Nhiệm vụ chạy đua với thời gian đã trở thành “thương hiệu” của lực lượng cứu nạn, cứu hộ Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội. Chỉ cần nghe tiếng chuông reo, ngay cả khi đang say giấc các anh cũng bật dậy và lao như tên bắn đến hiện trường. Họ sẵn sàng lao vào đám lửa đang ngùn ngụt cuộn khói hoặc chui xuống hố sâu, những nơi tai nạn có người bị mắc kẹt bên trong để tìm kiếm đưa nạn nhân đến nơi an toàn nhất.
|
Lực lượng cứu nạn làm nhiệm vụ trong vụ sập nhà tại số 43 Cửa Bắc |
“Mang chuông đi đánh xứ người”
Vừa trở về từ cuộc đua tài về cứu nạn, cứu hộ mang tầm quốc tế được tổ chức tại Singapore, những anh lính cứu nạn của Cảnh sát PCCC Hà Nội lại bắt đầu tiếp tục nhiệm vụ của mình cùng với nhịp đập vội vã của Hà Nội. Nhiệm vụ đặt ra quan trọng nhất hiện nay là công việc huấn luyện nâng cao tay nghề, nghiệp vụ, với mục đích “đổ mồ hôi trên thao trường” để chạy đua từng giây, từng phút cho nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy khi không may xảy ra.
Tại cuộc thực tập cứu người mắc kẹt trên tòa nhà cao tầng, chúng tôi đã chứng kiến Thiếu úy Hà Đức Khẩn, Tiểu đội trưởng Tiểu đội cứu nạn, thuộc Phòng Cảnh sát PCCC số 8 - Cảnh sát PCCC TP Hà Nội thao tác đưa nhiều người từ trên cao xuống đất bằng thang dây an toàn. Để có những phương pháp xử lý hoàn hảo hay pha “ngẫu hứng” nhanh gọn, chuẩn xác đến từng chi tiết như thế, không phải bỗng chốc thực hiện được, mà phải dày công luyện tập, rèn luyện qua từng nhiệm vụ thực tiễn.
Đối với người lính cứu hỏa, ngoài sự hăng say luyện tập, học hỏi để trở thành người lính cứu nạn chuyện nghiệp giỏi còn phải có tố chất về thể lực, chiều cao và năng khiếu sử dụng phương tiện trên cao sáng tạo và thuần thục. Cũng bởi quy tụ được những yếu tố cần thiết, cho nên Thiếu úy Hà Đức Khẩn đã vượt qua nhiều khâu xét tuyển để lựa chọn đi thi cứu nạn trên trường quốc tế tổ chức tại Singapore trung tuần tháng 11 vừa qua.
“Bình thường luyện tập cơ bản đã vất vả rồi, nhưng trong những ngày chuẩn bị cho cuộc thi cứu nạn quốc tế, tôi và đồng đội phải dốc sức luyện tập. Đã là lính cứu nạn thì chuyên môn bài bản, kỹ năng đầy đủ nhưng thời gian thì luôn đòi hỏi ngắn nhất có thể. Trong khi đó tình huống đặt ra không theo đề tài trong giáo trình nào cả, mà bất ngờ từ thực tiễn, do vậy nó muôn hình vạn trạng. Do đó, ngay cả khi ngủ cũng phải nghĩ đến từng động tác một” - Thiếu úy Hà Đức Khẩn cho biết.
Sự có mặt của 19 đội đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Anh, Australia, Singapore, Hong Kong, Ma cao, Trung Quốc, Malaysia, Phillipines, Thái Lan, Bangladesh, Indonesia, Brunei, Việt Nam nhưng cũng không làm cho lính cứu hỏa của Cảnh sát PCCC Việt Nam nao núng mặc dù phương tiện vật chất của các quốc gia khác phát triển hiện đaiại hơn nhiều.
Khổ luyện thành tài. Bước vào các nội dung thi, đoàn cứu nạn của Việt Nam từng bước vượt qua các đối thủ có tiếng về cứu nạn như Anh, Úc. Với màn thi đầy ấn tượng, Đội cứu nạn của Việt Nam đã xuất sắc giành 4 Huy chương các loại, trong đó có Huy chương Vàng cho nội dung cứu nạn người từ thang dây, xử lý cứu nạn người mắc kẹt trong ô tô bị tai nạn và leo dây đơn cứu người do Tiểu đội trưởng Thiếu úy Hà Đức Khẩn thực hiện.
Thiếu úy Hà Đức Khẩn cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC số 8 - Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết: “Đội tuyển Việt Nam có 4 thành viên gồm cả 2 cán bộ thuộc Cục Cảnh sát PCCC và CNCH và 1 giáo viên cứu hộ, cứu nạn Trường đại học PCCC. Qua các nội dung thi, đội được đánh giá có các thành viên đều là người có kỹ năng, có thể lực. Tuy nhiên, do điều kiện tập luyện trong nước còn nhiều hạn chế, phương tiện tập luyện thiếu thốn, mô hình tập luyện gần như tự...chế nên cũng có những khó khăn nhất định. Dù vậy, chúng tôi đã nỗ lực vượt qua và đạt thành tích cao mang vinh quang về cho lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội”.
