(BVPL) - Trong một thời gian ngắn, Nguyễn Thái Minh, nguyên Phó phòng Kế toán, Trưởng phòng Giao dịch Cầu Giấy- Ngân hàng TMCP Bản Việt - Chi nhánh Hà Nội đã liên tiếp lấy sổ tiết kiệm khách hàng, giả chữ ký để làm tài sản đảm bảo vay vốn. Hệ quả, Nguyễn Thái Minh đã rút hàng tỷ đồng từ ngân hàng nhờ hành vi giả mạo này. Sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của Ngân hàng Bản Việt- Chi nhánh Hà Nội thể hiện rõ là sau khi khách hàng đến ngân hàng báo mất sổ tiết kiệm, ngân hàng này vẫn để cho nhân viên của mình giả mạo chữ ký, rút trót lọt gần 1 tỷ đồng.
 
Giả mạo chữ ký, chiếm đoạt sổ tiết kiệm của khách hàng
 
Bức xúc gửi đơn tố cáo đến báo Bảo vệ pháp luật, ông Trần Minh Đức (SN 1972, trú phường Thành Công, quận Ba Đình) cho biết: Ngày 8/5/2013, ông Đức đến Ngân hàng Bản Việt- Chi nhánh Hà Nội để gửi tiền tiết kiệm. Sau khi đăng ký chữ ký mẫu và nộp tiền vào quầy giao dịch, ông Đức được ngân hàng này cấp thẻ tiết kiệm số AA074784 với số tiền gửi là 1.000.000.000 đồng. Ngày đáo hạn là 8/5/2014.
 
Theo ông Đức trình bày thì sau đó, ông có cho ông Nguyễn Thái Minh, nguyên Phó phòng Kế toán, Trưởng phòng Giao dịch Cầu Giấy- Ngân hàng TMCP Bản Việt - Chi nhánh Hà Nội mượn sổ tiết kiệm trên và ký giúp Minh tờ đơn xin vay vốn rồi Minh hứa sẽ mang đến trả lại.
 
Đến tháng 6/2014, khi gia đình ông có nhu cầu về tài chính tìm sổ thì mới nhớ là ông Minh chưa trả. “Sau đó, tôi có liên hệ với ông Minh để lấy lại sổ tiết kiệm số AA074784. Tuy nhiên, Minh đã khất lần và không gửi lại sổ tiết kiệm cho tôi”- ông Đức trình bày.
 
Biên bản làm việc giữa ông Trần Minh Đức và Ngân hàng Bản Việt, chi nhánh Hà Nội. anh BV 3.JPG
Biên bản làm việc giữa ông Trần Minh Đức và Ngân hàng Bản Việt, chi nhánh Hà Nội.

 

Nhận thấy có vấn đề mờ ám trong việc Nguyễn Thái Minh khất lần trong việc trả sổ tiết kiệm, ngày 3/7/2014, ông Đức đã đến Ngân hàng Bản Việt-Chi nhánh Hà Nội báo về việc mất sổ và được cán bộ ngân hàng xác nhận. Đến ngày 5/7/2014, Ngân hàng Bản Việt- Chi nhánh Hà Nội thông báo cho ông Đức biết là sổ của ông đã bị cầm cố cho khoản vay là 950 triệu đồng tại Phòng giao dịch Cầu Giấy thuộc Ngân hàng Bản Việt- Chi nhánh Hà Nội.
 
Tại các buổi làm việc sau đó giữa ông Đức, ông Nguyễn Thái Minh với đại diện lãnh đạo Ngân hàng Bản Việt - Chi nhánh Hà Nội, ông Minh thừa nhận là đã dùng sổ tiết kiệm của ông Đức, giả mạo chữ ký của ông Đức để vay tiền ngân hàng với tổng cộng là 8 lần.
 
Có dấu hiệu hình sự rõ ràng
 
Tại biên bản làm việc ngày 26/9/2014 giữa Ngân hàng Bản Việt- Chi nhánh Hà Nội và khách hàng Trần Minh Đức và - nguyên Phó phòng Kế toán kiểm Trưởng phòng Giao dịch Cầu Giấy của ngân hàng này, ông Minh thừa nhận: Liên tục giả mạo chữ ký của ông Đức để để cầm cố sổ tiết kiệm nêu trên để vay vốn tại ngân hàng nhiều lần. Đến ngày 11/8/2014 thì vụ việc mới được lãnh đạo ngân hàng phát giác. Theo Nguyễn Thái Minh, anh ta buộc phải giả mạo chữ ký và lấy tiền từ sổ ông Đức vì bản thân đã vay mượn từ xã hội “đen”.
 
