Nhiều năm qua, với nghề đan lục bình sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, Công ty TNHH Khang Việt Tiến (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.
Hàng ngày cứ khoảng sau 9 giờ, Công ty TNHH Khang Việt Tiến lại nhộn nhịp không khí giao - nhận hàng. Người đến công ty vào giờ này đa phần là phụ nữ. Sau khi hoàn tất những công việc tại cảng cá Long Hải, họ tranh thủ đến giao sản phẩm cho công ty và nhận nguyên liệu về đan lục bình. Chị Bùi Thị Xuân Nhàn, ở số 298 khu phố Hải Tân, thị trấn Long Hải phấn khởi cho biết: “Sáng sớm, tội dậy đi làm cá ngoài cảng, khi hết việc ở cảng cá, tôi lại về đan lục bình. Mỗi ngày tôi đan được từ 6-8 sản phẩm giao cho công ty, không phải lo đầu ra. Nhờ có nghề đan giỏ lục bình, mỗi tháng gia đình tôi có thêm thu nhập từ 4-5 triệu đồng”. Theo chị Nhàn, nghề làm cá phụ thuộc vào con nước nên bấp bênh, thu nhập của chị từ 2-4 triệu đồng/tháng, giờ có thêm nghề đan giỏ, chị tận dụng được thời gian nhàn rỗi để làm thêm, nhưng thu nhập lại ổn định. Vì thế cuộc sống gia đình chị cũng khấm khá hơn.
Chị Chu Thị Liên, ở khu phố Hải Hà 2, thị trấn Long Hải trước đây cũng làm nghề cá. “Công việc xẻ cá rất vất vả, phải phơi nắng, phơi mưa, dầm nước biển nên sức khỏe tôi giảm sút. Sau khi được học nghề đan lục bình do Công ty TNHH Khang Việt Tiến dạy, rồi làm và bán sản phẩm cho công ty, công việc của tôi nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với làm cá. Hơn nữa, do đan tại nhà nên tôi tranh thủ được thời gian nhàn rỗi. Hiện nay, mỗi ngày sau khi trừ chi phí mua nguyên liệu, tôi cũng có thu nhập 150.000 đồng”, chị Liên hồ hởi nói.
Theo những người làm nghề đan lục bình, trong khi công nhân những nghề khác phải tập trung đến công xưởng, nhà máy để làm việc thì nghề đan lục bình được các cơ sở sản xuất triển khai đến tận các hộ gia đình, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động nông thôn. Họ tranh thủ được thời gian nhàn rỗi nhưng vẫn có thêm khoản thu nhập khá, từ 3-5 triệu đồng/tháng/người để trang trải cuộc sống. Vì vậy, ngành nghề này thu hút nhiều lao động nhất hiện nay.
Ông Đỗ Ngọc Thuý, Giám đốc Công ty TNHH Khang Việt Tiến cho biết, nghề đan lục bình được gia đình ông duy trì hơn 10 năm nay. Nhận thấy đây là ngành nghề có nhiều triển vọng, công ty đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hai huyện Long Điền, Đất Đỏ mở các lớp dạy nghề đan lục bình cho người dân nông thôn, nhất là chị em phụ nữ nhàn rỗi. Thông thường, sau 3 tháng đào tạo, người lao động đã thành thạo. Sản phẩm làm ra được công ty thu mua rồi bán lại cho các doanh nghiệp đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương để xuất khẩu. Cách làm này đã tạo động lực làm việc cho lao động nông thôn, góp phần cùng địa phương giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân.
Không chỉ giải quyết việc làm cho lao động địa phương, Công ty TNHH Khang Việt Tiến còn phát triển nghề đan lục bình sang các địa phương lân cận như Đất Đỏ, TP. Bà Rịa. Thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu năm đến nay, công ty đã phối hợp mở 11 lớp đào tạo nghề cho hơn 300 lao động. “Hiện nay, công ty có hơn 10 mẫu sản phẩm như: giỏ đựng đồ, giỏ đựng báo, rổ, rá… Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm đan từ lục bình là rất lớn và chủ yếu xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Mỗi tháng công ty đạt doanh thu khoảng 1,4 tỷ đồng. Chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm đối tác tại thị trường này để xuất khẩu trực tiếp nhằm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và tăng thu nhập cho người lao động”, ông Thúy dự tính.
Theo Báo Bà Rịa Vũng Tàu