3 bị cáo người Trung Quốc lãnh hơn 300 tháng tù
TAND tỉnh Quảng Nam vừa tiếp tục đưa vụ án Lu Wang cùng đồng phạm trong đường dây “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo Điều 201 BLHS 2015 và tội “Rửa tiền” theo Điều 324 BLHS 2015 ra xét xử.
Vụ án này được TAND tỉnh Quảng Nam đưa ra xét xử giai đoạn 1 và tuyên án đối với 40 bị cáo trong vụ án. Theo đó, HĐXX tuyên án bị cáo Lu Wang 21 tháng tù về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và 11 năm tù về tội “Rửa tiền”.
Tuyên án bị cáo Wu Jian Chao 15 tháng tù về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và 10 năm tù về tội “Rửa tiền”. Tuyên bị cáo Li Xiao Hu 18 tháng tù về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Như vậy, 3 bị cáo mang quốc tịch Trung Quốc trong vụ án này bị TAND tỉnh Quảng Nam tuyên phạt 306 tháng tù.
Ngoài ra, HĐXX cũng tuyên phạt bị cáo Nguyễn Chánh Thiên 12 tháng tù; các bị cáo Lý Xương Bành, Phạm Xuân Trường, Cao Văn Trung, Trần Văn Lượng bị tuyên 11 tháng tù; bị cáo Lý Ngọc Ngân 9 tháng tù cùng về tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Đối với các bị cáo còn lại là nhân viên của các công ty “ma”, HĐXX tuyên án từ 9 - 18 tháng tù. Chỉ có 1 bị cáo bị tuyên phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Đây là vụ án cho vay lãi nặng xuyên quốc gia trên không gian mạng với quy mô “khủng” mà Báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin trước đó. Theo đó, từ năm 2018 đến nay, Lu Wang, Li Xiao Hu, Wu Jian Chao và nhiều đối tượng quốc tịch Trung Quốc khác (hiện đã xuất cảnh khỏi Việt Nam) đến Việt Nam để tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng thông qua các “App” (ứng dụng) trên điện thoại di động hoặc các đường link website do chúng tạo ra.
|
|
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Để che giấu hành vi cho vay lãi nặng, thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, các đối tượng người Trung Quốc đã thông qua Nguyễn Chánh Thiên trực tiếp thuê nhiều người Việt Nam đứng tên thành lập các pháp nhân thương mại ảo (công ty ma).
Chúng tuyển dụng nhân sự tổ chức hoạt động cho vay với lãi suất từ 38% đến 45%, thời hạn vay là 7 ngày (tương ứng lãi suất từ 1.981% đến 2.346%/năm), sử dụng hàng nghìn tài khoản ngân hàng để luân chuyển dòng tiền qua lại nhằm mục đích “rửa tiền” qua bất động sản, “chuyển tiền trái phép” ra khỏi lãnh thổ Việt Nam bằng “tiền ảo” mua USDT trên sàn giao dịch Binance và “kênh chuyển tiền bất hợp pháp”.
Thủ đoạn tinh vi của các bị cáo trong vụ án.
Về toàn bộ vụ án này, như Báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin, Công an tỉnh Quảng Nam phát hiện trên không gian mạng có đường dây hoạt động “tín dụng đen”. Lực lượng chức năng xác định các đối tượng đã tổ chức cho vay nhiều người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và các tỉnh, thành trên cả nước vay tiền với lãi suất rất cao. Cùng với đó, các đối tượng sử dụng hoạt động đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”, gây mất trật tự và bức xúc cho nhân dân, tạo dư luận xấu trong xã hội.
Ngày 3/7/2023, VKSND tỉnh Quảng Nam phối hợp cùng Công an tỉnh Quảng Nam, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, các Cục nghiệp vụ Bộ Công an và Công an các địa phương liên quan đồng loạt triển khai các biện pháp nghiệp vụ tiến hành phá án.
|
|
Kiểm sát viên VKSND tỉnh Quảng Nam kiểm sát việc bắt bị can để tạm giam trong quá trình điều tra vụ án. |
Qua đó, triệt xóa 1 đường dây tội phạm hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia gồm nhiều băng nhóm hoạt động dưới sự quản lý điều hành của 11 đối tượng cầm đầu, (trong đó có 3 người nước ngoài) và 49 đối tượng người Việt Nam giúp sức. Cơ quan chức năng đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp đối với 3 công ty thanh toán trung gian và 28 địa điểm đồng thời triệu tập 60 đối tượng có liên quan để làm việc.
