Như Báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin, ngay lõi những cánh rừng bị phá tại các xã thuộc huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị, có một nhà máy xay gỗ dăm của công ty TNHH MTV Nguyên Blook đang hoạt động. Đáng nói, ngay tại bãi tập kết nguyên liệu nhà máy này tập kết 1 số lượng lớn gỗ rừng.
Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý của lực lượng kiểm lâm nơi đây dường như chưa thật sự khách quan, hết trách nhiệm.
Theo đó, mặc dù lực lượng kiểm lâm đã bắt quả tang 1 xe tải đang bốc xếp gỗ xuống bãi tập kết và hơn nữa trực tiếp chứng kiến đống gỗ rừng ngay trong khuôn viên nhà máy nhưng vẫn không thể xử lý được gì.
|
|
Cả đống gỗ rừng đỏ au, nhưng kiểm lâm không xử lý được gì. |
Cụ thể, khoảng 15h ngày 27/8 sau khi phát hiện 1 xe tải chừng 5 tấn có dấu hiệu chở gỗ rừng vào nhập cho công ty, PV đã liên hệ với Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa để tiến hành kiểm tra. Ngay sau đó, đơn vị này đã cử 4 cán bộ trực tiếp đến kiểm thực tế tại nhà máy này. Tại thời điểm 4 cán bộ này có mặt, máy cẩu vẫn đang gắp gỗ từ xe xuống bãi tập kết.
Tuy nhiên, sau hơn 2h đồng hồ tiến hành kiểm tra, 4 cán bộ kiểm lâm ra về mà không thể xử lý được gì. Ông Lê Văn Quốc – Hạt phó phụ trách Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa cho biết: “Họ có sai gì đâu mà xử lý, nguồn gốc gỗ đó nhà máy họ có đầy đủ giấy tờ cả, là cây phân tán, gỗ vườn nhà và cây rừng trồng của họ, còn gỗ tự nhiên trong rừng là không mua, theo quan điểm của họ là như thế” - ông Quốc cho biết.
Ông Quốc cũng khẳng định, tại bãi tập kết này không hề có 1 cây sao sao (1 loại cây đang bị tàn phá nghiêm trọng tại những cánh rừng quanh nhà máy này - PV) nào cả, đồng thời để xác định đó có phải là cây sao sao hay không thì phải lấy mẫu đi giám định.
“Chúng tôi vào đó kiểm tra không thấy gỗ sao sao. Nếu anh nói đó là gỗ sao sao thì anh lấy mẫu đi giám định thôi còn tôi vào trong đó không thấy cây sao sao nào cả”, ông Quốc khẳng định.
|
|
Bằng mắt thường cũng có thể thấy phần lớn là cây sao sao nhưng Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa lại khẳng định không có 1 cây nào và muốn biết có phải sao sao hay không thì phải lấy mẫu đi giám định!? |
Đáng nói hơn, theo ông Quốc, thì mọi kết quả kiểm tra, xử lý của đoàn từ nguồn gốc gỗ, chủng loại gỗ như thế nào là dựa vào các báo cáo từ phía Công ty Nguyên Blook: “Theo báo cáo của công ty thì toàn bộ gỗ họ mua là hợp pháp, trong số các chủ lâm sản tới bán toàn là cây vườn nhà, cây phân tán, cây trong nương rẫy của họ”.
Thiết nghĩ, 1 cuộc kiểm tra lâm sản nghi là gỗ lậu tại một nhà máy xay gỗ mà đi dựa vào những báo cáo từ phía công ty cung cấp thì liệu rằng kết quả có thật sự khách quan và đúng với bản chất sự việc.
Để rộng đường dư luận PV đã có buổi làm việc với ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị và ghi nhận nhiều ý kiến thẳng thắn, tích cực từ ông.
Theo ông Đồng, quan điểm của tỉnh là nếu sai thì sẽ xử lý đúng theo quy định của pháp luật chứ không có chuyện tiếp tay. Việc nhà máy đã đặt vào vị trí nhạy cảm rồi mà còn thu mua gỗ tiếp tay cho phá rừng thì phải xử lý nghiêm nữa.
“Về công tác quản lý nhà nước về nguồn nguyên liệu thì anh có đặt ở đâu thì đặt, nhưng anh mà sử dụng gỗ rừng tự nhiên để tiếp tay cho phá rừng thì phải xử lý. Để xem các ban ngành họ vào cuộc như thế nào, tôi sẽ cho các ban ngành chức năng rà soát, kiểm tra lại xem làm có đúng không và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm”.
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.