Trưởng phòng khám “tự quyết” thu, chi

Theo báo cáo của Phóng khám bệnh đa khoa, nguồn thu chính của Phòng khám là từ bệnh nhân bảo hiểm y tế và bệnh nhân khám theo yêu cầu. Thời điểm đầu mới thành lập, nguồn thu chỉ ở mức khiêm tốn (1,337 tỷ đồng năm 2009). Đến năm 2015, nguồn thu đã tăng hơn 10 lần (năm 2015: 10,050 tỷ đồng; năm 2016: 13,585 tỷ đồng và năm 2017 là 14,244 tỷ đồng). Tương ứng với nguồn thu gia tăng, việc chi của Phòng khám cũng tăng tương ứng, ví dụ: năm 2009 chi 1,370 tỷ đồng, thì đến năm 2015 chi 9,810 tỷ đồng, năm 2016 chi 13,293 tỷ đồng và năm 2017 chi 13,994 tỷ đồng.


Những con số thu, chi khủng của Phòng khám bệnh đa khoa Trường Đại học y khoa Vinh.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Phóng viên, gần như mọi hoạt động thu, chi của Phòng khám do Trưởng phòng khám (nay là Giám đốc bệnh viện) tự quyết, mà không thông qua đơn vị chức năng của cơ quan trực thuộc, cũng như lãnh đạo Trường Đại học y khoa Vinh (Phòng khám chỉ thực hiện công tác báo cáo định kỳ, hàng năm sau khi đã tự quyết thu, chi). Dẫu trong quyết định thành lập Phòng khám và Bệnh viện hiện nay, đã ghi rõ “trực thuộc và chịu sự quản lý của Trường Đại học y khoa Vinh”.

Làm việc với PV, ông Cao Trường Sinh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học y khoa Vinh kiêm giám đốc Bệnh viện (ông Sũng là Trưởng Phòng khám trước đó) xác nhận: mọi thu, chi Phòng khám tự quyết, không thông qua nhà trường, chỉ báo cáo định kỳ và hàng năm. Nguồn thu của Phòng khám, theo ông Sinh:“Không phải đưa, không phải nộp, vì không có quy định nào đơn vị cấp dưới phải nộp ngân sách về cho cấp trên”?!

Tài sản công Phòng khám cũng “tự quyết”

Theo tìm hiều của Phóng viên, dẫu chỉ là Phòng khám của một trường đại học tỉnh lẻ, với quân số không nhiều, nhưng hàng năm, Phòng khám thực chi một khoản tiền lương, tiền công lớn, xấp xỉ 50% tổng mức tiền lương của tập thể cán bộ Đại học y khoa Vinh. Cụ thể: năm 2015 số tiền lương, tiền công đã chi của Phòng khám là 2,535 tỷ đồng; năm 2016 là 3,548 tỷ đồng và năm 2017 là 3,758 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản thực chi khác như tiền thủ thuật, thanh toán dịch vụ, vật tư văn phòng phẩm, từ năm 2015 đến năm 2017, năm nào cũng từ 1,2 tỷ đến 1,7 tỷ đồng.

Hầu hết những khoản này, đều do Phòng khám tự quyết. Kể cả việc sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng tài sản công, việc trích khấu hao tài sản cố định, phía Phòng khám cũng tự quyết, dẫu tổng mức chi cho các khoản này hàng năm rất lớn. Mặc dù theo quy định, việc sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng tài sản công phải kê khai, báo cáo xin ý kiến với cơ quan chủ quản là Trường Đại học y khoa Vinh.

Cụ thể, năm 2015, tiền chi sửa chữa tài sản, duy tu, bảo dưỡng là 847 triệu đồng, năm 2016 là 789 triệu đồng, năm 2017 là 853 triệu đồng. Số tiền trích khấu hao tài sản cố định còn lớn hơn: năm 2015 là 2,2 tỷ đồng, năm 2016 là 2,5 tỷ đồng và năm 2017 là 2,8 tỷ đồng.

Một cán bộ phòng tài chính của Trường Đại học Y Nghệ An cho biết, theo quy định đối với các nguồn thu, chi của đơn vị sự nghiệp công lập, đều phải báo cáo cụ thể, chi tiết với lãnh đạo và phòng tài chính kế toán của cơ quan chủ quản, riêng việc thay thế, sửa chữa, bão dưỡng, trích khấu hao tài sản công, phải báo cáo đề xuất và được sự phê duyệt của phòng chức năng, lãnh đạo cơ quan chủ quản mới được thực hiện. Tuy nhiên, lãnh đạo Phòng khám đã không làm như vậy.

Vị cán bộ này lý giải, Luật quản lý, sử dụng tài sản công 2017 đã quy định cụ thể đơn vị sử dụng tài sản của Nhà nước (ở đây là Phòng khám) phải có trách nhiệm tính đủ khấu hao tài sản cố định, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với nhà trường (đơn vị quản lý trực tiếp) theo quy định của pháp luật.

