Từ khi tham gia vào mô hình bán hàng đa cấp của CTCP Liên kết Tri thức K-Link (gọi tắt là K-Link), chị Huệ như trúng phải bùa mê thuốc lú, đi biền biệt cả ngày, bỏ chồng và 2 đứa con thơ dại không ai chăm sóc.
Thế rồi cuộc sống yên ấm của vợ chồng anh chị suốt 5 năm qua đã bị thay đổi từ khi chị Huệ bỏ cửa hàng đi theo học bán hàng đa cấp.
Anh Sinh kể, cách đây khoảng 1 tháng, chị Huệ được một ông anh họ vốn làm ở công ty xi măng rủ đi học bán hàng đa cấp và tính nết chị thay đổi hoàn toàn.
Những ngày mới đầu, chị cứ lặng lẽ đi mà không nói gì với chồng, anh hỏi đi đâu, chị cũng nhất định không nói. Mãi sau này anh Sinh mới biết vợ đi học bán hàng đa cấp của công ty K-Link.
Lúc đầu, chị Huệ chỉ đi nửa ngày, nửa ngày về nhà cho con bú. Nhưng sau thì chị đi biền biệt luôn từ sáng đến tối, đứa lớn thì bỏ mặc cho anh Sinh chăm sóc, còn đứa nhỏ thì gửi lên bà ngoại.
Việc nhà thì anh Sinh phải lo tất, nên rất lôi thôi, luộm thuộm, quần áo bẩn có khi thay ra cả tuần không giặt, bốc mùi hôi rất khó chịu.
Mỗi tuần chị Huệ học 2 buổi ở Uông Bí và 2 buổi ở Mạo Khê, những ngày còn lại thì học nhóm. Nói chung mỗi tuần cùng lắm thì có 1 – 2 ngày không đi học.
Từ ngày đi học, chị Huệ cũng biết “đỏm dáng” hơn xưa, thích ăn mặc đẹp, đánh phấn son. Thậm chí, có lần còn nịnh chồng mua cho điện thoại đẹp, kiểu cảm ứng để dễ làm việc hơn.
“Cả tháng nay vợ tôi không biết đến đi chợ là gì, một bữa cơm ngon cho chồng con cũng không có. Toàn mua đồ ăn sẵn hoặc ăn mỳ gói. Tối những hôm trước khi đi học, vợ tôi thường mang thằng bé lên nhà bà ngoại rồi ngủ luôn ở đấy”, anh Sinh nói.
Cuộc nói chuyện với chúng tôi bị cắt ngang vì cuộc điện thoại của vợ anh. Nghe qua cuộc điện thoại thì vợ anh nói không đi chợ vì hết tiền. Hết tiền không hỏi chồng vì không thích.
Vừa cúp máy, anh Sinh lại buồn rầu: “Vợ em nó gọi bảo nhà không còn gì ăn, cũng không đi chợ vì hết tiền. Em có bao giờ không đưa tiền cho vợ em đâu, chẳng qua là nó lấy lý do. Đi học liên miên như thế, thì đi chợ lúc nào?”.
Rồi chìa điện thoại cho chúng tôi xem ảnh thằng bé 7 tháng tuổi, anh Sinh tiếp: “Hồi xưa thằng nhỏ nhà em bụ bẫm lắm, nhưng giờ gầy xọp đi, cả cánh tay thì sưng vù lên vì bị côn trùng đốt. Vợ em thì hình như không thấy xót hay sao ấy, có nhiều lúc em còn có cảm giác cô ấy không muốn có thằng thứ hai này để thoải mái đi học”.
Theo anh Sinh, đứa lớn từ ngày chị Huệ đi học bán hàng đa cấp, đều một tay anh chăm sóc. Ăn cơm thì hoặc là ăn ở ông bà nội hoặc là bên ông bà ngoại. Những bữa cơm ở nhà thì chỉ toàn đồ ăn sẵn hoặc mỳ tôm.
Chìa tấm ảnh về bữa cơm tối với 2 món là canh rau và mỳ tôm xào rau cho chúng tôi xem, anh Sinh nói: “Đấy tối qua vợ em nấu đấy. Cả tháng nay chưa có bữa nào ngon cả”.
