Theo cáo trạng, sau khi đã uống rượu ở nhiều nơi tại thôn 2, xã An Vinh, Đinh Văn Đạc về nhà và lấy xe mô tô BKS 77C1-519.25 điều khiển đi từ thôn 2 đến thôn 3, xã An Vinh để tìm nơi bơm xe nhưng không có nên Đạc điều khiển xe mô tô đi về nhà.

Khi bị cáo điều khiển xe mô tô đến đoạn đường bê tông cuối thôn 3, xã An Vinh (đoạn khúc cua bên trái theo chiều đi của Đạc), Đạc điều khiển xe chạy lấn sang phần đường bên trái thì phát hiện xe mô tô BKS 77M1-113.58 do Đinh Văn Nâng điều khiển chạy ngược chiều ở giữa đường.

Lúc này, do khoảng cách giữa hai xe quá gần, Đạc cho xe tránh về bên trái theo chiều đi nhưng không kịp, hai xe va chạm vào nhau gây tai nạn, hậu quả làm cho Đinh Văn Nâng tử vong tại chỗ do chấn thương gây gãy cột sống cổ chèn ép tủy và đa chấn thương, Đinh Văn Đạc bị xây xát nhẹ, hai xe mô tô hư hỏng.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên xét xử.

Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm hại đến quy định của Nhà nước về an toàn giao thông đường bộ - là khách thể được pháp luật bảo vệ, trực tiếp xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và gây thiệt hại tính mạng của người khác, đồng thời gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã chủ động xét hỏi, luận tội, phân tích, đánh giá đầy đủ nội dung vụ án, các chứng cứ buộc tội, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nguyên nhân, điều kiện phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo. Tại phiên tòa, người bào chữa cho bị cáo đã có nhiều tranh luận với Kiểm sát viên, nhưng với bản lĩnh nghề nghiệp của mình, Kiểm sát viên đã có những lập luận sắc bén để đối đáp với người bào chữa và bảo vệ thành công cáo trạng.

Căn cứ kết quả thẩm vấn, xét hỏi tại phiên tòa và đề nghị của Viện Kiểm sát, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Đinh Văn Đạc 24 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260 BLHS 2015 .  

Sau khi kết thúc phiên tòa, Lãnh đạo VKSND huyện An Lão đã tổ chức họp rút kinh nghiệm, nhận định, đánh giá những ưu điểm cũng như những tồn tại, hạn chế trong toàn bộ quá trình tố tụng và quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

Đây là một hình thức tự đào tạo được đơn vị tập trung thực hiện hiệu quả để nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của cán bộ, Kiểm sát viên, đặc biệt giúp Kiểm sát viên nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa.

Hồ Chí Trường