Đại tá Nguyễn Ngọc Châu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 8 cho biết: “Chúng tôi xác định công tác cứu nạn rất quan trọng trong xu thế phát triển như hiện nay. Do đó, cùng với nhiệm vụ phòng ngừa an toàn cháy nổ, đơn vị luôn tập trung huấn luyện các chiến sỹ có tố chất làm nhiệm vụ cứu nạn để xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp cao. Việc đồng chí Hà Đức Khẩn đoạt Huy chương Vàng là nỗ lực của bản thân, song song đó là xuất phát từ công tác trú trọng rèn luyện, kỷ luật trên thao trường, áp dụng vào thực tiễn nhiệm vụ tại địa bàn qua những vụ tai nạn, vụ cháy, cây cối đổ gãy... mà đồng chí trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ”.
Hiểm nguy, thầm lặng
Ít ai biết rằng, ngoài nhiệm vụ chữa cháy thì lực lượng Cảnh sát PCCC TP Hà Nội còn có nhiều nhiệm vụ quan trọng khác như là cứu nạn, cứu hộ. Để nhiệm vụ này đáp ứng được với nhu cầu hiện nay, những người lính trực tiếp thực hiện đã phải ngày đêm đổ mồ hôi trên thao trường để có đủ kỹ năng, kiến thức và trình độ “chạy đua” với thời gian khi xử lý tình huống cứu người mắc kẹt.
Chứng kiến công tác cứu nạn trong vụ sập nhà tại số 43 phố Cửa Bắc đêm 4-8 có thể thấy, toàn lực lượng cứu nạn, cứu hộ của Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã chạy đua từng giây, từng phút. Hiện trường là những khối bê tông khổng lồ, phía dưới lại có người mắc kẹt. Phải thực hiện làm sao thật nhanh gọn mà vẫn cứu được người an toàn, đó là nhiệm vụ nặng nề đặt ra. Trong nhà có 9 người, khi sập đổ có 4 người chạy thoát được ra ngoài, còn 5 người bị mắc kẹt bên trong và bị vùi lấp dưới các lớp bê tông, gạch, vữa, sắt thép.
150 CBCS nhanh chóng triển khai các mũi để tiếp cận và đưa người mắc kẹt ra ngoài. Trong hàng giờ cứu nạn, những người lính cứu nạn phải liên tục đối mặt trong điều kiện cực kỳ nguy hiểm, vất vả, nặng nhọc. Khéo léo đưa từng khối bê tông, chuyển từng viên gạch nhỏ mau lẹ, cuối cùng 3 người bị thương nằm dưới đống đổ nát đã đưa được đến bệnh viện cấp cứu và qua cơn nguy kịch.
Nhớ lại từng đợt tham gia chữa cháy, cứu nạn tại địa bàn, Thiếu úy Hà Đức Khẩn nói: “Có những lúc lao vào trong phòng tìm kiếm người mắc kẹt, lửa bốn bên hồng rực, quần áo chuyên dụng, mặt nạ phòng độc đầy đủ nhưng đồng đội phải dùng vòi rồng phun nước để mở đường tiếp cận nơi nghi có nạn nhân mắc kẹt”.
Nguy hiểm và thầm lặng là những điều mà lực lượng cứu hỏa thường xuyên trải qua. Trong bất cứ vụ hỏa hoạn nào, đều có nguy hiểm. Bởi vì nhiệt lớn có thể sinh ra sập đổ cấu kiện bất cứ lúc nào, thế nhưng khi con tim mách bảo thì nhiệm vụ tìm kiếm luôn quyết tâm cao nhất để đưa được người mắc kẹt ra khỏi nơi nguy hiểm.
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết: “Cũng như việc tiếp nhận thông tin báo cháy, ngay sau khi tiếp nhận thông tin về sự cố, tai nạn và có yêu cầu cứu nạn, cứu hộ, Cảnh sát PCCC phải khẩn trương điều động lực lượng, phương tiện đầy đủ kịp thời đến hiện trường, nơi xảy ra tai nạn, sự cố để thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ”. Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã trực tiếp cứu được 382 người; tìm thấy 13 thi thể nạn nhân trong khi tổ chức cứu nạn, cứu hộ 63 vụ cháy, nổ, tai nạn giao thông, đuối nước, sập đổ công trình, tự tử…. Cùng với đó đã hướng dẫn thoát nạn cho gần 2.000 người trong các vụ cháy, nổ. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng đã tham gia, tổ chức cứu nạn, cứu hộ 43 vụ cháy, nổ, tai nạn giao thông, đuối nước, sập đổ công trình, tự tử, trực tiếp cứu được 72 người; tìm được 10 thi thể nạn nhân; ngoài ra đã hướng dẫn thoát nạn cho gần 50 người trong các vụ cháy, nổ.
“Xác định công tác cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ quan trọng, do đó, Ban Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã chỉ đạo chỉ huy các đơn vị quán triệt đến toàn thể CBCS thường xuyên luyện tập, sử dụng thành thạo các trang thiết bị cứu nạn, cứu hộ, đồng thời nâng cao các kỹ năng, chiến thuật cứu nạn, cứu hộ trong nhiều tình huống khác nhau như sự cố sập nhà, công trình, tai nạn giao thông đường bộ, sự cố tai nạn trên sông nước... Bên cạnh đó, đơn vị còn thường xuyên tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ cho các lực lượng dân phòng, phòng cháy và chữa cháy cơ sở, phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành và các lực lượng khác theo yêu cầu. Chú trọng đến công tác tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về công tác cứu nạn, cứu hộ, xây dựng phong trào quần chúng tham gia cứu nạn, cứu hộ”, - Đại tá Nguyễn Tuấn Anh cho biết.
Theo Đức Trí/Anninhthudo