Việc lặn dưới độ sâu mấy chục mét nhưng phương tiện bảo hộ lặn lại thô sơ đã khiến nhiều người chết chìm dưới biển, nhiều người thì biến thành ngẩn ngơ bởi áp suất nước tác động vào não…
Nhiều người đến làng lặn biển Ninh Vân (xã Ninh Vân, Ninh Hòa, Khánh Hòa) thường thích thú khi mua được nhiều đồ lưu niệm quý. Ở đây có đến 300 người cả nam lẫn nữ (chủ yếu là nam) mưu sinh bằng nghề lặn biển để tìm kiếm san hô và bắt các loại hải sản quý.
Việc lặn dưới độ sâu mấy chục mét nhưng phương tiện bảo hộ lặn lại thô sơ đã khiến nhiều người chết chìm dưới biển, nhiều người thì biến thành ngẩn ngơ bởi áp suất nước tác động vào não… Tất cả như một nỗi ám ảnh.
Phập phồng mạng sống nơi biển sâu
Chẳng có phương tiện bảo hộ gì nhưng ở làng lặn Ninh Vân, rất nhiều người có thể lặn xuống độ sâu trên 50m. Vừa gặp chúng tôi, ông Bùi Toàn - người đã vài lần thoát chết từ việc lặn biển - than vãn: “Cũng vì cái nghèo nên phải đánh cược mạng sống.
Năm năm trước, có mấy đại gia Sài Gòn về thuê tôi lặn sâu 60m để mò san hô hóa thạch, biết là nguy hiểm nhưng vì tiền nên tôi vẫn làm. Sau mấy ngày lặn đó, ngực tôi đau cả tháng, có lần thổ huyết do áp suất nước khi lặn sâu. Tuy Ninh Vân nhờ nghề lặn mà thay da đổi thịt nhưng những nỗi đau do biển cả ai thấu được!”.
Mùa lặn biển thường diễn ra từ tháng 3 đến hết tháng 8, việc lặn sâu với người Ninh Vân dễ như … đi chơi, họ thực sự là những người hiểu rõ đáy biển và những quy luật của đại dương. Mỗi chuyến đi lặn biển thu được gần 1 tấn/tàu hải sản. Đời sống người dân Ninh Vân vì thế được cải thiện.
Khi lặn xuống biển sâu, họ dùng súng phóng lao để bắt cá. Khi bắn cá, phải bắn trúng phần đầu và phần ức của cá, nếu bắn vào thân cá thì giá trị cá chỉ còn bằng 1/3. Vì vậy, theo kinh nghiệm dân lặn biển thì nên nương theo dòng hải lưu, rồi bắn chặn trước đầu cá. Ngoài ra, khu vực Trường Sa, mùa nào cũng có cá nhám mập cực quý. Đặc biệt, nhiều ngư dân dù chỉ có duy nhất cây súng phóng lao vẫn tìm ra Trường Sa để săn cá mập.
|
Nguyễn Văn Quân đang kể về các tai nạn trong quá trình lặn cũng như niềm hy vọng mới về phương pháp bão hòa khí ni-tơ |
Ở độ sâu 50 mét nếu thợ lặn không có kinh nghiệm thì không thể nổi lên được. Nhớ lại chuyến lặn biển cách đây mấy năm, lão ngư Nguyễn Huy Toàn thảng thốt: “Lần đó, dù không được trang bị dụng cụ lặn hiện đại nhưng tôi ham cá nên vẫn lặn, áp suất khiến cho tôi ngạt thở, may nhờ có bạn lặn kéo lên và cấp cứu 2 ngày mới qua khỏi. Với người dân làng lặn Ninh Vân, mưu sinh ở đáy biển như đánh cược với mạng sống của mình”.
Theo các thợ lặn ở Ninh Vân, khâu chuẩn bị là cực kỳ quan trọng. Áp lực nước là điều đáng sợ nhất khi ở dưới đáy biển. Ông Nguyễn Văn Quân, một thợ giỏi của làng cho biết: “Không hiểu biết lại trang bị thô sơ, người Ninh Vân hay gặp rủi ro. Vì thế, tôi rất muốn liên kết với một tổ chức nghiên cứu cách lặn có khoa học cho những người dân nơi đây”.
