Sau mỗi bản án tử hình là những số phận đáng thương, cha mẹ mất con, vợ mất chồng, những đứa trẻ mồ côi...

 


Nhớ lại vụ án xác chết không đầu vào năm 2012, Trưởng thôn Huỳnh Hữu Phụng thở dài kể lại: "Hồi đó, cháu L.T.T.N (SN 1996) đi mò cua bắt ốc rồi mất tích, cả làng huy động người đi kiếm suốt đêm. Gần 1 tháng sau, người dân phát hiện 1 thi thể không có đầu, kết quả giám định chính xác là cháu N.. Sau khi thắt cổ tự tử bất thành, Lâm đã khai nhận hành vi cưỡng bức rồi giết cháu T. của mình. Điều đáng buồn là gia đình 2 bên ở cùng một thôn, ra đường là giáp mặt nhau.

Giờ đây, trong căn nhà trống vắng bóng người, bà Trương Thị C. (74 tuổi, mẹ Lâm) ngồi trước hiên ngóng cháu nội đi học về. Đôi mắt bà đỏ hoe, nước mắt tràn ra trên khuôn mặt nhăn nheo khi kể về con - niềm vui, nguồn động lực sống của bà suốt mấy chục năm qua.

Nỗi buồn cũng thấm vào 2 con của Lâm là cháu T.L.T. (SN 2000) và T.T.P. (SN 2004). Từ ngày cha bị bắt năm 2012, hai cháu trở nên lầm lì ít nói. Ai nhắc đến cha là T. và P. đều nói cha chết lâu rồi.

“Hành vi của Lâm quá tàn ác với cháu N. khi đó chưa đủ tuổi vị thành niên khiến dư luận xã hội hết sức căm phẫn. VKSND đề nghị án tử. Tuy vậy, tước đi mạng sống của một con người còn vợ con, mẹ già là điều hết sức đắn đo. Tôi nhiều đêm thức trắng để đọc từng trang bút lục, xem xét từng chi tiết vụ án”, thẩm phán Lê Thành Trung, TAND tỉnh Khánh Hòa, chủ tọa các phiên xét xử sơ thẩm, kể lại.

Đến tháng 12/2014, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên án tử hình đối với Lâm. Sau đó, Lâm kháng cáo nhưng rồi Tòa án cấp cao tại TP. Đà Nẵng vẫn xử y án tử hình. Trong phiên tòa phúc thẩm vào ngày 18/9/2015, mẹ của Lâm ngồi một mình tít hàng ghế phía sau. Khi tòa tuyên án, bà len lén vén tà áo quệt nước mắt.
 

Theo Văn Xem/Công lý

.