Do quán sửa xe của anh Sinh ở gần chợ, nên thông thường anh phải mở cửa hàng từ 6 giờ sáng và từ 6 – 8 giờ sáng là khoảng thời gian đông khách nhất. Thông thường, trước kia chỉ tính buổi sáng, anh đã kiếm được 300.000 – 400.000 đồng. Nhưng cả tháng nay, do phải đưa con gái lớn đi học, nên 8 giờ anh mới mở quán. Và vì vậy, thu nhập buổi sáng chỉ còn khoảng 100.000 đồng.
Dù không hiểu rõ là kinh doanh đa cấp, nhưng nghe nhiều người nói đó là mô hình dạy người ta cách lừa đảo, nên anh Sinh đã nhiều lần khuyên nhủ vợ không nên tham gia nữa.
Mỗi lần như vậy, anh chỉ nhận được câu trả lời giận dỗi, không hài lòng của vợ: “Anh không hiểu em. Đi học em mới mở mang được đầu óc, mới có ước làm giàu và làm giàu nhanh được. 1 -2 năm nữa, em sẽ mua được ô tô”.
Không chỉ vậy, chị Huệ còn lấy dẫn chứng về 1 chị doanh nhân rất thành đạt của K-Link, nhưng lúc đầu khi tham gia mô hình cũng bị phản đối. Thậm chí về đến nhà còn bị chồng đuổi, cho ngủ ngoài hành lang, mưa gió cũng mặc kệ. Và chị cho rằng, ngành nghề này ai không hiểu mới nói như thế và cho rằng chồng mình kém hiểu biết.
“Cái đa cấp này hình như người ta dạy con người tất cả các tình huống hay sao ấy. Ngay cả chuyện bị chồng phản đối họ cũng đã lên trước kế hoạch rồi”, anh Sinh chia sẻ.
Theo anh Sinh, từ ngày theo học, chị Huệ lúc nào cũng tỏ ra là người giỏi giang, khinh chồng ra mặt. Có lần chị hỏi chồng: “Anh có biết tại sao con người chết sớm hơn không? Vì hồi xưa các cụ ăn uống đúng cách, ăn thức ăn có kiềm nhiều hơn axit, còn giờ thức ăn toàn axit nhiều hơn kiềm”.
Khi anh Sinh hỏi chị sâu hơn, kiềm và axit là gì? Thì chị ậm ừ không trả lời được.
Muốn can ngăn vợ, có lần vì ức chế, anh Sinh trót nặng lời, chị Huệ liền nói: “Với em sự nghiệp và gia đình phải cân bằng mới có ý nghĩa. Nếu sự nghiệp không có thì cuộc đời cũng không có ý nghĩa gì”.
Rồi chị giận, bỏ cả tuần về nhà mẹ đẻ. Khi anh nhắn tin làm lành thì chị chỉ lạnh lùng: “Thôi vợ chồng mình cứ thế đi, miễn là tốt cho con cái”.
Chị Huệ cũng vốn là một phụ nữa ngoan hiền, thật thà, không biết nói bậy bao giờ, nhưng gần đây có lần thằng bé nhỏ khóc, chị liền nổi cáu và chửi bậy “Mẹ mày”.
“Tôi đã khuyên nhủ hết lời rồi, nhưng vợ tôi không nghe, giờ tôi sắp mất vợ, gia đình thì lục đục, tôi không biết làm thế nào để vợ tôi hiểu nữa”, anh Sinh nhăn nhó.
Anh Sinh nói, có bà chị họ của 1 người bạn trước kia giàu có lắm, cách đây 5 – 6 năm đã có nhà lầu, xe hơi, nhưng chỉ vì đi làm đa cấp rồi mất sạch tài sản, phải đi sống tha phương.
“Tôi không rõ công ty đa cấp của vợ tôi có phải là lừa đảo không, nhưng mong quý báo vào cuộc để vợ tôi sớm tỉnh ngộ”, anh Sinh thiết tha đề nghị.
Đón đọc kỳ 2: Đa cấp dùng 'bùa' gì mê hoặc lòng người?
Theo VTC