Vội vàng cho chuyển nhượng, cấp sổ, rồi…tạm dừng
Đầu năm 2016, sau khi có đơn kiến nghị của Công ty Nha Trang - Hà Nội, một trong hai đơn vị liên danh chủ đầu tư dự án tố cáo những hành vi gian dối của Công ty Gia Bảo, yêu cầu dừng cấp sổ hồng cho các căn hộ tại dự án, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo dừng việc cấp sổ và rà soát ,xử lý sự việc. Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) Hà Nội cho biết, toàn bộ căn hộ ở D2 Giảng Võ đã không được cấp sổ đỏ hay giấy chứng nhận sử dụng đất do đang tranh chấp, khiếu nại.
Trước đó, ngày 15/10/2015, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 7302/UBND-TNMT gửi Sở TNMT, UBND quận Ba Đình, Công ty Gia Bảo, Công ty Nha Trang - Hà Nội về việc kiểm tra rà soát việc giải quyết tranh chấp, cấp giấy chứng nhận tại nhà D2 Giảng Võ, Ba Đình. Đồng thời, “Trong thời gian kiểm tra, rà soát, xem xét, tạm dừng thực hiện văn bản số 6684/UBND-TNMT ngày
21/9/2015 của UBND thành phố”. Được biết Văn bản số 6684 được UBND thành phố ban hành trước đó đã cho phép “làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho các hộ gia đình, cá nhân mua nhà ở căn hộ tại dự án phá dỡ, xây dựng lại nhà D2 Giảng Võ, quận Ba Đình theo quy định”.
Đây quả là một sai sót nghiêm trọng của các cơ quan chức năng, trực tiếp là Sở Tài nguyên và Môi trường vì theo Luật Đất đai 2013, không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay sổ hồng khi có tranh chấp về quyền sử dụng đất. Vậy mà, trả lời UBND TP Hà Nội, trong Công văn số 827/STNMT-VPĐKĐĐ, lãnh đạo Sở TNMT TP Hà Nội “thản nhiên” cho biết, xảy ra sai sót này do khi trình hồ sơ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đại diện chủ đầu tư là Công ty Gia Bảo đã không nộp hai văn bản về nội dung hợp tác liên danh giữa hai công ty Gia Bảo và Nha Trang - Hà Nội. Cụ thể là hai Văn bản số 2145/SXD-BQLDA ngày
10-4-2013 của Sở Xây dựng và việc thay đổi thành viên trong liên danh đầu tư xây dựng lại nhà D2 Giảng Võ; Văn bản số 3255/UBND-QHXDGT ngày 8-5-2013 của UBND TP Hà Nội chấp thuận thay đổi thành viên liên danh đầu tư dự án. “Trước đây, khi thẩm định hồ sơ pháp lý của dự án Công ty Gia Bảo không cung cấp hai văn bản trên” - Công văn của Sở TNMT TP Hà Nội do ông Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Nghĩa ký nêu rõ.
Không chỉ Sở Tài nguyên Môi trường thiếu trách nhiệm
Như vậy, với báo cáo trên, UBND TP Hà Nội đã thừa nhận sự quan liêu trong kiểm tra, thẩm định hồ sơ để cấp “sổ hồng” cho hàng trăm hộ dân. Đây là công việc thuộc chức năng chuyên môn của sở, lại là việc làm hệ trọng, phải qua nhiều khâu, nhiều bước thẩm định ngay từ lúc đầu triển khai dự án. Để dự án được xây dựng, ngay từ khi ra Văn bản bản số 3255/UBND-QHXDGT ngày 8-5-2013, UBND TP Hà Nội đã từng yêu cầu Sở TNMT cho ý kiến về liên danh chủ đầu tư và Sở này từng khẳng định Công ty Nha Trang - Hà Nội đủ điều kiện theo quy định. Cho nên, có thể thấy với công văn giải trình số 827/STNMT-VPĐKĐĐ, Sở TNMT đang cố tìm cách bao biện cho sự quan liêu, cố tình làm trái pháp luật trong việc tùy tiện cấp sổ hồng, công nhận các giao dịch không đúng pháp luật của Công ty Gia Bảo.
