chậm tiến độ. 
 
Theo nguồn tin của phóng viên báo Bảo vệ pháp luật, không chỉ với trường hợp nêu trên mà còn có dấu hiệu của nhiều khuất tất khi thực hiện dự án này như: việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất xen kẹt, việc quản lý quỹ nhà tái định cư, sự bất bình đẳng giữa các trường hợp có điều kiện như nhau trong cùng dự án, vi phạm về trình tự, thủ tục… gây bất bình trong nhân dân và dư luận xã hội, làm chậm tiến độ và gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, tiền bạc của Nhà nước ở công trình trọng điểm Quốc gia này. Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong thời gian tới.
 
PV
 
Nghiên cứu vụ việc này, Luật sư Ngô Tất Hữu, Trưởng Văn phòng Luật sư Thủ đô cho biết: Dựa vào hồ sơ vụ việc và căn cứ vào các qui định của pháp luật hoàn toàn có đủ căn cứ để khẳng định người nhận chuyển nhượng căn nhà đất nêu trong bài viết này là chủ sở hữu và có đủ các điều kiện để được bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Đồng thời, không thuộc trường hợp “không được bồi thường, tái định cư”. Do đó, họ có thể khiếu nại đến cơ quan hành chính hoặc khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

 

.