Thành phố gần 9 triệu dân nhưng chỉ “đếm trên đầu ngón tay” số người làm cái nghề nghe qua đã thấy “ớn lạnh”: nghề thu gom… xác. Một công việc lắm vất vả, thừa độc hại, nguy hiểm mà lương lại quá thấp.
Ít ai biết, để có những thi thể sạch sẽ cho sinh viên y khoa thực tập phẫu thuật trước khi trở thành thực thụ, các y công đã phải vất vả thế nào với các xác hiến tặng.
|
Những bộ xương này là sản phẩm do các y công tạo ra sau rất nhiều công đoạn phức tạp. |
Không sợ mới lạ
Sau khi kỳ rửa tỉ mỉ hết từ đầu tới chân, anh y công lật úp cái xác lại, cẩn thận cho xà bông lên mái tóc gội thật sạch rồi đưa bàn chải xuống cổ, xuống lưng và cuối cùng là đôi gót chân. Vừa xối nước anh vừa sờ khắp người thi hài một lần nữa đến khi không còn một vết bẩn mới bế cái xác sang chiếc băng ca cho ráo nước.
Trước thi hài người phụ nữ chỉ còn một núm vú và da có màu vàng hơn những cái xác khác, anh Nguyễn Tấn Hiền - nhân viên của đội thu gom xác tại Trường Đại học Y Dược TP.HCM giải thích, do người này bị ung thư vú biến chứng sang gan nên mới bị như vậy. Không một chút ghê sợ, anh tiếp tục chăm chút cái xác tận tụy như thể đó là người thân của mình.
Đùng một cái, có tiếng động phát ra từ chiếc thùng xác anh đang cọ rửa làm chúng tôi giật bắn người. Anh Hiền cười hề hề: “Sợ cái xác cục cựa hả? Không sợ mới là chuỵên lạ. Hồi mới vô làm tôi cũng ớn lạnh. Ghê nhất là lần đầu bơm thuốc vào xác, hai cánh tay thi thể tự nhiên đưa lên làm tôi muốn xỉu”.
Cả gian phòng bao trùm một mùi formol (chất bảo quản xác) nồng nặc. Vừa lau chùi cho cái xác tiếp theo, anh Hiền vừa nói tỉnh bơ: “Nhiêu đây nhằm nhò gì, trước mùi nó gắt gấp mười lần thế này. Ngửi riết quen, không nghe mùi gì nữa”. Trong phòng, còn 52 thi hài khác đang nằm chờ anh đến tắm.
Vất vả, nguy hiểm và độc hại
Mang tiếng là làm giờ hành chính, nhưng bất cứ khi nào hễ có người gọi đi nhận xác là các anh phải tất tả lên đường ngay. Khu vực nhận xác được giới hạn từ Khánh Hòa trở vào các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Có năm mới mùng 2 Tết các anh đã phải rời nhà ra tận miền Trung để thu nhận xác. Có tháng cao điểm nhận liên tục 7 thi thể ở các tỉnh xa, anh em chạy phờ cả người.
Xác ở thành phố có thể từ từ xử lý, nhưng những xác ở tỉnh mang về phải xử lý ngay vì theo quy định phải bơm dung dịch bảo quản trước 24 giờ để nội tạng không bị hôi rữa. Anh Đỗ Thành Nhân, đội trưởng đội thu gom xác kể, có gia đình giữ xác khá lâu rồi mới báo, khi mang về các bộ phận bên trong đã bị hư hỏng, lúc bơm dung dịch thì từ mũi, miệng thi thể trào ra mùi hôi thối không chịu được. Xử lý xác được coi là khâu nguy hiểm nhất vì phải tiếp xúc trực tiếp với xác tươi mới vừa chết, khả năng lây nhiễm rất cao.
Theo anh Nhân, tuy cam kết không nhận những thi hài bị bệnh nhiễm và HIV, nhưng do họ đăng ký từ trước khi phát bệnh nên việc phát hiện là rất khó. Do quanh năm phải đối diện với xác chết, dung dịch, hóa chất nên hầu như ai cũng mắc phải các bệnh lao phổi, viêm xoang…
Xác sau khi được lau chùi sạch sẽ, bơm thuốc xong xuôi được cho vào ngâm hóa chất bảo quản. Mổ thực hành xong, sinh viên sẽ may xác lại đợi người nhà đến làm lễ hỏa táng. Trường hợp người nhà không lấy lại xác, các y công tiếp tục “làm sạch” và ráp lại thành bộ xương hoàn chỉnh cho sinh viên nghiên cứu. Tuy đơn giản, nhưng đây là khâu gây ám ảnh nhất cho các nhân viên mới vào nghề. Không chỉ phải nhẫn nại, tỉ mỉ qua từng lỗ đục, mũi kẽm mà các y công còn phải có kiến thức nhất định về cơ thể con người cũng như vị trí các cơ, khớp mới có thể ráp thành một bộ xương hoàn chỉnh cho sinh viên nghiên cứu. Có bộ xương sụn rơi rớt lung tung phải mất mấy tháng trời mới ráp xong.
