(BVPL) - Trong xu hướng phát triển của thời đại hiện nay, nghề chăm sóc sức khỏe cho người ốm tại các bệnh viện ngày càng phát triển. Mọi người vẫn quen gọi nghề này là nghề ôsin bệnh viện. Tuy nhiên, để tồn tại được với nghề này, sự cạnh tranh giữa các nhóm là vô cùng khốc liệt. Thậm chí, những người làm trong nghề phải chấp nhận một “luật ngầm” nếu muốn tồn tại. Hiện, nghề ôsin bệnh viện vẫn là một nghề tự phát. Vậy câu hỏi đặt ra là các bệnh viện có nên cân nhắc việc quản lý lực lượng này?
Cạnh tranh “ma mới - ma cũ”
So với nhiều nghề, nghề chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện có thu nhập khá cao mà không đòi hỏi các điều kiện khắt khe về chuyên môn, chỉ cần người làm khỏe mạnh, cẩn thận, trung thực và tốt bụng. Mấy năm trở lại đây, nghề ô sin bệnh viện phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, nếu không đi sâu vào thực tế thì ít ai biết được rằng nghề này cũng trải qua vô vàn những khó khăn và tình huống dở khóc dở cười.
Theo ghi nhận, hiện nay ở hầu hết các bệnh viện lớn của Hà Nội như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Việt Đức… xuất hiện một lực lượng hùng hậu luôn túc trực để sẵn sàng đứng ra nhận chăm sóc bệnh nhân mỗi khi người nhà có nhu cầu. Thực tế, đội quân giúp việc tại các bệnh viện này đã được hình thành từ rất lâu. Thông thường, giá cả cũng tùy vào mức độ nặng, nhẹ của bệnh nhân và kinh nghiệm của người chăm sóc. Người làm được việc, lại có kinh nghiệm thì tiền công dao động từ 200.000 – 250.000 đồng/ngày, người mới làm từ 130.000 – 150.000 đồng/ngày.
Bệnh viện Hữu Nghị là bệnh viện đặc biệt chuyên chăm sóc cho cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước. Do đó, bệnh nhân cao tuổi chiếm phần lớn với nhiều bệnh mãn tính như: tiểu đường, hen suyễn, tim mạch, ung thư... và thời gian nằm điều trị tại bệnh viện thường kéo dài.
Hầu hết con của những bệnh nhân này đều bận đi làm, không có thời gian chăm sóc bố mẹ nên rất cần thuê người giúp việc. Đó là lý do khiến dịch vụ chăm sóc bệnh nhân cực kỳ phát triển tại đây. Nhiều nhất là Khoa Nội A, sau đó đến Khoa Điều trị theo yêu cầu, Khoa Tiêu hóa, Tim mạch, Thần kinh…
Nhìn bề ngoài, nghề ô sin bệnh viện có vẻ như thu nhập khá lại không lo thất nghiệp. Tuy nhiên, phải thâm nhập sâu vào nghề thì mới biết nội tình cũng nhiều uẩn khúc mà người trong nghề thường gọi là “luật ngầm”.
Thông thường những người làm nghề này trong cùng một bệnh viện thường tập trung lại tạo thành từng nhóm, và mỗi nhóm đều có nhóm trưởng, nhóm phó. Chị Minh, một người làm nghề ô sin ở Bệnh viện Bạch Mai gần 10 năm cho biết, hiện tại ở đây có khoảng 7 nhóm người giúp việc cho người nhà bệnh nhân. Thường thì mỗi người đều phải tự tìm cho mình một nhóm làm việc phù hợp. Với những bệnh nhân nặng thì người nhà thường phải thuê 2 người để thay nhau chăm sóc bệnh nhân. Theo chị Minh thì thị trường ô sin bệnh viện ít khi giảm mà chỉ tăng lên do thu nhập từ nghề này khá cao.
