Đi bất cứ chợ phiên nào ở huyện Tân Lạc (Hòa Bình), người ta cũng cảm thấy đau lòng, tiếc nuối cho một nét văn hóa truyền thống của vùng cao đang bị xâm lấn bởi muôn vàn chủng loại hàng dởm, ôi thối.
Đổ xô mua hàng rẻ
Tại chợ phiên Ngọc Mỹ (xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc), tình trạng xâm lấn của hàng hóa giá rẻ, không đảm bảo chất lượng cũng chẳng kém cạnh chợ Phú Cường. Mỗi khi nghĩ về chợ của quê hương mình, ông Bùi Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ lại tỏ ra ngao ngán: “Dân cứ thấy cái gì rẻ là mua thôi. Ví dụ như gà lậu đấy, người ta nhập từ Trung Quốc đưa về đây bán với giá hơn gần 40.000 đ/kg, chưa bằng một nửa gà ta thì ai chẳng vồ vập. Người thành phố, thành thị, công nhân, viên chức còn lo đến sức khỏe, lo ăn sao cho ngon, chứ ở đây cốt no cái bụng là tốt rồi.
Nếu buổi sáng sớm mà đi xe máy từ đây lên ngã ba Mãn Đức (thị trấn Mường Khến) thì kiểu gì cũng gặp mấy cái xe ô tô từ những nơi khác chở nội tạng ôi về đây giao buôn. Họ đổ ra hàng đống trên nền xi măng, chẳng cần lót bạt làm gì. Dân buôn từ khắp các ngả đường tranh nhau mua, sau đó rửa lại và đem ra chợ bán. Ai muốn gan, ai muốn phổi… thì bán cái đấy. Dân mình khôn lắm, có tiền chẳng dại gì mà mua những thứ ấy ăn đâu, hoàn cảnh khó khăn bắt buộc phải dùng thôi”.
Ông Dương cho biết, toàn xã Ngọc Mỹ có 1.400 hộ với 6000 nhân khẩu. Tuy không phải là xã 135 nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 29%. 70% thu nhập dựa vào trồng trọt, chăn nuôi. Mấy năm gần đây, tác động của suy thoái kinh tế khiến giá nông sản chạm đáy. Trong khi đó, các mặt hàng phân bón, thóc giống, vật tư nông nghiệp cứ theo đà tăng vùn vụt chẳng bao giờ thấy hạ. Nông dân làm quần quật ngoài nương ruộng quanh năm vẫn chả thấy túi tiền thêm đầy. Đất là vàng, nhưng giờ không còn giá trị. Trồng trọt điêu đứng đã đành, nhưng đến chăn nuôi cũng lỗ thảm thê thì quả thật là dân hết cửa sống.
Chẳng nói đâu xa, gia đình ông Chủ tịch xã Bùi Văn Dương được xếp vào diện nuôi lợn quy mô lớn nhất xã với 20 lợn nái và vài chục lợn thịt. Thời điểm năm 2010, giá lợn hơi B40 có lúc lên tới 130.000 đ/kg, đầu ra lại thuận lợi nên kiếm được bộn tiền. Nhưng thời điểm hiện tại, giá lợn thịt tụt dốc không phanh, có lúc chỉ còn 32.000 - 33.000 đ/kg, so sánh tương quan giữa thu và chi thì âm vốn. Hiện tại, gia đình phải cho ăn cầm chừng ngày hai bữa (10 giờ sáng và 6 giờ chiều) để tiết giảm tối đa chi phí. Không biết trại lợn của gia đình ông còn cầm cự được đến bao giờ.
Người nông dân ngày càng trở nên khó khăn. Trong khi đó, các loại hàng hóa khác lại tăng giá vùn vụt. Trước đây, một gói mì tôm chỉ 3.000 đ thì nay lên tới 5.000 đ. Thế nên, không khí nhộn nhịp, đông vui của chợ cứ mất dần, mất mòn. Những bàn thịt tươi ngon ngày nào giờ buộc phải chuyển sang gà lậu, nội tạng, cá mắm… rẻ tiền mới mong bán được.
Mỗi buổi chợ, ông Bùi Văn Thuận nhập khoảng 20 kg cá để bán. Hôm nay chợ vắng người, ông ngồi đến 10h30 mà vẫn ế 5 con cá mè, trôi. Tất cả số cá chết ấy ông cho vào thùng đá mang về bảo quản trong tủ lạnh, gom vài ngày cho đủ tấm, đủ món thì đèo lên vùng sâu, vùng xa bán chỉ bằng nửa giá. Thấy rẻ, dân mua hết.
Ế ẩm nhất vẫn là gian hàng quần áo của bác Nguyễn Văn Dũng, quê ở xã Hoài Chính, Chương Mỹ (Hà Nội). Cả buổi chợ, bác chỉ bán được 2 bộ quần áo trẻ con giá 80.000 đ/bộ, lãi 46.000 đ. Bác bảo: “Quanh cái vùng Lạc Sơn này đa phần còn nghèo đói lắm, nên chưa cần mặc đẹp đâu. Chiều nay tôi phải đèo hàng lên chợ Bóp bán may ra kiếm đủ tiền chi trả thuế chợ và mua chút thức ăn cho gia đình”.
Theo Phùng Minh Phúc
NNVN