Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những người con của các làng nghề truyền thống trên vùng  đất Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn cố bám nghề không chỉ vì mưu sinh. Thế nhưng, để những làng nghề truyền thống tồn tại và phát triển, phía sau đó còn là cả một câu chuyện dài…


Câu chuyện của bà Năm cũng chính là sự trăn trở của không ít người dân làng nghề, của cả lãnh đạo địa phương. Việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho các sản phẩm làng nghề là việc làm hết sức cấp bách. Không chỉ người làng nghề mà chính người tiêu dùng cũng cho rằng, thương hiệu là một trong yếu tố quyết định khi họ lựa chọn mua sắm. Lý do chủ yếu là thương hiệu tạo cho họ sự an tâm về thông tin xuất xứ, tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, tiết kiệm thời gian tìm kiếm thông tin, giảm rủi ro…Chị Từ Thị Hạnh, nhà ở đường Ngô Đức Kế, TP. Vũng Tàu cho hay: “Khi mua hàng, tôi thường chọn các sản phẩm quen thuộc, đã có thương hiệu, vì thế tôi chấp nhận sẽ trả mức giá cao hơn so với hàng đại trà để mua được những sản phẩm có thương hiệu và đủ độ tin cậy về uy tín, chất lượng”. Vì thế, việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm cho các làng nghề là rất cần thiết.

Ông Bùi Anh Quang cho rằng, để xây dựng được thương hiệu sản phẩm cho làng nghề, ngoài sự chủ động và tự ý thức của các làng nghề, Nhà nước cũng cần có chính sách bảo tồn và định hướng phát triển làng nghề  bền vững. Trước hết, cần ưu tiên nguồn vốn  đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ các làng nghề khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại như đưa sản phẩm tham dự triển lãm, hội chợ; quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch. Câu chuyện của  “Rượu Hòa Long” là một ví dụ. Dù đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký độc quyền cho nhãn hiệu rượu Hòa Long từ năm 2008. Tuy nhiên, do thiếu vốn sản xuất, thiếu thị trường tiêu thụ, nên thương hiệu rượu Hòa Long vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường, đặc biệt là trong các siêu thị hay địa điểm du lịch nổi tiếng. Ông Đỗ Quang Cảnh, chủ nhiệm HTX Hòa Thành cho rằng, để  “Rượu Hòa Long” phát triển được, cần phải có một đối tác có tiềm lực kinh tế, với số vốn khoảng 3-4 tỷ đồng để đầu tư  dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại, bảo đảm đạt được các tiêu chí về sản xuất rượu mà Bộ Công thương đã quy định.

Cũng là một người hết sức tâm huyết với việc phát triển làng nghề, bà Lê Thị Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền chia sẻ, trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tạo mọi điều kiện để bánh tráng An Ngãi có  thương hiệu trên thị trường, đẩy mạnh các hoạt  động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế - xã hội, tăng thu nhập cho các hộ làm nghề. Đồng thời, đề nghị UBND xã An Ngãi thành lập HTX sản xuất bánh tráng, tổ chức lại khâu thu mua để ổn định giá, tránh thiệt thòi cho bà con. Hỗ trợ vốn  để bà con cải tiến trang thiết bị, tăng quy mô  và chất lượng sản xuất, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ và hướng tới xuất khẩu…
 

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

.