|
|
Công văn của Sở TNMT chỉ ra nhiều sai sót |
Mặt khác, với nội dung báo cáo: “Trước đây, khi thẩm định hồ sơ pháp lý của dự án Công ty Gia Bảo không cung cấp hai văn bản trên”, chính Sở TNMT TP Hà Nội đã thừa nhận Công ty Gia Bảo gian dối, không báo cáo đầy đủ hồ sơ pháp lý. Phải chăng, sở này đang cố tình “đá quả bóng trách nhiệm” của mình cho Công ty Gia Bảo không nộp đủ hồ sơ chứ không phải do mình không biết? Điều này là hết sức vô lý và không thể chấp nhận đối với một cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành.
Sự quan liêu, vô trách nhiệm không chỉ dừng ở đó mà Sở TNMT mà hàng loạt cơ quan khác như Sở Xây dựng, Cảnh sát PCCC, Điện lực cũng quan liêu và còn để “con voi chui lọt lỗ kim” khi cố tình “bật đèn xanh” cho công ty Gia Bảo chuyển nhượng các căn hộ, làm thủ tục cấp sổ hồng trái cả quy định của Nghị định của Chính phủ. Theo ông Lê Đức Thắng, Trưởng phòng pháp chế Công ty Gia Bảo, Sở TNMT TP Hà Nội đã cố tình làm trái Nghị định số 45/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng có quy định rất rõ, trong bất kỳ hồ sơ nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng, các biên bản nghiệm thu PCCC hay bất kỳ biên bản nghiệm thu, bàn giao nào đều bắt buộc phải có xác nhận của liên danh chủ đầu tư.
Sở TNMT và các Sở ngành khác đã cố tình làm trái, coi thường cả Quyết định số 01/2013/QĐ-UBDN của UBND TP Hà Nội về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội đã quy định rất rõ tại Điều 5, nhà chung cư chỉ được đưa vào sử dụng, vận hành khi đã được tổ chức nghiệm thu theo các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng theo Nghị định số 71 của Chính phủ.
Chính vì sự quan liêu đó, hàng loạt bất cập, sai phạm về PCCC, thiết kế thi công, các hạng mục về xử lý nước thải, vị trí lắp đặt máy nổ, công trình điện…sau này đã được hợp thức hóa nhưng chưa làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư và các cơ quan liên quan. Riêng sai phạm về việc để máy phát điện ngoài tòa nhà là sai phạm nghiêm trọng, gây ra nhiều hệ lụy nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý, khắc phục, vẫn được các cơ quan chức năng bật đèn xanh, làm ngơ cho tồn tại trong khi theo pháp luật cần phải được cưỡng chế, tháo dỡ.
Từ sự lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm trong quản lý đó, còn kéo theo hàng loạt hệ lụy khác như Công ty Gia Bảo không thành lập Ban quản lý tòa nhà chung cư theo quy định, tự lập Ban quản lý lâm thời mà không lấy ý kiến các hộ dân, tự ý đặt ra và thu một số loại phí... Đến nay, hơn 3 năm đã trôi qua, việc bầu ra Ban quản trị tòa nhà vẫn chưa thể hoàn thành và theo phản ánh của một số hộ dân, gần đây, trước thềm hội nghị, đã có hiện tượng kẻ xấu tung tin bịa đặt nói xấu, cản trở những người có uy tín tham gia bầu Ban quản trị tòa nhà.
Liệu có phải một bê bối sổ đỏ “Đại Thanh thứ hai”?
