(BVPL) - Nguồn nhân lực qua đào tạo có chất lượng cao là yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất lao động và góp phần thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa ở nước ta. Tuy nhiên, hiện nay mức độ đáp ứng của sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo còn hạn chế so với yêu cầu của doanh nghiệp. Yếu kém này càng đáng lo ngại trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay.
 


Không thể phủ nhận là chất lượng đào tạo lao động ở nước ta những năm qua đã có nhiều cải thiện đáng kể và bám sát hơn với yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Ví dụ, cùng với sự đầu tư mạnh của doanh nghiệp Nhật Bản vào nước ta, Trường đại học Bách Khoa Hà Nội đã có 36 văn bản hợp tác được ký kết với các trường, viện đào tạo của Nhật Bản, 17 thỏa thuận với các công ty Nhật Bản. Hàng năm có hơn 30 doanh nghiệp Nhật Bản tới thăm và có các đề xuất hợp tác với trường. PGS.TS Phạm Hoàng Lương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội khẳng định: Thực tế cho thấy, với chương trình đào tạo hiện nay thì cần thiết phải có sự hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp trong vấn đề xây dựng các chương trình thiết kế các phòng thí nghiệm, tạo điều kiện cho sinh viên có nhiều thời gian tiếp xúc được với những kiến thức thực tế, có nhiều thời gian tham gia các hoạt động nghiên cứu thực tập tại các doanh nghiệp, trên cơ sở đó có thể tạo dựng và củng cố các kỹ năng mềm của sinh viên để sau khi tốt nghiệp có thể làm việc rất nhanh, hòa nhập rất nhanh với môi trường làm việc trong công nghiệp.      
 
Tuy nhiên, ông Toma Massaski, Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nhận định: Hợp tác đào tạo hiện nay ở Việt Nam mới chỉ là sự chủ động liên kết của các trường với doanh nghiệp. Trong khi đó, để phục vụ phát triển công nghiệp hóa và tham gia hội nhập quốc tế và mở cửa thị trường thì cần có sự định hướng mạnh mẽ và cụ thể của Chính phủ gắn với chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn của quốc gia. Theo đó, ông Toma Massaski kiến nghị cần có đầu mối quốc gia để thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường đào tạo, tránh tình trạng trách nhiệm chung nên hiệu quả thấp như hiện nay. “Để nắm giữ vai trò điều phối thể hiện sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, giữa hai Bộ: Lao động Thương binh và Xã hội hay Giáo dục & Đào tạo thì Bộ nào làm cũng được. Vấn đề quan trọng là phải xác định được đầu mối và làm thế nào để đạt được mục đích hình thành cơ chế đào tạo tạo nên đội ngũ nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động”.

Như vậy, cần sớm xác định cơ quan điều phối liên kết đào tạo nhân lực cấp quốc gia để từ đó xây dựng tầm nhìn dài hạn về nguồn nhân lực làm cơ sở đào tạo ngay từ thời điểm hiện tại về các giải pháp cụ thể.
 

Sĩ Nguyên

.