Hơn 4000m2 đất đã được cấp sổ đỏ, sử dụng ổn định hơn 20 năm nay nhưng gia đình bà Huỳnh Lộc Nhung (Khu Lân Thanh 1, phương Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) chỉ được Hội đồng đền bù, hỗ trợ quận Thốt Nốt bồi thường, hỗ trợ với giá rẻ mạt. Đó chính là nguyên nhân đẩy gia đình chị Nhung vào cảnh khốn cùng, phải đi kêu cứu các nơi.
 
Giá bồi thường bất hợp lý
 
Năm 1994, vợ chồng bà Nhung nhận chuyển nhượng thửa đất nông nghiệp có tổng diện tích 4.221 m2 tại khu vực Phụng Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Ngày 07/03/1997, UBND quận Thốt Nốt đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: BA 118770, số vào sổ cấp GCN: CQ00118, thửa đất số 793, thuộc tờ bản đổ số 03; diện tích 4.221 m2 , mục đích sử dụng 300m2 đất ở đô thị và 3.921 m2 đất trồng lúa.

 

Gia đình bà Nhung suy sụp vì mức bồi thường rẻ mạt
Gia đình bà Nhung suy sụp vì mức bồi thường rẻ mạt
Gia đình bà Nhung đã tập trung rất nhiều công sức đổ đất, tôn tạo với khối lượng 7.000 m3 đất trong suốt thời gian từ năm 1995 đến nay, đã sử dụng và cho thuê, canh tác hoa màu, phát huy giá trị sử dụng đất để lo kinh tế gia đình. Sau hơn 20 năm quản lý, sử dụng, khai thác giá trị đất, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thành phố Cần Thơ nói chung và quận Thốt Nốt ngày nay đã khiến phần đất trên có giá trị lớn, là nguồn tài sản chính trong gia đình.
Theo Quyết định số 1232/QĐ-UBND ngày 02/07/2015 của UBND quận Thốt Nốt về việc thu hồi đất để xây dựng dự án cầu Thốt Nốt và tuyến tránh Thốt Nốt thuộc dự án Tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường Quốc gia lần thứ 2, địa điểm phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ với nội dung: Thu hồi 2.362,7 m2 đất trồng lúa…
Tuy nhiên, mức  bồi thường, hỗ trợ quận Thốt Nốt đưa ra quá thấp, quá chênh lệch so với trị giá tài sản. Tại  thông báo số 738/TB.HĐBT ngày 15/6/2015 gia đình bà Nhung chỉ được hỗ trợ, bồi thường 1.444.454.500 đồng (Một tỷ bốn trăm bốn mươi bốn triệu, bốn trăm năm mươi bốn ngàn, năm trăm đồng. Đến thông báo số 1112/TB.HĐBT ngày 20/8/2015 số tiền là: 1.872.223.500 đồng (Một tỷ tám trăm bảy mươi hai triệu, hai trăm hai mươi ba ngàn năm trăm đồng) – Đối với diện tích thu hồi 2.362,7 m2.
 
Lạnh lùng cưỡng chế
 
Bà Nhung cho biết:  “Hội đồng bồi thương hỗ trợ và tái định cư áp đặt mức giá chỉ 675.000 đồng/m2 đối với diện tích 1.676,5m2 và 135.000 đồng/m2 đối với 686,2 m2 còn lại để bồi thường cho gia đình tôi trong khi với vị trí tương đương và giá trị thị trường thì giá đất của chúng tôi phải ở mức không dưới 6.000.000 đồng/m2. Mức giá nêu trên là quá thấp, chỉ phù hợp với đất trồng lúa ở nông thôn, không phù hợp giá trị đất gia đình tôi đã bỏ tiền nhận chuyển nhượng lại từ trên 20 năm và nay đã trở thành đất ở đô thị có nền kinh tế phát triển.
Với tất cả mọi nguồn lực và tâm huyết, gia đình tôi đã cải tạo, san lấp nâng cao giá trị đất, để đầu tư và làm kinh tế; gia đình tôi cũng đã phải dùng quyền sử dụng đất thế chấp, vay vốn ngân hàng. Nếu với mức giá đất đền bù nêu trên so với giá trị thị trường, giá trị theo định giá của ngân hàng thấy sự chênh lệch quá lớn và có thể gây cho gia đình chúng tôi bị phá sản vì không có khả năng trả nợ khi cả diện tích đất lớn bị thu hồi mà tiền đền bù không được bao nhiêu“.
 