Các đối tượng hoạt động trong đường dây này với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi. Các đối tượng thành lập các pháp nhân thương mại "ma" sử dụng không gian mạng, thuê máy chủ tại nước ngoài, xây dựng các ứng dụng cho vay trên diện thoại di động, khi người vay tải ứng dụng, đăng ký bằng CMND/CCCD, tài khoản ngân hàng, số điện thoại chính chủ và đồng ý với điều khoản, điều kiện vay thì tất cả các thông tin về điện thoại được đồng bộ về cơ sở dữ liệu của đối tượng nhằm phục vụ cho hoạt động thu hồi nợ sau này. Chu kỳ áp dụng cho mỗi gói vay là 7 ngày.
Tiền lãi của gói vay thường là 45%/tuần, tương đương 2.346,4%/ năm và được các đối tượng trừ thẳng vào số tiền gốc người vay đăng ký khi giải ngân, nếu trong thời gian 7 ngày người vay không trả được tiền thì các đối tượng cho vay sẽ yêu cầu trả tiền gia hạn thêm 7 ngày với số tiền gia hạn là 45% số tiền vay.
Đồng thời lợi dụng sự sơ hở, thiếu kiểm tra của các công ty trung gian thanh toán tại Việt Nam, nhóm đối tượng đã thông qua các công ty trung gian thanh toán để cho vay số tiền trên 20 ngàn tỉ đồng, và thu hồi nợ, thu lợi bất chính số tiền trên 8 ngàn tỉ đồng.
|
|
Bị cáo Lu Wang tại phiên tòa xét xử giai đoạn 1. |
Để tránh sự theo dõi, kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu còn tổ chức nhiều nhóm nhỏ, tại nhiều địa bàn khác nhau trên toàn quốc thực hiện việc nhắc nợ, đòi nợ bằng nhiều hình thức vi phạm pháp luật.
Đối với số tiền thu lợi bất chính qua hoạt động phạm tội, nhóm đối tượng người nước ngoài tổ chức “rửa tiền” qua bất động sản, chuyển tiền trái phép ra khỏi Việt Nam bằng “tiền ảo” và “kênh chuyển tiền bất hợp pháp”.
VKSND Quảng Nam tích cực phối hợp giải quyết vụ án
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Khoa – Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam, về vụ án này ngay từ khi tiếp nhận nguồn tin tội phạm từ Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo Viện và Phòng 3 VKSND tỉnh Quảng Nam đã nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, số tiền chuyển ra nước ngoài đặc biệt lớn. Vì vậy, VKS yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án để tiếp tục thu thập chứng cứ.
Trong quá trình THQCT, KSĐT, giải quyết vụ án luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Nam. Lực lượng Kiểm sát viên được phân công THQCT, KSĐT vụ án hình sự đều dày dạn kinh nghiệm, trình độ, nghiệp vụ chuyên môn cao, trực tiếp nghiên cứu hồ sơ một cách kỹ lưỡng.
Đánh giá chứng cứ trên kết quả thu thập dữ liệu điện tử, phân tích dòng tiền lưu thông của các đối tượng phạm tội; thường xuyên trao đổi thông tin, thống nhất quan điểm giải quyết vụ án với Cơ quan ANĐT và Phòng An ninh mạng Công an tỉnh Quảng Nam.
|
|
VKSND tỉnh Quảng Nam công bố cáo trạng truy tố các bị cáo tại phiên tòa xét xử giai đoạn 1. |
Ngày 20/3/2024, TAND tỉnh Quảng Nam đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án giai đoạn 1. Tuy nhiên sau đó, ngày 22/3 HĐXX đã hoãn phiên tòa để làm rõ một số tình tiết phát sinh liên quan đến vụ án. Sau đó, cơ quan chức năng tiếp tục hoàn tất hồ sơ để khởi tố bổ sung hơn 50 bị can liên quan đến đường dây đường dây này.
Hiện tại các cơ quan tố tụng đang hoàn tất hồ sơ đưa ra xét xử vụ án này giai đoạn 2 với 70 bị cáo liên quan.