Theo bị cáo mức bồi thường thiệt hại, án phí là quá cao và bản thân gia đình cũng không có khả năng trả.

 


Sáng ngày (29/8), Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục phiên toà phúc thẩm xét xử vụ án cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) theo đơn kháng cáo của các bị cáo.

Trong phần tranh tụng, tòa tập trung vào dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện sông Hồng (Nam Định) và dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện diesel Cái Lân (Quảng Ninh); dự án bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang…

Trả lời câu hỏi của luật sư trước tòa về trách nhiệm dân sự trong vụ án này, bị cáo Phạm Thanh Bình một mực kêu rằng mức bồi thường 800 tỷ đồng mà bị cáo phải chịu là quá cao, cần xem xét lại. Ngoài ra, mức án phí hơn 600 triệu đồng cũng cần được giảm, vì theo bị cáo “Gia đình không có khả năng trả được vì từ đời bố mẹ bị cáo đến nay chỉ làm cho Nhà nước”.

Tại dự án nhiệt điện sông Hồng, theo kết luận giám định, chi phí mà công ty Hoàng Anh và công ty Cửu Long đầu tư thực hiện dự án nhiệt điện sông Hồng là 244.333.575,021 đồng; tiền lãi vay phát sinh được tính đến ngày 31/7/2010 (thời điểm khởi tố vụ án) là 72.189.864.404 đồng.

Các bị cáo Bình, Tuyên, Công đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện sông Hồng không có trong qui hoạch phát triển hệ thống lưới điện quốc gia; không lập báo cáo đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư đối với dự án nhóm A; khởi công công trình khi chưa có giấy phép xây dựng, chưa đủ điều kiện… gây thiệt hại tài sản 244.333.575.021 đồng.

Về dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện diesel Cái Lân, các bị cáo Phạm Thanh Bình và Tô Nghiêm đã quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư nhưng không có kết quả thẩm định tổng mức đầu tư tăng thêm; ký bàn giao công trình, nghiệm thu chạy thử, thanh toán hết cho nhà thầu toàn bộ giá trị hợp đồng khi công trình chưa hoàn thành dẫn đến nhà thầu không tiếp tục thực hiện cam kết bảo hành công trình; cho phép nhà thầu nhập máy móc, thiết bị cũ được tháo dỡ từ nhà máy nhiệt điện Trung Quốc không đúng với nội dung hợp đồng, không đúng với thiết kế kỹ thuật được phê duyệt của dự án… gây thiệt hại tài sản là 32.910.385.400 đồng.

Trong các dự án tàu Hoa Sen, nhà máy nhiệt điện Sông Hồng và diesel Cái Lân, bị cáo Phạm Thanh Bình đều là người tổ chức, giữ vai trò quyết định trong các lần phạm tội. Hậu quả thiệt hại về tài sản do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra có giá trị rất lớn, thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo Phạm Thanh Bình, Trần Văn Liêm, Nguyễn Văn Tuyên, Đỗ Đình Côn, Tô Nghiêm, Hoàng Gia Hiệp, Trần Quang Vũ cơ bản khai nhận các hành vi như trong cáo trạng. Lời khai nhận của các bị cáo phù hợp với nhau, phù hợp với lời khai của những người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét công khai tại phiên tòa.

Trong diễn biến mới nhất đến hết sáng 29/8, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo./.
 

Theo VOV Online

.