Hôm nay (ngày 28/3/2019), TAND TP. Hà Nội sẽ đưa ra xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TST. Hai bị cáo gồm Phạm Mạnh Cường (SN 1952, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) nguyên Giám đốc Công ty TST và Nguyễn Thị Minh Thương (SN 1964, trú tại Đống Đa, Hà Nội). Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày từ ngày 28/3 đến ngày 30/3/2019.

Bán nhà trên giấy, chiếm đoạt 280 tỷ đồng

Theo cáo trạng, Dự án Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội), chủ đầu tư ban đầu là Công ty CP Đầu tư tài chính và bất động sản Việt Nam (Viet-Inc). Dự án có tổng diện tích hơn 100.000 m2 với 34.000 m2 đất ở bao gồm biệt thự và nhà ở hỗn hợp cao 35 tầng, còn lại là đất trục đường Lê Trọng Tấn, đất quy hoạch dự kiến trả cho địa phương, trường học, cây xanh, đất giao thông nội bộ…

Khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, Dự án phải dừng triển khai để rà soát lại quy hoạch, khớp nối thống nhất với quy hoạch chung của Hà Nội. Dù dự án bị dừng nhưng chủ đầu tư vẫn có giao dịch hợp tác với các doanh nghiệp khác. Cụ thể, năm 2009, Công ty Viet-Inc ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Hưng Hải để xây dựng dự án này. Theo đó, Công ty Hưng Hải trả cho Công ty Viet-Inc 57 tỷ đồng để được hưởng 90% quyền thực hiện Dự án, Công ty Viet-Inc còn sở hữu 10%.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Phạm Mạnh Cường tại tòa

Năm 2010, Nguyễn Thị Minh Thương, nhân viên Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TST, có biết đến Công ty Hưng Hải và Dự án Viet-Inc nên đã giới thiệu cho Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TST mua lại 90% quyền sở hữu Dự án của Công ty Hưng Hải.

Hai bên thỏa thuận, Công ty TST trả 295 tỷ đồng cho Công ty Hưng Hải. Tiếp đó, Công ty TST đã thành lập Ban Quản lý dự án và giao cho Nguyễn Thị Minh Thương làm Trưởng ban, toàn quyền thực hiện Dự án.

Tổng cộng có 158 người đã ký 176 hợp đồng mua 178 lô đất và nộp hơn 280 tỷ đồng. Có 248 tỷ đồng đã được sử dụng để trả cho Công ty Hưng Hải (trả tiền mua 90% quyền sở hữu dự án).

Quá trình thực hiện công việc, Nguyễn Thị Minh Phương đã lập báo cáo và phân tích tính khả thi của Dự án và đưa ra đề xuất thay đổi quy hoạch, chủ yếu là đất liền kề để thu được nhiều tiền hơn, khoảng 405 tỷ đồng so với quy hoạch ban đầu.

Bị cáo Phạm Mạnh Cường đã đồng ý với phương án mà Nguyễn Thị Minh Thương đưa ra, thuê vẽ bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 gồm 5 lô đất liền kề, 1 lô đất nhà vườn, ngoài ra là nhà ở hỗn hợp cao tầng… để đưa ra bán qua các sàn bất động sản.

Khi giao dịch với các sàn bất động sản và người mua, Thương giới thiệu Dự án đã đền bù giải phóng mặt bằng, đang san lấp, dự án này là Dự án Khu đô thị Đại học Vân Canh mở rộng…

Cùng thời gian này, Công ty TST đang hợp tác xây dựng Dự án Khu nhà ở cán bộ chiến sỹ Tổng cục V (Bộ Công an) nên nhiều người tin tưởng nộp tiền mua đất.

Tiền của các khách hàng vào túi ai?

Tại cơ quan điều tra, các nạn nhân mua nhà cho biết, trong năm 2010 - 2011, thông qua Sàn bất động sản Tú Minh và Hương Đất, hoặc trực tiếp đến Công ty TST gặp Phạm Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TST) và Nguyễn Thị Minh Thương (Phó giám đốc Công ty TST) họ đều được giới thiệu, Dự án Khu nhà ở cao cấp Vân Canh do TST làm chủ đầu tư đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt, đang giải phóng mặt bằng và cho xem bản đồ phân lô đất nhà liền kề, với số lô cụ thể, diện tích từ 80 m2 trở lên, giá từ 37-39 triệu đồng/m2, phí môi giới từ 2,5-4,5 triệu đồng/m2.

leftcenterrightdel
 Các bị hại "hoang mang" vì vụ án kéo dài nhiều năm

Tổng cộng có 158 người đã ký 176 hợp đồng mua 178 lô đất và nộp hơn 280 tỷ đồng. Có 248 tỷ đồng đã được sử dụng để trả cho Công ty Hưng Hải (trả tiền mua 90% quyền sở hữu dự án).

Quá trình mua bán, khách hàng phải nộp tiền chênh, có giấy biên nhận của sàn giao dịch bất động sản. Khi đến Công ty ký hợp đồng chính thức, bị cáo Thương thu lại giấy biên nhận tiền chênh. Khách hàng đóng 50% giá trị hợp đồng không kể tiền chênh, sau 1 năm trả nốt 50% và nhận đất. Khách hàng phải trả từ 20 - 80 triệu đồng tiền chênh cho các sàn giao dịch bất động sản.

Cơ quan điều tra xác định, Dự án Viet-Inc chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền, chưa giải phóng mặt bằng. Công ty TST không phải chủ đầu tư, không được phép huy động vốn và trong quy hoạch dự án không có nhà liền kề.

Đến nay mới chỉ có 88 cá nhân ký hợp đồng với Công ty TST đến trình báo tại cơ quan công an. Số tiền thiệt hại của 88 người này là 162 tỷ đồng, trong đó Phạm Mạnh Cường đã trả được 21,9 tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định số tiền các bị cáo đã chiếm đoạt là 162 tỷ đồng.

Liên quan số tiền khách hàng đã nộp cho Công ty TST, sau đó Công ty TST sử dụng để trả cho Công ty Hưng Hải, ông Mai Thạch Kim, Giám đốc Công ty Hưng Hải không đồng ý trả lại vì cho rằng hợp đồng giữa Công ty Hưng Hải và Công ty TST là hợp đồng chuyển nhượng quyền hợp tác, không phải mua bán dự án, không trái pháp luật, Công ty TST huy động vốn trái phép, Công ty Hưng Hải không thể biết.

Trong cáo trạng cũng thể hiện, việc xác định những sai phạm liên quan đến Công ty Hưng Hải chưa được làm rõ. Liên quan đến Hợp đồng chuyển nhượng này sẽ được làm rõ ở dự án khác.

Tại phiên tòa mở ngày 11/3, rất đông khách hàng, là những bị hại đã đề nghị HĐXX tạm hoãn phiên Tòa để triệu tập thêm các đối tượng liên quan là Công ty Hưng Hải (đơn vị bán Dự án cho Cty TST) và các công ty môi giới.  Các bị hại đều có đề nghị HĐXX triệu tập thêm những đối tượng liên quan để làm rõ dòng tiền của Dự án. Bởi theo các nạn nhân, khi làm rõ được dòng tiền đang ở đâu thì mới thu hồi lại được để trả lại cho bị hại.

Hà Nhân