(BVPL) - Chuyện di dân, xâm canh, xâm cư  không phải là hiếm ở nước ta, nhưng chuyện người dân xã Kênh Giang, huyện Chí Linh (nay là thị xã Chí Linh) sang địa bàn xã Nguyễn Huệ, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) ở rồi xây dựng trạm, trường…và cả trụ sở UBND xã thì lại là chuyện hiếm. Chính vì thế mà ở xã Kênh Giang đang “sở hữu” 3 cái nhất: nghèo nhất, nhỏ nhất và xa nhất thì còn sở hữu "thương hiệu độc nhất" là xã xâm cư.

 
 
Đến nay, xã Kênh Giang đã xây dựng đầy đủ trạm, trường…và trụ sở UBND xã với 233 hộ với 890 nhân khẩu sống trên diện tích 33,1ha đất do xã Nguyễn Huệ, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) quản lý. Chính thực tế này khiến cho công tác quản lý bị chồng chéo và hơn ai hết người dân nơi đây chịu thiệt thòi. Kênh Giang là “rốn” nghèo của tỉnh Hải Dương, người dân chủ yếu sống bằng nghề chài lưới “chìm nổi” trên sông Kinh Thầy.
 
Mặc dù, xã có trường học nhưng mở được vài năm thì bỏ hoang, cỏ mọc ngập lối đi. Công tác quản lý thì yếu kém, nạn khai thác cát trái phép, cờ bạc trên sông hoành hành càng làm cho "rốn” nghèo" lại nóng về tình hình an ninh trât tự.
 
Chính sự bất cập trên, nhiều năm nay, các cấp các ngành của tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra các giải pháp về công tác quản lý đối với xã Kênh Giang. Theo kiến nghị của các ban ngành tỉnh Quảng Ninh để giải quyết thực trạng trên thì số hộ dân của xã Kênh Giang, thị xã Chí Linh đang sinh sống xâm canh, xâm cư trên địa giới hành chính của xã Nguyễn Huệ, huyện Đông Triều hoặc là xác nhập vào xã Nguyễn Huệ quản lý, hoặc thành lập một xã mới thuộc huyện Đông Triều (Quảng Ninh).
 
 Mặc dù huyện Đông Triều và thị xã Chí Linh đã có những cuộc hiệp thương, song đến nay, vấn đề Kênh Giang vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
 
Hoàng Hưng