Chầm chậm hòa mình vào biển lớn, dòng sông Phước Giang bao đời vẫn mang nặng phù sa, bồi đắp cho hoa màu các xã Hành Minh, Hành Nhân (Nghĩa Hành). Nơi ấy cũng lưu dấu lịch sử đấu tranh đánh giặc giữ nước oai hùng của quân dân nơi đây.

 

Ngược dòng lịch sử

 

Chiến tranh đã lùi xa. Vết tích đau thương giờ đã được hàn gắn. Thế nhưng, ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng người thương binh Nguyễn Tấn Trung, ngụ thôn Tình  Phú Nam, xã Hành Minh, vẫn hào sảng khi nói về những năm tháng sống và chiến đấu tại quê nhà.

 

Miền quê thanh bình bên dòng Phước Giang.
Miền quê thanh bình bên dòng Phước Giang.

Viết nên kỳ tích trong thời đại mới


Khi chia sẻ về sự thay da đổi thịt của quê hương mình, ông Trịnh Hường (93 tuổi) một lão thành cách mạng năm nay đã 60 tuổi Đảng ngụ thôn Đồng Vinh, xã Hành Nhân cười mãn nguyện: "Sinh ra trong thời kỳ chiến tranh, tuổi trẻ của chúng tôi thời đó theo cha anh đi đánh giặc giữ nước. Bây giờ thì có điều kiện hơn nhiều, tôi hy vọng rồi đây quê hương mình sẽ ngày càng phát triển, viết nên những kỳ tích trong thời đại mới".

 

Ông Trung kể: "Tôi tham gia cách mạng năm 1963. Khoảng thời gian 1966 - 1967, địch đưa quân vào càn quét Nghĩa Hành. Tại Hành Minh, chúng đóng quân ở Gò Xoài. Đây là địa bàn mà bộ đội ta rất khó tấn công, vì địa hình khá trống trải, bằng phẳng. Hơn nữa, lúc này lực lượng của ta còn khá mỏng. Có thời điểm  đơn vị chỉ có sáu người, nhưng với tinh thần "một tấc không đi, một ly không rời", chúng tôi dùng chiến thuật phòng ngự, dựa vào dân để sống và chiến đấu. Ban đêm, trên dòng Phước Giang, chúng tôi vẫn âm thầm vận chuyển vũ khí. Bên lằn ranh sinh tử ấy, chiến sĩ ta quả cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Nhiều đồng chí đã hy sinh. Riêng tôi bị địch bắt và đày ra nhà tù Phú Quốc từ năm 1969 đến năm1973. Sau khi trở về, tôi tiếp tục tham gia cách mạng cho đến ngày giải phóng".

 

Muốn biết thêm về lịch sử đấu tranh của quân và dân sống bên dòng Phước Giang, chúng tôi tìm gặp ông Đoàn Pháp Luật, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hành Nhân. Bởi ông là người biết nhiều về lịch sử đấu tranh của quê hương mình. Kể về trận đánh thắng Mỹ đầu tiên trên đất Nghĩa Hành, ông Luật chia sẻ, đó là khoảng thời gian đầu năm 1966, Mỹ- ngụy tổ chức càn quét vào các huyện phía nam của tỉnh. Trên địa bàn Nghĩa Hành, chúng đánh dữ dội vào vùng tây nam, sử dụng một lúc 3 tiểu đoàn ngụy, có máy bay yểm trợ, xe cơ giới đổ quân, xe tăng chà xát. Lúc này bộ  đội huyện cùng du kích chặn đánh địch, diệt hơn 40 tên Mỹ, khiến địch vô cùng hoang mang, khiếp sợ. Chiến thắng này đã gây được tiếng vang, cổ vũ tinh thần, tạo niềm tin rất lớn vào cách mạng của nhân dân ta.

 

Ông Luật cho biết thêm, trong thời kỳ kháng chiến, xã Hành Nhân cũng trở thành An toàn khu được các ngành, các cấp tin cậy. Nhiều cơ quan như quân y, dân y, báo chí, in ấn, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lần lượt về đóng ở Hành Nhân. Trường Trung học bình dân miền Nam Trung Bộ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng sáng lập và làm Hiệu trưởng danh dự cũng đóng ở Hành Nhân.

 

Bệ phóng từ quá khứ

 

Ông Phan Thanh Trinh- Phó Chủ tịch UBND xã Hành Minh chia sẻ, trong phong trào 1930-1931, xã Hành Minh là nơi có nhiều bậc hiền tài yêu nước quy tụ, nhất tề đứng lên đánh giặc giữ nước. Hạt giống cách mạng đã nảy mầm trên mảnh đất Hành Minh từ những ngày đầu kháng chiến của dân tộc. Và cho đến giờ, thế hệ con cháu như chúng tôi biết “tựa mình” vào quá khứ hào hùng ấy của cha ông, để tiếp tục phát huy trên nhiều lĩnh vực. Ông Minh cho biết thêm, năm 2015 Hành Minh được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân của xã đạt trên 23 triệu đồng/người/năm.

 

Xuôi theo dòng Phước Giang trù phú về xã Hành Nhân, nơi nổi tiếng là vùng đất hiếu học vào hàng bậc nhất của tỉnh. Nghe hỏi về chuyện học của quê mình, ông Nguyễn Tấn Thanh - Trưởng thôn Bình Thành vồn vã cho hay: "Chỉ tính riêng trong thôn đã có sáu người là tiến sĩ, còn thạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư thì không đếm xuể. Nghe các bậc cao niên kể lại, thì từ thời phong kiến, nhân dân ở đây đã lấy đạo học làm gốc. Vậy nên, nhà nào có con cháu công thành danh toại từ con đường học vấn, rất được nhân dân trong vùng nể phục".

 

Về kinh tế, nhân dân Hành Nhân làm nông nghiệp là chủ yếu. Lũ lớn từ dòng Phước Giang thường xuyên gây thiệt hại mùa màng. Thế nhưng, cũng chính dòng Phước Giang đã mang lại những hạt phù sa, như trả món nợ ân tình cho người dân nơi đây. Hiện nay, ở Hành Nhân, người dân đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn trồng nhiều loại cây trồng mới như chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh… cho năng suất cao. Đến nay, Hành Nhân đã đạt 15/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới".

 

Theo Báo Quảng Ngãi

.