“Tôi thừa nhận tất cả các chữ ký trên bản đăng ký mở tài khoản đứng tên ông Trần Minh Đức, đăng ký mẫu chữ mới cùng các chữ ký tên ông Đức trên các hồ sơ vay, trả nợ theo các hợp đồng cầm cố nêu trên đều là do tôi ký. Tôi thừa nhận tất cả các việc up load chữ ký mẫu mới, soạn thảo hợp đồng, hạch toán giải ngân, hạch toán thu nợ… đều là chủ ý của cá nhân tôi. Các khoản tiền trên tôi đã dùng vào mục đích cá nhân”- Nguyễn Thái Minh thừa nhận.
 
Ngân hàng Bản Việt- Chi nhánh Hà Nội thể hiện rõ sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, tạo điều kiện cho nhân viên chiếm dụng sổ tiết kiệm của khách hàng thể hiện ở việc ngày 3/7/2014, ông Đức đến ngân hàng này báo mất sổ tiết kiệm. Ngân hàng này đã có phiếu thể hiện việc nhận giấy báo và phong tỏa tiền gửi tài khoản tiết kiệm của ông Đức vào ngày 3/7/2014.
 
Nhưng sau đó 1 tháng, ngày 11/8/2014 Ngân hàng Bản Việt-Chi nhánh Hà Nội vẫn để cho cán bộ của mình là ông Nguyễn Thái Minh dùng sổ tiết kiệm của ông Đức, giả mạo chữ ký thực hiện hợp đồng cầm cố tài sản số 0075/02214/HĐCC để rút ra 950 triệu đồng.
 
Nói về vụ việc này, ông Trần Minh Đức bức xúc: “Sở dĩ ông Minh có thể giả mạo chữ ký của tôi nhiều lần như vậy là do sự thiếu trách nhiệm của cán bộ tín dụng, người thẩm định hồ sơ vay vốn, cán bộ kế toán phụ trách việc giải ngân cũng như những người có thẩm quyền quyết định cho vay tại Ngân hàng Bản Việt- Chi nhánh Hà Nội. Thể hiện rõ sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo ngân hàng này gây nên sự bức xúc, chưa trả lại tài sản cho tôi”.
 
Theo ông Đức thì đại diện Ngân hàng và cá nhân Nguyễn Thái Minh đã nhiều lần cam kết khắc phục hậu quả và Ngân hàng sẽ thực hiện việc tất toán sổ tiết kiệm cho ông. Tuy nhiên, “đến nay đã nhiều lần quá thời hạn cam kết mà Ngân hàng vẫn nhùng nhằng chưa thực hiện tất toán sổ tiết kiệm cho tôi” - ông Đức cho hay.
 
Liên quan đến vụ việc này, phóng viên đã rất nhiều lần liên hệ làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Bản Việt-Chi nhánh Hà Nội, nhưng lãnh đạo ngân hàng này liên tục cáo bận, lẩn tránh trách nhiệm trả lời phóng viên.
 
Ngọc Đức
 
Ngân hàng phải chịu trách nhiệm
 
Theo luật sư Ngụy Thành Thắng- Đoàn Luật sư Hà Nội thì:“Sự thiếu trách nhiệm của ngân hàng còn thể hiện qua việc, vẫn tiếp tục cho vay có cầm cố bằng sổ tiết kiệm sau khi anh Đức đã báo mất sổ tiết kiệm. Cụ thể, ngày 03/7/2014 anh Đức tới Ngân hàng TMCP Bản Việt - CN Hà Nội trình báo về việc mất sổ tiết kiệm, xong đến ngày 11/8/2014 tại phòng giao dịch Cầu Giấy vẫn tiếp tục nhận thẻ tiết kiệm số AA074784 làm tài sản cầm cố cho khoản vay tín dụng. Việc nhận sổ tiết kiệm mà khách hàng đã trình báo mất đã vi phạm những quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng như chính những quy định của Ngân hàng Bản Việt. Khoản 6, Điều 27 Quyết định 1160/2004/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy chế về tiền gửi tiết kiệm thì, tổ chức tín dụng phải “Chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng đối với tiền gửi tiết kiệm do lỗi của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm”.