(BVPL) - Trước đây, gia đình ông Vy Văn Lan và bà Đàm Thị Lích (đ/c: 93 Trần Hưng Đạo, TT.Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) có 3.925 m2  đất tại đội 6 xã Tùng Nghĩa huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng đã được cấp quyền sở hữu năm 1970. Năm 1986, toàn bộ khu đất của vợ chồng bà Lích được nhà nước quy hoạch khu, chia thổ cư cho cán bộ viên chức nhà nước và nhân dân. Đổi lại gia đình bà Lích năm 1986 cũng được UBND huyện Liên Nghĩa cấp 750 m2 đất thổ cư, trong đó có 30 m2 nằm trên đất cũ của gia đình. Sau này do mở rộng đường nên tổng diện tích gia đình bà Lích được công nhận chỉ còn lại 610 m2 đất thổ cư.
 
Tại nhiều văn bản của chính quyền sở tại như QĐ số 419/QĐ-UB ngày 18/12/1993, QĐ số 477/QĐ-UB ngày 30/7/2001 của UBND huyện Đức Trọng đều có nội dung công nhận lô đất thổ cư có diện tích 610 m2 tại khu vực đội 6 (nay là đ/c: 93 Trần Hưng Đạo, TT.Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) là của ông Vy Văn Lan, đã được UBND TT.Liên Nghĩa cấp năm 1986 và được UBND huyện ban hành quyết định công nhận năm 1993. Trên cơ sở đó, cũng từ những năm 1994, UBND huyện Đức Trọng đã cấp giấy phép xây dựng nhà cho ông Lan, trên giấy phép xây dựng số 124 ngày 22/01/1994 ghi rõ: Chấp thuận cho ông Vy Văn Lan được phép xây cất nhà ở gia đình bằng vật liệu nặng trên lô đất thổ cư gia đình”.
 
Ngôi nhà 2 tầng được xây dựng trên một phần diện tích đất – thửa đất thổ cư 610 m2 mà gia đình bà Lích được UBND TT.Liên Nghĩa cấp từ năm 1986.
Ngôi nhà 2 tầng được xây dựng trên một phần diện tích đất – thửa đất thổ cư 610 m2 mà gia đình bà Lích được UBND TT.Liên Nghĩa cấp từ năm 1986.
 
Ấy vậy mà từ năm 2002 khi gia đình bà Lích làm hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ thửa đất với diện tích 610 m2 đất thổ cư trên thì UBND huyện này lại ban hành Giấy CNQSDĐ cấp cho bà Lích chỉ với 310 m2 đất nông nghiệp (Giấy CNQSDĐ số 5493Q4 QSDĐ/1037/QĐ (H) ngày 17/12/2002)?. Không đồng ý với quyết định về việc ban hành Giấy CNQSDĐ trên, gia đình bà Lích đã liên tục viết đơn khiếu nại và xin rút toàn bộ hồ sơ cấp Giấy CNQSDĐ trên. Năm 2012 gia đình bà Lích lại 1 lần nữa làm đơn xin hợp thức hoá toàn bộ thửa đất với 610 m2 nhưng điều lạ là UBND huyện Đức Trọng chỉ cấp Giấy CNQSDĐ cho bà Lích với 253,9 m2 đất ở tại đô thị và 310 m2 đất trồng cây hàng năm khác. Đồng thời gia đình bà Lích lại nhận được thông báo của Chi cục thuế Đức Trọng ghi ngày  20/2/2013 thông báo cho bà Lích phải đóng gần 6 tỷ đồng tiền sử dụng đất cho 253,90 m2 đất thổ cư chứ không phải là 610 m2
 
Chia sẻ trong bức xúc, bà Đàm Thị Lích (75 tuổi) cho biết, bản thân bà là người dân tộc Tày từ Cao Bằng vào Lâm Đồng theo chồng đi mưu sinh, hiểu biết về pháp luật và các chính sách của Đảng và Nhà nước còn hạn chế. Tuy nhiên xét hoàn cảnh gia đình bà, từ những năm 1970 chồng bà (ông Vy Văn Lan) đã sở hữu hợp pháp 3.925 m2  đất tại đội 6 nhưng sau này HTX đã quản lý và chia cho 11 hộ gia đình cán bộ CNV và nhân dân địa phương làm nhà ở. Theo đó, năm 1986, Nhà nước (UBND TT.Liên Nghĩa) cũng đã cấp cho gia đình bà 610 m2 đất thổ cư và đã được hợp thức hoá lô đất bằng QĐ số 419 ngày 18/12/1993 của UBND huyện Đức Trọng. Từ đó đến nay, gia đình bà Lích đã sinh sống ổn định trên mảnh đất này đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế nhà đất. “Đối chiếu với Điều 100 Luật đất đai năm 2013 (thời điểm gia đình bà Lích làm hồ sơ xin hợp thức hoá -PV) quy định về cấp giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình... thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ “Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai” “thì được cấp Giấy CNQSDĐ, QSHNƠ và Tài sản khác gắn liền với đất mà không phải nộp tiền sử dụng đất”. Theo đó, khi làm hồ sơ cấp Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì gia đình tôi không phải đóng tiền sử dụng đất” bà Lích khẳng định.
 
Lý giải vì sao đất thổ cư mà bà Lích được UBND huyện Đức Trọng giao không được công nhận là đất thổ cư hiện hữu mà chỉ được xác định là đất trồng cây hàng năm khác thì Phó Phòng TN&MT huyện Đức Trọng ông Phan Văn Tuấn cho biết, thời điểm những năm 1990 – 1994 UBND huyện Đức Trọng ban hành hàng trăm quyết định với nội dung là “giao đất thổ cư” nhưng chỉ khoảng 5, 6 trường hợp được công nhận là “đất thổ cư” thật sự (?). Còn Đội trưởng Đội trước bạ thu khác của Chi cục thuế huyện Đức Trọng giải thích về số tiền “khủng” mà bà Lích phải đóng tiền sử dụng đất là căn cứ vào thông tin địa chính, bảng giá của UBND tỉnh ban hành và hạn mức thu.
 
Còn khá nhiều cách hiểu và giải thích không hợp lý, viện dẫn luật định không đúng dẫn đến việc gia đình bà Lích hàng chục năm nay chỉ được sử dụng chứ không được sở hữu mảnh đất 610 m2 mà chính UBND huyện Đức Trọng cấp.
 
Vọng Nguyệt