(BVPL) - Trong phiên sơ thẩm, Tòa án đã bác đơn kiện của bà Bùi Kim Thành với lý do giấy chứng nhận thay đổi đăng ký doanh nghiệp cho công ty Hoàng Ngọc là đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục và có căn cứ pháp luật. Tuy nhiên, sau khi làm đơn kháng cáo, được Tòa phúc thẩm TAND TP Hà Nội chấp nhận đưa tài liệu đi trưng cầu giám định và đưa đến kết luận: các chữ ký trong hồ sơ là giả. Vì thế, dư luận đặt ra câu hỏi liệu phán quyết của tòa sơ thẩm có tiếp tay cho sai phạm? Nguyên đơn và dư luận rất mong chờ một phán quyết khách quan của cấp phúc thẩm.
 
Kết luận giám định số 109/C54 –P5 ngày 26 tháng 5 năm 2015
Kết luận giám định số 109/C54 –P5 ngày 26 tháng 5 năm 2015
 
Giả mạo chữ ký trắng trợn…
 
Ở kỳ trước, Báo Bảo vệ pháp luật đã đưa tin về vụ việc Bà Bùi Kim Thành (trú tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, TP.Hà Nội) có đơn gửi UBND TP.Hà Nội và các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quyết định số 4779 ngày 9/8/2013 ngừng mọi giao dịch có liên quan đến lô đất 378,4m2 của công ty Hoàng Ngọc, đồng thời không tiếp tục giải quyết những tài sản của công ty Hoàng Ngọc để chờ kết quả của tòa án. Đồng thời, bà Thành cũng đã có đơn kháng cáo đối với bản án hành chính sơ thẩm ngày 14/1/2014 của TAND TP.Hà Nội. 
 
Trong phiên sơ thẩm, Tòa đã bác đơn kiện của bà với lý do Giấy chứng nhận thay đổi đăng ký doanh nghiệp cho công ty Hoàng Ngọc là đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục và có căn cứ pháp luật. Và trong kết luận bản án sơ thẩm cũng nêu rõ: “nếu như có việc công ty Hoàng Ngọc cụ thể là ông Nguyễn Ngọc Nam làm giả một số tài liệu trong việc xin thay đổi đăng ký doanh nghiệp thì phòng đăng ký kinh doanh số 2- Sở kế hoặc đầu tư thành phố Hà nội cũng không có lỗi, bởi vì tại thời điểm đó cũng không có căn cứ chứng minh có việc giả tạo và không xảy ra việc khiếu kiện gì đối với hồ sơ xin thay đổi đăng ký doanh nghiệp”. Vậy tức là nếu chứng minh được những hồ sơ, tài liệu xin thay đổi đăng ký doanh nghiệp là giả thì việc bác đơn kiện của bà Thành là không có cơ sở. Phán xét của tòa liệu có tiếp tay cho sai phạm?
 
Sau khi làm đơn kháng cáo,Tòa phúc thẩm TAND TP HN đã thụ lý vụ án của bà Thành ở hồ sơ số 52/2014/TLPT-HC. Để có cơ sở giải quyết vụ án, Tòa phúc thẩm TAND TP Hà Nội đã ra quyết định số 910/QĐ-TCGĐ ngày 20 tháng 4 năm 2015 trưng cầu Viện Khoa học hình sự giám định chữ ký trên các tài liệu liên quan. Bằng những phương pháp nghiên cứu tài liệu cần giám định và tài liệu mẫu so sánh bằng các phương tiện nghiệp vụ chuyên dụng, Thượng úy Phạm Hồng Nga – Giám định viên kỹ thuật hình sự về Tài liệu đã tiến hành giám định và đưa ra kết luận một cách chính xác, khách quan và công bằng nhất. Nội dung kết quả được thể hiện trong kết luận giám định số 109/C54 –P5 ngày 26 tháng 5 năm 2015. Theo đó, chữ ký đứng tên Đàm Hoàng Anh, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Bùi Kim Thành tại mặt trước tờ số 5 tài liệu cần giám định ký hiệu A1,A2 và tại mặt trước tờ 3 tài liệu cần giám định ký hiệu A3 là chữ ký trực tiếp. Chữ ký đứng tên Đàm Hoàng Anh tại mặt trước tờ 5 tài liệu cần giám định ký hiệu A1, A2 và tại mặt trước tờ 3 tài liệu cần giám định ký hiệu A3 so với chữ ký của Đàm Hoàng Anh trên các tài liệu mẫu ký hiệu từ M1 đến M6 không phải do cùng một người ký ra. Chữ ký đứng tên Nguyễn Thị Minh Ngọc trên các tài liệu mẫy ký hiệu M2, từ M7 đến M13 cũng không phải cùng một người ký. Tương tự như vậy với chữ ký của Bùi Kim Thành cũng không phải cùng một người ký. Như vậy, có thể kết luận, cả ba chữ ký trên đều đã bị làm giả với mục đích chiếm đoạt tài sản, dấu hiệu lừa đảo của ông Nguyễn Ngọc Nam là rất rõ ràng.
 
Không đơn giản là một vụ án hành chính?
 
Căn cứ vào những kết luận giám định này có thể khẳng định cuộc họp Hội đồng cổ đông để chuyện nhượng toàn bộ cổ phần của bà Bùi Kinh Thành cho bà Trần Thị Ngoan ngày 8/7/2011 là không có thật. Toàn bộ cuộc họp, nội dung ý kiến và chữ ký đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là bị làm giả. Với mục đích thâu tóm toàn bộ cổ phần của bà Bùi Kim Thành và các cổ đông để chiếm đoạt công ty, ông Nam đã không từ thủ đoạn nào. Thậm chí ngay ngày hôm đó, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị  và người  đại diện theo pháp luật của công ty Hoàng Ngọc , ông Nam ra Thông báo số 23 thay đổi nội dung đăng kí doanh nghiệp (lần 1), thông báo này nêu việc thay đổi cổ đông  sáng lập công ty và sửa đổi Điều lệ của công ty . Sau khi chuyển nhượng cổ phần cho nhau , các cổ đông mới của công ty gồm: ông Nguyễn Ngọc Nam , bà Trần Thị Ngoan  và ông Nguyễn Văn Sơn ... với mục đích đẩy bà Thành ra khỏi công ty. Từ một cổ đông có nhiều cổ phần bao gồm nhiều tỷ đồng và một khu đất 400m2, chỉ bằng vài chữ ký giả bà đã bị đẩy khỏi công ty với hai bàn tay trắng. 
 
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Đình Thành ( đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: “Nếu giả mạo chữ ký của người khác với mục đích chiếm đoạt tài sản thì đó là tội lừa đảo. Pháp luật đã có chế tài rất nghiêm khắc cho loại tội này, điều này đã được quy định tại Bộ luật Hình sự, cụ thể là điều 139 đã nêu rõ: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm …Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên…”
 
Các nguyên đơn cũng như dư luận đang rất mong chờ một bản án khách quan từ phiên tòa Phúc thẩm sắp tới. Với kết luận giám định rõ ràng, đề nghị các cơ quan chức năng làm việc công tâm, nghiêm minh để đưa ra phán quyết đúng đắn.
 
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
 
Nhóm PVĐT