Trước đó, ngày 14/9/2022, Đội 4 - Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC05), Công an TP Hà Nội đã bắt quả tang 3 đối tượng Nguyễn Văn T. (SN 1980) , Nguyễn Văn N. (SN 1993), Nguyễn Văn C. (SN 1992, cùng trú xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) vì có hành vi buôn bán, tàng trữ trái phép gần 2kg sừng tê giác.
Trong các đối tượng bị đưa ra xét xử, đối tượng Nguyễn Văn T. đã từng bị TAND quận Hà Đông (TP Hà Nội) tuyên phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về hành vi buôn bán trái phép 2 cá thể rắn hổ chúa vào năm 2010. Tuy nhiên, thay vì ăn năn hối cải, đối tượng Tuyên sẵn sàng bất chấp pháp luật để tiếp tục thực hiện hành vi phi pháp liên quan đến động vật hoang dã nhằm thu lợi bất chính.
|
|
Tang vật tiếp tục thu giữ được từ các đối tượng (Ảnh: Công an TP Hà Nội) |
Đối tượng Nguyễn Văn T. hiện được cho là đóng vai trò quan trọng trong hoạt động vận chuyển, buôn bán ngà voi, sừng tê giác trái phép tại khu vực miền Bắc. T. thường đặt mua các sản phẩm động vật hoang dã từ một số người quen đang làm việc tại châu Phi để bán trực tiếp hoặc qua môi giới đến những khách hàng có nhu cầu.
Tại phiên tòa xét xử, 3 bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đại diện VKS công bố. Sau quá trình xét xử, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn T. (SN 1980) mức án 42 tháng tù, Nguyễn Văn N. (SN 1993) mức án 36 tháng tù, Nguyễn Văn C. (SN 1992, cùng trú xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) mức án 30 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp quý hiếm" theo quy định tại Điều 244 BLHS.
Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, thành công trong việc phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán động vật hoang dã trái phép chuyên nghiệp như Nguyễn Văn T. và đồng bọn có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực chấm dứt tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã ở Việt Nam. ENV cũng hi vọng những hình phạt nghiêm khắc được áp dụng với các đối tượng sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ không chỉ với những đối tượng này mà còn đối với các đối tượng đang buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép nói chung.
Hiện nay, sừng tê giác vẫn đang là “tâm điểm” của hoạt động vận chuyển và buôn bán động vật hoang dã trái phép xuyên quốc gia bởi yếu tố “siêu lợi nhuận”. Việt Nam không chỉ là quốc gia trung chuyển mà còn là thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Cơ sở dữ liệu của ENV ghi nhận, trong năm 2022, có 44 trường hợp quảng cáo, buôn bán sừng tê giác trái phép, chủ yếu phát hiện trên không gian mạng.
Theo Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sừng tê giác (không phân biệt loài tê giác) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt lên đến 15 năm tù đối với cá nhân. Từ năm 2018 tới tháng 7/2021, mức phạt tù trung bình được áp dụng với các đối tượng phạm tội liên quan đến sừng tê giác là 5,71 năm, cao hơn mức phạt tù trung bình dành cho các tội phạm về động vật hoang dã nói chung (4,15 năm). Mức phạt tù cao nhất từng được ghi nhận liên quan đến sừng tê giác là hình phạt 14 năm tù giam cho đối tượng Đỗ Minh Toản về hành vi vận chuyển trái phép 126,5kg sừng tê giác từ Dubai về Việt Nam. Đây cũng là mức hình phạt cao nhất từng được áp dụng với một đối tượng phạm tội liên quan đến động vật hoang dã tại Việt Nam.