Những kinh nghiệm không trường lớp
Sau những ngày dài đánh cược mạng sống của mình nơi biển sâu, các thợ lặn ở Ninh Vân đúc kết ra một số kinh nghiệm: Điều kiện để lặn sâu nhất quyết phải có thiết bị riêng và dầu y tế có thể ăn được. Loại dầu này có thể giúp cơ thể chống chọi áp suất của nước. Nếu máy nén khí chạy bằng dầu diesel thì phải có than hoạt tính để lọc chất độc, chất dầu, bình quân 13kg than/cm3, nếu không sẽ dẫn đến việc người lặn bị nám phổi, mắc bệnh nghiêm trọng về hô hấp.
Những thiết bị này, được người trong làng đặt chế tạo riêng ở TP.HCM. Theo kinh nghiệm của những người thợ lặn thì ở độ sâu trên 70 mét sẽ ít còn san hô sinh sống, chủ yếu là những loại cá lạ. Dưới các rạn san hô thường có nhiều loại thủy sản: mú, mó, bò chìa, búp nẻ, tôm hùm, mực, hải sâm… Những thủy sản này không nhất thiết lặn sâu để bắt, nhưng nếu muốn bắt những con to, nặng, chất lượng cao thì dưới độ sâu từ 30-50 mét mới có.
Khác với huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Ninh Vân có số lượng người lặn biển tuy ít hơn nhưng quy mô hoạt động lại vượt xa. Những ngư dân tại Ninh Vân có người từng làm thuê cho các tổ chức lặn biển quốc tế, lặn thuê cho các công ty lặn biển nước ngoài. Nhiều người thường xuyên lặn ở những vùng biển quốc tế, như Philippines hay Indonesia. Chính vì những kinh nghiệm quý tự học được mà thời gian gần đây Tổ chức Liên hiệp Pháp ngữ và phát triển biển đảo thường xuyên lựa chọn Ninh Vân làm nơi tổ chức việc huấn luyện và chuyển giao công nghệ lặn biển cho ngư dân nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Thu nhập khủng và những cuộc đời thực vật
Nghề lặn biển có thu nhập cao vì trọng lượng thủy sản thu về ít nhưng đều là cá lớn, cá quý, tuy nhiên nguy hiểm cũng cao hơn. Ông Nguyễn Văn Sơn, một thợ lặn trong vùng, cho biết: “Mỗi giờ lặn tôi có thể thu về từ 700-800 ngàn đồng tiền thù lao, vì biển sâu ít người dám xuống, mình xuống sâu thì có tiền, nhưng nguy hiểm cũng cao hơn vô vàn lần”.
|
Vì mưu sinh, nhiều thợ lặn không trường lớp ở Ninh Vân phải sống cuộc đời thực vật sau những chuyến lặn sâu tới 50m |
Theo kinh nghiệm lâu năm của người dân đi biển, thì người bình thường chỉ cần lặn dưới 50m là đã nguy hiểm đến tính mạng. Theo lời ông Nguyễn Văn Chiến, một thợ lặn giỏi: “Nhiều năm đi biển tôi vẫn thường xuyên chứng kiến nhiều người chết vì lặn biển. Sự thay đổi áp suất - do lặn không đúng kỹ thuật, lại vội vàng nổi lên mặt nước - đã giết chết không ít người, một số người khác thì bại liệt”.
Gần 10 năm nay, ông Nguyễn Văn Nam chỉ nằm một chỗ, tay chân không thể cử động. Ông buồn bã tâm sự: “Cũng vì ham tiền, làm liều lặn xuống sâu 60m, nên sau hai năm đi lặn thuê, tôi bị bại liệt chân tay. Các bác sĩ bảo không thể chữa được vì tác động áp suất mạnh quá, dầu diesel từ bình khí nén sục vào miệng mỗi khi có sự cố nên phổi cũng bị nám đen rồi”.