Tuy nhiên, để được vào nhóm này thì người mới vào nghề phải khá chật vật và vất vả. Thông thường là phải có người quen giới thiệu thì mới được phép hoạt động tại bệnh viện đó. Và tất nhiên khi vào nhóm thì cũng phải tuân theo những nguyên tắc hoạt động cũng như sự ăn chia của nhóm.
Theo tìm hiểu thì sự cạnh tranh giữa các nhóm khá khốc liệt và ồn ào. Theo chia sẻ của một số người làm ở đây thì mối quan hệ giữa các thành viên cùng một nhóm thường khá tốt nhưng quan hệ giữa các nhóm với nhau hay xảy ra xô xát, thậm chí chuyện người này nói xấu người kia thường xuyên xảy ra. Có những người do cẩn thận, chăm chỉ lại có kinh nghiệm nên làm không hết việc, trong khi nhiều người mới vào nghề không có việc làm nên giữa họ đôi khi cũng có những xô xát.
Cân nhắc việc quản lý?
Ai cũng biết, nhu cầu thuê người chăm sóc bệnh nhân sẽ ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, hiện nay những người làm nghề chăm sóc bệnh nhân ở hầu hết các bệnh viện chỉ xuất phát từ nhu cầu tự phát. Họ không được học những kỹ năng chăm sóc bệnh nhân một cách chuyên nghiệp mà làm việc chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của bản thân. Điều đó khiến cho chất lượng dịch vụ này rất bấp bênh, người làm tốt thì luôn nghe ngóng chỗ nào trả lương cao hơn để “nhảy”, người làm không tốt thì gây phiền toái cho bệnh nhân.
Theo TS. Bùi Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị, Trưởng khoa Nội A: Hiện nay, toàn bệnh viện có khoảng hơn 500 bệnh nhân nội trú chủ yếu là người cao tuổi. Con cái đi làm không thể trông bố mẹ được nên việc thuê người giúp việc chiếm đại đa số. Đây là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng vì người già phải chăm sóc từ ăn uống đến vệ sinh, túc trực khi có sự cố bất thường. Chất lượng cũng vô cùng, có người làm tốt, có người làm không tốt, đại khái, qua loa. Thậm chí, họ còn đi lại tự do, thường xuyên tụ tập cờ bạc, đánh nhau khiến Ban quản lý bệnh viện rất “đau đầu”.
Ban quản lý một số bệnh viện cho biết, nhiều lúc cả bệnh nhân và người giúp việc kéo theo hiện tượng quá tải về vệ sinh công cộng, điện nước… đôi khi giữa các nhóm xảy ra xô xát, đánh cãi nhau trong bệnh viện. Mặc dù một số bệnh viện đã thành lập tổ bảo vệ nhưng cũng không thể quản lý được nhóm người này. Thêm vào đó, giá cả của loại hình dịch vụ này lại lên, xuống thất thường, không có sự giám sát chặt chẽ, đôi khi gây khó chịu cho người nhà bệnh nhân.
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng từng nói: “Giúp việc gia đình, hay giúp việc trong bệnh viện là những nghề mới cần được xã hội công nhận. Để người lao động có những kỹ năng cần thiết trong thực hiện công việc chuyên môn, thì việc đào tạo tay nghề, kỹ năng cho đối tượng này là rất cần thiết. Bởi nghề này đang thiếu nhân lực nghiêm trọng không chỉ ở thị trường trong nước, mà nhu cầu xuất khẩu đội ngũ này sang lao động ở nước ngoài cũng rất lớn”. Tuy nhiên, không nhiều người giúp việc mặn mà với hình thức đào tạo này vì tâm lý đại đa số muốn kiếm tiền ngay, không muốn mất tiền “ăn học”.
Như vậy có thể thấy bức tranh về nghề “ô sin” bệnh viện cũng muôn màu muôn vẻ. Thiết nghĩ, các bệnh viện cũng nên cân nhắc đến vấn đề quản lý loại hình dịch vụ này.
Hữu Bắc