Phiên tòa xét xử từ điểm cầu trung tâm là hội trường xét xử TAND huyện Lộc Hà kết nối tới điểm cầu thành phần là Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Tĩnh và Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh. Tham dự phiên tòa có đại diện lãnh đạo, Kiểm sát viên các phòng nghiệp vụ VKSND tỉnh Hà Tĩnh và các đơn vị VKSND huyện Lộc Hà, VKSND huyện Thạch Hà và VKSND huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh).

leftcenterrightdel
VKSND huyện Lộc Hà phối hợp tổ chức phiên tòa hình sự xét xử trực tuyến. (Ảnh: LN)

Theo cáo trạng, trước đó chồng của Lê Thị Ánh là Lê Xuân Giáp bị bệnh ung thư nên phải dùng đến thuốc phiện để giảm đau, sau khi chết có để lại một số ma túy loại thuốc phiện. Ngày 2/6/2023, Ánh đã lấy một phần ma túy bán cho Lê Xuân Ngụ (trú xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà) với giá 300.000 đồng. Cũng trong khoảng thời gian đầu tháng 6/2023, Lê Thị Ánh đã cho Lê Xuân Ý là em rể của Ánh 1 gói thuốc phiện, sau đó Lê Xuân Ý đã trộn số thuốc phiện mà Ánh đã cho với thuốc phiện đã sử dụng trước đó để sử dụng tiếp.

leftcenterrightdel
 Tham dự phiên tòa có đại diện lãnh đạo, Kiểm sát viên VKSND các huyện và các phòng nghiệp vụ của VKSND tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: LN)

Ngày 7/6, khi được Công an huyện Lộc Hà triệu tập lên làm việc, Lê Xuân Ý tự thú nhận bản thân có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và đã tự nguyện giao nộp 19,6078g ma túy loại thuốc phiện.

Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Lê Thị Ánh, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Hà đã thu giữ dưới ghế phòng khách 10,2852g ma túy loại thuốc phiện mà Ánh cất giấu chưa kịp bán.

leftcenterrightdel
 VKSND huyện Lộc Hà chủ trì họp rút kinh nghiệm sau phiên tòa xét xử.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên tham gia xét hỏi đúng trọng tâm để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo. Trên cơ sở đề nghị của Viện Kiểm sát, xem xét một cách toàn diện các tình tiết của vụ án, HĐXX đã tuyên phạt Lê Thị Ánh 26 tháng tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, Lê Xuân Ý 15 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, đồng chí Nguyễn Xuân Định - Viện trưởng VKSND huyện Lộc Hà đã chủ trì họp rút kinh nghiệm. Trên tinh thần thẳng thắn, mang tính xây dựng cao, các ý kiến đã nêu lên những ưu điểm về tác phong, cách diễn đạt, xử lý tình huống, bản lĩnh nghiệp vụ, ứng xử của Kiểm sát viên và HĐXX. Bên cạnh đó cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại để rút kinh nghiệm chung. Việc phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo cụm là dịp để lãnh đạo, Kiểm sát viên, cán bộ VKS trong cụm cùng nhau học hỏi, chia sẻ và rút kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, nhất là kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.

                                                           


Lê Na- VKSND huyện Lộc Hà