Theo cáo trạng, Trung tâm hỗ trợ người nghèo do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn ra quyết định thành lập từ năm 2013 và bổ nhiệm Trần Đức Trung làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Lê Thị Hằng làm Tổng giám đốc.

leftcenterrightdel
 Hai bị can Trần Đức Trung (trái) và Lê Thị Hằng

Đầu năm 2015, Hằng giới thiệu Lực vào làm việc cho Trung tâm hỗ trợ người nghèo. Thời điểm này, Lực, Oanh và Phúc đang điều hành ‘‘Câu lạc bộ triệu phú tích lũy làm giàu’’, hoạt động theo mô hình đa cấp nhưng chưa được cấp phép.

Sau đó, Trung sáp nhập “Câu lạc bộ triệu phú tích lũy làm giàu” vào Trung tâm hỗ trợ người nghèo; giao Lực khai thác với nội dung: mỗi hội viên mua 1 hộp thực phẩm chức năng với giá 1,2 triệu đồng; mua liên tục trong 12 tháng thì nhận được “hỗ trợ” của Trung tâm hỗ trợ người nghèo (không nêu rõ là hỗ trợ gì).

Tháng 4/2015, do thấy kém hiệu quả, Trung ký văn bản hủy bỏ chương trình “Câu lạc bộ triệu phú tích lũy làm giàu” và triển khai chương trình “Trái tim Việt Nam”.

Để thu hút người tham gia, Hằng ký ban hành các chính sách như: người tham gia đóng 1,2 triệu đồng để trở thành thành viên nhưng từ mã thứ 2 chỉ phải đóng 700.000 đồng; hứa hẹn người tham gia được hỗ trợ từ 5,2 - 5,7 triệu đồng (lợi nhuận từ 400 - 800%) và số tiền lãi sẽ tiếp tục tăng lên cấp số nhân nếu nộp nhiều tiền.

Ngoài ra, sau khi đóng tiền, người tham gia được nhận 1 sản phẩm thực phẩm chức năng hoặc phân vi sinh trị giá khoảng 150 ngàn đồng. Nếu giới thiệu người khác tham gia sẽ được thưởng 500 ngàn đồng/người…

Để tạo niềm tin, những đối tượng nêu trên đã tổ chức các hội thảo, cho soạn thảo thư kêu gọi rồi đi xin chữ ký ủng hộ. Quá trình tuyên truyền các bị can thường xuyên đưa thông tin sai sự thật về nguồn vốn Trung tâm, hứa hẹn người nộp tiền trong một khoảng thời gian nhất định sẽ nhận được tiền theo chính sách.

Bằng những thủ đoạn trên, Trung, Hằng và các đồng phạm đã lập được 26 điểm tư vấn, 6 nhóm thu tiền; thu của người tham gia tại 16 tỉnh, thành phố, sau đó chuyển về Trung tâm hỗ trợ người nghèo tổng cộng 148 tỉ đồng. Các bị can đã sử dụng một phần tiền của người nộp sau trả cho người nộp trước, mua sản phẩm hỗ trợ, còn lại sử dụng vào mục đích cá nhân, chiếm đoạt của người tham gia chương trình.

leftcenterrightdel
 Ông Trần Đức Trung thời điểm bị khởi tố bị can. Ảnh: Thanh niên

Tháng 12/2015, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn giải thể trung tâm nhưng Trung và Hằng tiếp tục móc nối với Nguyễn Tuấn Lân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP quốc tế Newstar tổ chức chương trình “Liên kết ba bên”; thực hiện mô hình kinh doanh đa cấp, ban hành chính sách hỗ trợ có mức lợi nhuận lớn, với mục đích lấy tiền của người tham gia để trả cho người tham gia vào chương trình “Trái tim Việt Nam”.

Theo các Cơ quan tố tụng, chương trình “Liên kết ba bên” về bản chất là kinh doanh thực phẩm chức năng theo mô hình đa cấp nhưng chưa được sự cấp phép của cơ quan chức năng. Trong đó, Phúc thực hiện theo chỉ đạo của Trung, qua đó thu của những người tham gia 17,4 tỉ đồng. Ngày 8/1/2016, các bị can rút tiền trong tài khoản đưa cho Trung; Trung trả lại một phần cho người tham gia và chiếm đoạt trên 2,7 tỉ đồng.

Theo VKSND tối cao, trong các chương trình nêu trên ở Trung tâm hỗ trợ người nghèo, các bị can đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hơn 1.093 bị hại (các nạn nhân có đơn trình báo, có cơ sở để chứng minh) với số tiền chiếm đoạt là hơn 42 tỉ đồng.

Trung là chủ mưu, tổ chức và điều hành hoạt động của các chương trình trái pháp luật; gian dối trong việc đưa ra các chính sách hỗ trợ chiếm đoạt 26,3 tỉ đồng từ chương trình “Trái tim Việt Nam”; chiếm đoạt 2,7 tỉ đồng từ chương trình “Liên kết ba bên”.

Hằng là người thực hành tích cực, chiếm hưởng cá nhân hơn 8,8 tỉ đồng. Các bị can còn lại ở Trung tâm hỗ trợ người nghèo đều được xác định là đồng phạm thực hành tích cực và chiếm hưởng những khoản tiền lớn...

Danh sách 6 bị can bị VKSND tối cao truy tố trong vụ án:

1. Trần Đức Trung, sinh ngày 16/9/1961; ĐKHKTT: Số 404 đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội; chỗ ở: Số 72G, Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội; nghề nghiệp: Nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên của Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới.

2. Lê Thị Hằng, sinh ngày 10/1/1963; ĐKHKTT: Số 54 ngõ 290 Kim Mã, phường Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội; chỗ ở: 1201 G2 Ciputra, phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội; nghề nghiệp: Nguyên Tổng giám đốc Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới.

3. Bùi Thị Oanh, sinh ngày 23/2/1956; ĐKHKTT: Số nhà 18, tổ 22, phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình; chỗ ở: Căn hộ P080605, Tòa nhà Park 8, Khu đô thị Park Hill-Timecity, phường Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội; nghề nghiệp: Hưu trí.

4. Phạm Văn Lực, sinh ngày 3/10/1978; ĐKHKTT: Số nhà 357 Điện Biên Phủ, phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương; chỗ ở: Số nhà 15 Hàm Nghi, phường Hải Tân, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương; nghề nghiệp: Lao động tự do.

5. Nhâm Sỹ Phúc, sinh ngày 10/8/1967; ĐKHKTT và chỗ ở: Số nhà 20, tổ 15, phường Phú Khánh, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình; nghề nghiệp: Lao động tự do.

6. Phan Thị Thoa, sinh ngày 26/10/1989; ĐKHKTT: xóm Tân Sơn, xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; chỗ ở hiện nay: Phòng 204 Chung cư số 5, số 89/63 Phùng Khoang, phường Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội; nghề nghiệp: Lao động tự do.

 

PV