Nhìn lại những bất cập vướng mắc trong việc cấp sổ hồng cũng như quản lý tòa nhà D2 cho thấy bên cạnh trách nhiệm của chủ đầu tư, trực tiếp là Công ty Gia Bảo, còn nổi lên trách nhiệm của Sở TNMT, Sở Xây dựng và nhiều ban ngành khác. Đặc biệt, Sở TNMT TP Hà Nội dường như đã buông lỏng quản lý, bỏ qua nhiều thủ tục để tùy tiện tạo tiền lệ xấu cho việc chuyển nhượng, cấp sổ hồng gây ra nhiều tranh chấp phức tạp mà lẽ ra cơ quan quản lý Nhà nước phải đi trước để ngăn chặn, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư cũng như các hộ dân.
Theo luật sư Bùi Quang Thu, sự việc nhà D2 có “bóng dáng” rất giống với việc Sở TNMT TP Hà Nội đã buông lỏng quản lý dẫn đến hơn 2000 sổ đỏ bị cấp sai ở dự án Đại Thanh mà Thanh tra Chính phủ đã thanh tra, kết luận và chỉ ra nhiều yếu tố hình sự cần được xử lý nghiêm túc. Với vụ việc sổ hồng nhà D2, theo luật sư Bùi Quang Thu, cũng ẩn chứa rất nhiều dấu hiệu tiêu cực và vi phạm pháp luật, cần được các cơ quan pháp luật vào thanh tra, điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh. Nếu có một cuộc thanh tra kỹ càng như ở dự án Đại Thanh, chắc chắn nhiều khuất tất tại dự án D2 sẽ được “lộ sáng”.
Điều này là có cơ sở bởi không chỉ dừng lại ở đó, theo đơn tố cáo của công ty Nha Trang - Hà Nội, có hẳn một mục nêu “Sai phạm trong việc cấp sổ đỏ”. Theo đó, Công ty này chỉ ra hàng loạt sai phạm của cơ quan chức năng như: Tài sản chung của liên danh gồm sàn thương mại, căn hộ kinh doanh…hiện có tranh chấp và việc chuyển nhượng không đúng quy định tại hợp đồng hợp tác đầu tư số 18 nhưng không hiểu sao cơ quan chức năng vẫn đồng ý cho Công ty Gia Bảo tiến hành các thủ tục. UBND TP Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường đã bỏ qua mọi bộ luật liên quan đến nhà ở khi đồng ý cấp sổ đỏ, sổ hồng trong khi công trình chưa được cấp chứng chỉ đảm bảo chất lượng công trình.
Các hộ dân cần lên tiếng
Cùng với đó, theo các luật sư, để làm rõ và xử lý dứt điểm những sai phạm, bê bối tại nhà D2 Giảng Võ, không chỉ là câu chuyện của riêng chủ đầu tư hay cơ quan quản lý, hàng trăm chủ hộ cư dân, hàng vạn dân ở nơi đây cần phải lên tiếng, đấu tranh, phản ánh toàn bộ sự việc để các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý.
Nếu chọn sự im lặng thì những bê bối đó sẽ khó mà giải quyết được và câu chuyện sổ đỏ bị treo; câu chuyện nghịch lý như người dân tái định cư lẽ ra phải được nhận nhà, không thể 3 năm vẫn mong đợi ngậm ngùi để rồi chủ đầu tư trả lời thản nhiên “trót bán cho người khác” mà không ai xử lý như trường hợp hộ bà Nguyễn Thị Hải, hay chuyện căn hộ tái định cư phải được bán cho người tái định cư chứ không phải cho hộ kinh doanh…cũng chẳng có ai vào cuộc. Chỉ khi các hộ dân cùng lên tiếng và kiên quyết chỉ ra những sai phạm thuộc về ai, chủ đầu tư hay cơ quan quản lý và các cơ quan phải nhìn thẳng vào sự thật, giải quyết rốt ráo vì lợi ích của dân thì có lẽ những tranh chấp tại dự án nhà D2 mới có thể có hồi kết.