“Ở đây, phòng khám phải có trách nhiệm nộp lại tiền khấu hao tài sản cho nhà trường để hạch toán vào quỹ phát triển của nhà trường, vì phòng khám sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường. Những tài sản cố định ở đây đều được đầu tư, mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, do đó, tiền trích khấu hao tài sản phải được bổ sung vào quỹ hoạt động sự nghiệp nơi hình thành tài sản cố định là nhà trường”- cán bộ này cho biết.


PV làm việc với ông Cao Trường Sinh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh kiêm Giám đốc Bệnh viện.

Về vấn đề này, ông Cao Trường Sinh thừa nhận tài sản của Phòng khám trước đây, Bệnh viện hiện nay ban đầu hình thành từ nhà nước, được nhà trường trang cấp: “Ban đầu thành lập là tài sản của nhà trường, Nhà nước, là tài sản công phục vụ sự nghiệp công. Sau đó có tài sản của phòng khám, sử dụng nguồn thu được để mua sắm thêm” – ông Sinh nói.

Giải thích vì sao việc duy tu, bão dưỡng, sữa chữa tài sản phòng khám không thông qua cơ quan quản lý trực tiếp là nhà trường, ông Sinh lý giải: “Vì là tài sản của đơn vị sự nghiệp rồi, được giao rồi, nên có quyền sửa chữa tại chỗ… Hàng năm vẫn có kiểm kê, riêng phần duy tu bảo dưỡng mình trực tiếp làm luôn. Tại sao mình không báo cáo là vì chỉ mua sắm, sữa chữa lớn mới báo cáo xin ý kiến,  chứ ngày nào cũng báo cáo thì làm sao đáp ứng được nhu cầu”.

“Cái nào chưa chuẩn thì sẽ có sự điều chỉnh”

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Cảnh Phú – Hiệu trưởng Trường Đại học y khoa Vinh trong buổi làm việc với PV báo Bảo vệ pháp luật. Tại cuộc làm việc này, có sự tham dự của ông Cao Trường Sinh – Phó Hiệu trưởng kiêm Giám độc Bệnh viện y khoa Vinh (Trước đây là Phòng khám).

Ông Nguyễn Cảnh Phú cho biết, ông tiếp nhận chức Hiệu trưởng từ tháng 10/2016, từ đó đến nay ông chưa có điều kiện, thời gian để kiểm tra việc thực hiện quy trình, nguyên tắc tài chính, kế toán của Phòng khám, cũng như việc có nộp hay trích khấu hao tài sản cố định về trường hay không.

“Đây đang là giai đoạn nâng cấp Phòng khám lên Bệnh viện. Hiện nhà trường đang có kế hoạch đánh giá lại, chấm dứt vài trò của Phòng khám để nâng cấp lên Bệnh viện theo đúng quyết định của UBND tỉnh. Đi vào hoạt động mô hình bệnh viện phải có phương án tự chủ chi tiết, trong từng giai đoạn một. Hiện  bệnh viện nhưng đang được Sở y tế tổ chức thẩm định, chưa được cấp phép hành nghề. Đây đang trong giai đoạn hoàn thiện” – ông Phú cho biết.


Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh - nơi có những vấn đề liên quan đến công tác thu, chi tài chính.

Ông Phú cũng thừa nhận từ trước đến nay, phía nhà trường chỉ giám sát hoạt động của phòng khám qua báo cáo tổng thể cuối năm, hiện mới lên kế hoạch, thống nhất cơ chế quan lý: “Cơ sở vật chất nhà trường giao phòng khám sử dụng, giờ mới có đề án phương án tự chủ, mới lên kế hoạch, mới thống nhất cơ chế quản lý, vì đây là tài sản của Nhà nước cả. Anh nào quản lý nữa thì phần khấu hao tài sản phải nộp về Nhà trường”.

 “Khi phòng khám nâng lên bệnh viện, phương án tự chủ phải gắn liền với nhà trường. Nhà trường là cơ quan quản lý cấp trên, bệnh viện là một bộ phận của nhà trường, không thể tách rời. Do đó sẽ phải phân tích, mổ xẻ ra để thống nhất, cái nào chưa chuẩn thì sẽ có sự điều chỉnh, để làm chặt chẽ, theo từng giai đoạn phát triển” – ông Phú kết luận.

Ngày 5/7/2018 Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định số 2808/QĐ – UBND về việc thành lập Bệnh viện Trường Đại học y khoa Vinh, trên cơ sở nâng cấp Phòng khám đa khoa Trường Đại học y khoa Vinh. Đến ngày 16/10/2018, tỉnh Nghệ An mới tổ chức công bố quyết định này. Đến nay, Bệnh viện Trường Đại học y khoa Vinh vẫn đang trong giai đoạn thẩm định để được cấp phép hành nghề, nhưng từ tháng 8/2018, tại trụ sở của Bệnh viện đã treo biển là “Bệnh viện Trường Đại học y khoa Vinh” khiến nhiều bệnh nhân đến khám lầm tưởng ở đây đã có đầy đủ giấy phép hành nghề và hoạt động như một bệnh viện thực thụ, mặc dầu hồ sơ khám bệnh và các giấy tờ liên quan vẫn là Phòng khám.

Bùi Tiến – Nguyễn Cường