Ở phường 5 và phường Thắng Nhì (TP.Vũng Tàu) có một số người làm nghề lặn biển. Đây là nghề đặc biệt, bởi công việc khó khăn và nguy hiểm luôn rình rập, nhưng vì cuộc sống gia đình, họ vẫn kiên trì bám nghề, bám biển mưu sinh.

 


10 giờ sáng một ngày trong tuần, đội lặn gồm 6 người nhanh chóng tập hợp đông đủ trên chiếc tàu của anh Nguyễn Ngọc Phước, ở đường Nguyễn Bảo, phường Thắng Nhì. Dưới cái nắng gay gắt, 6 người đàn ông lực lưỡng trong bộ áo lặn chuẩn bị cho chuyến lặn cạo hàu cho một tàu đánh cá. Dụng cụ của các thợ lặn rất thô sơ, gồm một máy hơi cũ kỹ để cung cấp không khí, một đôi dép và một cái áo lặn. Anh Phước, phân chia việc cho các thành viên trong nhóm, 3 người lặn cạo phía trước, 2 người cạo phía sau và 1 người ở trên tàu trông coi máy hơi. Sau khi 5 thợ lặn đã xuống nước, chúng tôi cùng anh Phước ở trên tàu vừa trông nom máy hơi vừa theo dõi thợ lặn. Cứ sau khoảng 30 phút có người nổi lên mặt nước để nghỉ, báo cáo tình hình công việc. Theo lời anh Phước kể, đôi khi hàu bám vào những nơi khó cạo, các anh phải vừa ngậm ống thở, vừa ôm vào thành tàu rồi kiên trì cạo từng mảng để làm sạch thân tàu, có nơi mảng hàu bám dày từ 5-10cm, tạo thành một mảng xù xì rất khó cạo. “Công việc này đòi hỏi người thợ phải hết sức khéo léo, thân các con hàu lại sắc nên tay thường xuyên bị rách, tứa máu” - anh Phước cho biết.

Ngoài cạo hàu, đội thợ lặn còn làm công việc tháo lắp chân vịt. Việc này nặng nhọc và khó khăn hơn nhiều so với cạo hàu. Để tháo lắp được chân vịt của tàu, các anh phải chia nhau, 3 người lặn xuống dưới để tháo, 2 người ở trên phụ đưa chân vịt lên tàu. 6 người đàn ông cao to vạm vỡ vật lộn với vật nặng hơn một tấn, kéo móc vào chân vịt để đưa vào bờ sửa chữa. Bà Lê Thị Hồng, chủ một đội 11 chiếc tàu đánh cào phường 5 cho biết: “Trước đây, mỗi lần cần sửa chữa hay tân trang tàu phải kéo tàu lên ụ rất tốn kém, vì vậy một số việc như cạo hàu, sửa chân vịt… nhờ thuê thợ lặn làm việc dưới nước nên chúng tôi tiết kiệm được cả chục triệu đồng một lần sửa chữa”.

Hiện nay, trên địa bàn phường 5 và phường Thắng Nhì có khoảng 20 người làm nghề thợ lặn. Trong đó, đa phần đều là người quen biết hoặc anh em họ hàng. Anh Phước bắt đầu làm nghề thợ lặn từ năm 17 tuổi, đến nay đã có hơn 20 năm trong nghề. Theo lời anh Phước, công việc vất vả nhưng thu nhập cũng chỉ đủ sống. Một đội thợ 6 người một ngày trung bình làm được 2 chiếc tàu, thời gian cạo hàu một chiếc khoảng 3 tiếng đồng hồ với giá 1 triệu đồng/chiếc, tháo lắp chân vịt hơn 2 tiếng đồng hồ với giá 2 triệu đồng. Như vậy, mỗi tháng thu nhập của thợ lặn khoảng 6-7 triệu đồng. “Lúc đầu, tôi làm thuê những việc vặt trên tàu, sau đó học lặn, tới khi lành nghề và tích cóp được ít vốn, tôi mua một chiếc ghe nhỏ để làm riêng” - anh Phước kể.

Không chỉ làm nghề ở gần bờ, những người thợ lặn còn được các chủ tàu thuê đi trục vớt tàu chìm. Anh Nguyễn Hiếu Trung, ở phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu, một thợ lặn với 20 năm kinh nghiệm vớt tàu chìm cho biết: “Khi được thuê đi vớt tàu chìm, nếu gần thì từ 5 ngày đến 1 tuần, còn xa, hoặc sang tận biên giới các nước như Malaysia, Thái Lan, Indonesia phải mất cả tháng, thu nhập cao hơn (1 triệu đồng/ngày) nhưng công việc cũng nhiều rủi ro hơn”.

Nghề thợ lặn làm quanh năm, giờ giấc không cụ thể, lúc nào nước lớn, chủ tàu gọi là các anh lại đi làm. Tai nạn đối với thợ lặn diễn ra như cơm bữa, dập ngón chân, ngón tay là chuyện thường, có anh em còn gãy xương tay, chân. Theo lời những người thợ lặn, nhiều khi đang làm việc mà máy bơm hơi bị hư, oxy không có để thở, ai bình tĩnh thì tìm được đường thoát, ai hoảng loạn thì uống no nước, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Đặc thù công việc cũng làm sức khỏe suy giảm nhanh chóng, bởi trong những mùa cao điểm, người thợ lặn có thể ngâm mình dưới nước bẩn hơn 10 tiếng đồng hồ một ngày, do đó nhiều người bị bệnh da liễu hay tai, mũi, họng. “Mặc dù công việc này nguy hiểm, cực khổ, thu nhập không cao, nhưng anh em thợ lặn vẫn kiên trì bám biển mưu sinh để nuôi sống gia đình” - anh Phước tâm sự.

 

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

.