Bằng mọi giá không bỏ xác
Niềm vui của các anh chỉ đơn giản là thấy các bạn sinh viên hứng thú thực hành trên những sản phẩm do chính tay mình làm nên. Niềm vui ấy nhân lên sau mỗi lần mang về thêm một thi thể. Có xác mang về “chảy máu con mắt” chứ chẳng chơi. Sáu anh em trong đội còn nhớ như in cái hôm nhận xác ở Bến Tre tầm hai tháng trước. Trời thì mưa, đường lầy lội, cỏ mọc cao hơn người, dùng đuốc quơ quơ liên tục mới dò được đường đi. Nhà có xác hiến ở tít sâu trong một xóm heo hút, cách chỗ để xe hơn 500m. Vào đến nhà thì cái xác bốc mùi hôi thối, kiến bu tùm lum, lau một hồi lâu mới sạch.
Đến khi sắp đưa cái xác ra xe cả đội mới sực nhớ, cây cầu khỉ chông chênh một người đi đã khó làm sao bốn anh em khiêng cái băng ca ra được. Rốt cục, anh Nhân phải liều mình vác cái xác sau lưng mà vượt cầu khỉ. Tay phải vịn cầu, tay trái lo giữ xác, hai chân bám víu vào hai cây cau mò mẫm từng bước. Cuối cùng cũng qua được bờ bên kia. Anh Nhân nói quả quyết: “Lúc đó nhắm không vác được thì mấy anh em sẽ đứng song song từng cặp làm cái cầu, chuyền xác qua. Dù khó khăn cách mấy cũng không được bỏ xác”.
Vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng không phải ai cũng hiểu được sự hy sinh của các anh. Một số người làm dịch vụ mai táng còn nghĩ các anh cướp đi miếng cơm của họ nên gọi điện phá suốt. Dù vậy, chưa bao giờ các anh dám khóa máy, điện thoại phải để 24/24 phòng trường hợp có người gọi đi lấy xác là chạy đi ngay. Song, với các anh buồn nhất là do một số lý do khách quan, người khác hiểu lầm, chỉ trích mình thiếu trách nhiệm, bỏ không thèm nhận xác.
|
Anh Hiền đang tắm gội xác. |
Nghèo, ừ thì mặc kệ nghèo
11 giờ trưa, chú Dõng, năm nay 57 tuổi, lục tục đi vo gạo nấu cơm cho anh em. Bữa ăn 6 người đàn ông chỉ có hơn hai lon gạo, một tô canh bí đỏ và mấy con cá bống. Chú Dõng nói, anh em được công đoàn cấp cho 400.000 đồng tiền ăn trưa, nhưng tụi tui ăn vầy thôi, để dành tiền đó đem về cho bà xã và bọn trẻ.
Nhắc tới đồng lương, ai cũng lắc đầu. Với thâm niên 20 năm trong nghề, lương của chú Dõng hiện nay chỉ vẻn vẹn 1,6 triệu đồng. Người có lương cao nhất là anh Nhân, cũng chỉ có 2 triệu đồng. Anh Nhân chia sẻ: “Nếu vì đồng tiền thì tôi đã không làm ở đây. Tuổi của tôi, ra ngoài không thiếu việc làm, giả dụ làm thợ hồ một ngày tệ lắm cũng được trăm ngàn. Tôi làm công việc này chỉ vì tôi yêu nó. Tôi không chắc mình còn đủ sức làm đến khi về hưu không, chỉ biết còn làm đến chừng nào hết làm được mới thôi”.
Bác sĩ Phan Bảo Khánh, Phó Chủ nhiệm bộ môn Giải phẫu học, Trường Đại học Y Dược TP.HCM chia sẻ: “Cái nghề này không có tâm thì không thể nào làm được. Phía nhà trường đã cố gắng hết sức để hỗ trợ tối đa về mặt kinh tế cho anh em. Tất cả các buổi đi lấy xác dù là trong giờ vẫn tính ngoài giờ, chi phí ăn uống dọc đường đều được chi trả hẳn hoi. Tuy nhiên, tôi hiểu mức lương Nhà nước hiện nay thật chưa tương xứng với công lao các anh bỏ ra. Chúng tôi rất lo lắng về nguồn nhân lực kế tiếp trong tương lai”.
Cái nghề “rùng rợn” này không dành cho phụ nữ, không dễ lôi kéo người ngoài vào làm. Chính vì thế, tổ có 6 người thì có đến 5 người là bà con ruột rà của nhau. Riêng nhà anh Nhân đã có ba đời thu gom xác. Nhiều người đến rồi đi, chỉ có những người có tình yêu với y học và nặng nợ với đời là còn ở lại.
Sau 10 năm hoạt động, Trường Đại học Y Dược TP.HCM đã tiếp nhận hơn 200 xác hiến trong tổng số 10.000 người đăng ký hiến xác. Mỗi năm, gần 30 xác được sử dụng để thực hành phẫu thuật. Ngày 27/2, ngày vinh danh các y bác sĩ cũng là ngày dành để tri ân những người y công, những người đã tình nguyện hiến thi hài cho việc nghiên cứu khoa học và đào tạo y khoa.
Theo Đời sống & Tiêu dùng