Ông Trần Văn Tích cũng có số phận bi đát. Bị áp suất nước làm cho bại não, lại hít phải nhiều dầu diesel nên mấy năm nay ông sinh ra ngẩn ngơ. Vợ ông, bà Trần Thị Lụa giãi bày: “Mấy lần ông ấy đi lặn về nôn cả ra máu nhưng cản ông ấy không nghe. Sau chuyến lặn kia về, thấy ông không cử động được nữa mà chỉ nằm thở khó khăn thì gia đình biết không còn cứu vãn được rồi, đành sống thêm được ngày nào hay ngày đó vậy”.
Vài năm trở lại đây, Ninh Vân ít trường hợp bị tai biến hay bại liệt nhưng vẫn còn rất nhiều người bị chảy máu mũi, máu mắt, đau nhức cơ bắp, vùng lõm sâu trên cơ thể… Ông Nguyễn Văn Hướng - Phó chủ tịch xã Ninh Vân - cho biết: “Làng lặn biển cũng như nhiều hộ dân khác trong xã này sống nhờ vào nghề lặn. Lặn biển không chỉ để săn cá mà còn để tìm rong biển, san hô đỏ. Công việc nguy hại nhiều đến sức khỏe nhưng xã không cấm được”.
Cứu cánh trong muộn màng
Sau hàng loạt tai nạn xảy ra với các thợ lặn ở Ninh Vân và một số làng chài ở Khánh Hòa, đầu năm 2013, Liên hiệp Pháp ngữ và phát triển biển đảo quốc tế đã triển khai đề án: “Bão hòa khí ni-tơ bằng oxy ở độ sâu 9m”. Đề án này trở thành bảo bối cho các ngư dân lặn biển. Nội dung cốt lõi của đề án là trang bị cho người lặn kiến thức để có thể cấp cứu và điều trị được các ca tai biến bằng cách ôm chính người bị tai biến, lặn xuống độ sâu từ 6 - 9m. Tùy vào triệu chứng tai biến, mà có thời gian bão hòa khác nhau.
Nếu bị tê rần toàn thân, tức là nếu không cứu sớm sẽ bại liệt, thì nạn nhân phải ở độ sâu 9m một tiếng để thở oxy. Nếu lặn tốt, có thể chỉ cần vài hơi là lên được mặt nước bình thường. Anh Nguyễn Văn Quân, ngư dân lặn biển giỏi nhất ở Ninh Vân, tham dự đề án, cho biết: “Phương pháp bão hòa khí ni-tơ bằng oxy ở độ sâu 9m quả là đơn giản, nhưng cũng cần huấn luyện kỹ càng.
Với phương pháp này, chỉ cần một bình oxy là có thể tránh được tai biến mạch máu não hoặc bại liệt. Sau khi học phương pháp này, tôi đã đem truyền đạt cho rất nhiều bạn bè”. Cũng theo anh Quân có 2 ca ngư dân sau khi lặn biển nổi lên mặt nước thì bị tai biến, tim ngừng đập áp dụng phương pháp này, hai người đó đã “cải tử hoàn sinh”. Một trong những nguyên nhân chính của việc tai biến và thiệt mạng khi lặn biển sâu là do khí ni-tơ đọng lại trong các mạch máu não và yếu tố nước độc nguyên thủy ở các vùng biển sâu.
Được biết, chỉ trong năm 2012, tính riêng Bệnh viện Y học cổ truyền và phục hồi chức năng Khánh Hòa đã phải điều trị cho 36 ngư dân bại liệt do lặn biển, trong đó có rất nhiều ngư dân là người Ninh Vân. Nếu đề án: “Bão hòa khí ni-tơ bằng oxy ở độ sâu 9m” được triển khai thành công và rộng rãi, nó sẽ cứu nhiều ngư dân thoát khỏi cảnh bại liệt, thiệt mạng khi lặn biển, nhất là tại Ninh Vân và Lý Sơn.
Theo Hà Lê - Đức Thọ
Dòng Đời