(BVPL) - Sau khi Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Thái Bình tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 – 2020,  ông Phạm Văn Huấn tái cử và tiếp tục giữ chức Bí thư Đảng ủy khối (ĐUK) các cơ quan tỉnh. Kết quả này đã bị rất nhiều cán bộ, đảng viên bức xúc, phản đối vì cho rằng ông Huấn không có bằng, không được đào tạo về trình độ cao cấp lý luận chính trị theo chương trình đào tạo của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Vì vậy, việc đề bạt, bầu cử ông Huấn giữ chức vụ trên là trái với quy định của Ban tổ chức Trung ương?


Theo phản ánh của một số cán bộ, đảng viên và bản trích ngang lí lịch cán bộ của  nhân sự tham gia Ban chấp hành Đảng bộ Khối khóa V, nhiệm kỳ 2015 – 2020 thì ông Phạm Văn Huấn - Bí thư ĐUK các cơ quan tỉnh Thái Bình, tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền,  trình độ cao cấp lý luận chính trị… Tuy nhiên, trên thực tế ông Huấn chưa được đào tạo, cấp bằng về trình độ cao cấp lý luận chính trị theo theo chương trình đào tạo của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Vì vậy, việc đề bạt, bầu cử ông này giữ chức Bí thứ ĐUK các cơ quan tỉnh Thái Bình là vi phạm nghiêm trọng quy định của Ban tổ chức Trung ương.


Để xác minh làm rõ thông tin trên, PV báo BVPL đã có buổi làm việc với ông Trần Thế Nghiêm – Phó Ban tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình. Trao đổi với PV về quá trình thẩm tra, xác minh bằng cấp của ông Phạm Văn Huấn,  ông Nghiêm cho biết: “Quy trình xác định bằng cấp của cán bộ, đảng viên trong đó có ông Phạm Văn Huấn chúng tôi làm rất kỹ. Do ông Huấn tốt nghiệp trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền – Khoa Lịch sử Đảng nên theo quy định số 12 của Ban tổ chức Trung ương thì trình độ tương đương với trình độ cao cấp lý luận chính trị”.


Khi PV đặt câu hỏi: “Tại mục 3, phần II của quy định số 12/QĐ/TC – TTVH, ngày 9/1/2004 của Ban Tổ chức Trung ương – Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương quy định: “ Việc xác định trình độ lý luận chính trị được áp dụng để xem xét, đánh giá, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, nâng ngạch cán bộ, công chức nói chung theo quy định của Đảng và Nhà nước. Riêng đối với cán bộ lãnh đạo chủ  chốt từ cấp huyện và tương đương trở lên và cán bộ trong diện quy hoạch dự nguồn các chức danh nói trên nhất thiết phải được đào tạo theo chương trình đào tạo của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh hoặc các trường thuộc lực lượng vũ trang cùng cấp”.


Đối chiếu với quy định này thì ông Huấn chưa đủ điều kiện cũng như trình độ để bổ nhiệm, bầu cử vào vị trí công tác trên. Bởi lẽ, thực tế ông Huấn mới chỉ có bằng tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chứ ông Huấn chưa được đào tạo, cấp bằng cao cấp lý luận chính trị theo quy định trên. Vậy tại sao ông Huấn vẫn “thẳng tiến” vào Tỉnh ủy viên (năm 2010) và giữ các chức vụ quan trọng như:  Phó Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy (từ năm 2007 - 2011), Giám đốc trường Chính trị tỉnh (từ năm 2011 - 2014),  Bí thư ĐUK các cơ quan tỉnh (từ tháng 4/ 2014 – nay)?


Lý giải về điều này ông Nghiêm cho biết: “Nếu anh hiểu (quy định số 12 – PV) như vậy là hơi cứng và máy móc (?)”. Tuy nhiên, ngay sau đó ông Nghiêm lại nói: “Tôi là Phó Ban tổ chức Thường trực tỉnh nhưng không theo dõi mảng này, không phụ trách công tác cán bộ, mà chỉ phụ trách cơ sở Đảng. Cho nên văn bản đó (quy định số 12 – PV) thực ra tôi cũng không nắm chắc (?)”. Việc ông Nghiêm không nắm chắc quy định trên mà đã vội vàng quy chụp PV là hiểu “cứng và máy móc” là như nào?


PV tiếp tục đặt câu hỏi: “Trong bản khái lý lịch cán bộ, ông Huấn khai mình có trình độ chuyên môn: tốt nghiệp trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền; trình độ lý luận chính trị: cao cấp. Việc ông Huấn chưa có bằng cao cấp lý luận chính trị mà vẫn điềm nhiên khai vào hồ sơ, đây có phải là hành vi khai báo không trung thực, khai man hồ sơ?”. Trả lời câu hỏi này, ông Nghiêm cho biết: “Có thể trong quá trình khai báo hồ sơ ông Huấn đã chủ quan, vì từ xưa đến nay cứ nghĩ là có bằng tương đương cao cấp lý luận chính trị theo quy định rồi?”. Vậy, sự “chủ quan” của ông Huấn (theo lời của ông Nghiêm) đã “qua mặt” cả Ban tổ chức tỉnh ủy Thái Bình nhiều năm nay khi thẩm tra, xác minh hồ sơ, trình độ chuyên môn của ông Huấn?  


Cần phải nói thêm rằng, sau khi tổ chức xong Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh (ngày 22/7/2015), biết mình bị “tố” chưa có bằng cao cấp lý luận chính trị, và  để “đối phó” việc này, ngày 23/7/2015 ông Huấn đã cấp tốc lên Học viện Báo chí và Tuyên truyền xin giấy xác nhận về trình độ cao cấp lý luận chính trị rồi về nộp cho tỉnh ủy Thái Bình. Trao đổi về việc này, ông Nghiêm khẳng định, giấy xác nhận mà ông Huấn vừa nộp chỉ mang tính chất tương đương với trình độ cao cấp lý luận chính trị.
Việc khai báo hồ sơ của ông Huấn đã vi phạm, điểm 13, quy định số 47/QĐ - TW ngày 11/11/2011 của Ban chấp hành Trung ương về những điều Đảng viên không được làm: “Báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch, lịch sử bản thân không trung thực…”.

Để đảm bảo sự công bằng trong công tác tổ chức cán bộ và nghiêm túc thực hiện quy định của Ban tổ chức Trung ương. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình sớm vào cuộc thẩm tra, xác minh làm rõ việc lập hồ sơ, kê khai lý lịch của ông Huấn. Đồng thời xử lý nghiêm hành vi khai man hồ sơ trên.


Báo BVPL sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin vụ việc trên./.


Bùi Toàn