Theo bà Nhung, trình tự, thủ tục thu hồi đất đều không đúng, không đầy đủ các quy định của pháp luật. Việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư không hề lấy ý kiến của các hộ bị thu hồi đất và gia đình tôi về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Không lắng nghe, không giải quyết, tiếp thu bất kỳ ý kiến đề nghị gì của người dân về mức giá đề nghị bồi thường, hỗ trợ mà chỉ áp đặt duy nhất mức giá đất nông nghiệp quá thấp, hoàn toàn không phù hợp với vị trí địa lý và giá cả thời điểm đền bù.
 
Khi làm kế hoạch bồi thường, Hội đồng đền bù, hỗ trợ quận  không nêu cho gia đình bà Nhung biết mức giá dự kiến tiền đền bù, hỗ trợ mà chỉ đến khi thực hiện mới thông báo số tiền đền bù quá thấp rồi buộc chúng tôi phải nhận và bàn giao mặt bằng. Việc áp đặt mức giá như trên là không minh bạch, làm mất tính dân chủ, mất quyền giám sát của nhân dân và tạo sự bất bình đẳng giữa chủ đầu tư và người có đất bị thu hồi.
 
Bà Nhung cũng cho hay, trong quá trình thu hồi đất, các cơ quan chức năng đã huy động nhiều lực lượng khác nhau, đặc biệt là rất nhiều cán bộ, chiến sỹ công an như cảnh sát hình sự, cảnh sát 113,… có cả lực lượng mặc trang phục cảnh sát và nhiều người khác là công an nhưng chỉ mặc thường phục với tổng số lên đến 400 người. Lực lượng cơ quan chức năng đã dùng lời lẽ đe dọa không để cho gia đình bà sống yên ổn, đe dọa bắt bỏ tù bà và các thành viên trong gia đình.
 
Ngày 05/10/2016 các cán bộ công an đã không vì nhiệm vụ giải tỏa mặt bằng mà đã dùng vũ lực của số đông xâm phạm đến thân thể, bẻ gập, khóa tay chân bà Nhung đưa lên ô tô khiến bà bị đau cột sống phải đi bệnh viện, tìm thày thuốc điều trị.
“Quá trình trước và sau khi cưỡng chế, gia đình tôi luôn bị các cán bộ chính quyền, công an, các cán bộ cơ quan liên quan đến với danh nghĩa là vận động nhưng thực chất luôn gây áp lực về tinh thần, đe dọa làm cho mọi người trong gia đình tôi rất khổ sở, không ngày nào được yên.
Cũng trong những ngày bị cưỡng chế thu hồi đất, ngày 01/10/2016 gia đình tôi đã qua ngăn cản không cho thi công vào thửa đất 793 của gia đình, khi đó chồng tôi quá đau xót khi mất đi tài sản là mồ hôi nước mắt của gia đình nên đã nằm chắn ngang đường đi của xe ủi, thì người giám sát công trình tên Nghị – người này đã quát tháo ra lệnh cho lái xe “Ai cản là bừa đại đi!” mệnh lệnh đó có thể tước đoạt sinh mạng của một con người, rất may người điều khiển phương tiện còn chút lương tâm, họ dừng lại không làm cái điều tày trời đó. Cũng vì những hành vi đe dọa, uy hiếp như vậy khiến cho chồng tôi suy sụp hoàn toàn về sức khỏe và tinh thần…” – bà Nhung bức xúc
Có thể thấy, có quá nhiều điểm bất thường, gây bức xúc lớn của người dân, dư luận địa phương trong vụ cưỡng chế trên. Báo Điện tử Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
 
Theo congluan
.