Khai trước toà, bị cáo Quý cho biết việc tham gia có ý kiến là căn cứ vào chủ trương của Tập đoàn chỉ định thầu cho PVC cũng như các ban chuyên môn, tờ trình của Tổng giám đốc, ý kiến của HĐQT. Tuy nhiên, trong các cuộc họp của HĐQT về hợp đồng 33 thì bị cáo không được tham gia. 

Chủ tọa hỏi “Không được biết, không được thảo luận tại sao bị cáo lại đồng ý?” – 

Bị cáo Quý khai rằng căn cứ tờ trình của Tổng giám đốc, ý kiến các ban chuyên môn, ý kiến HĐQT và hồ sơ nên bị cáo đồng ý. 

Liên quan đến việc ứng và sử dụng tiền tạm ứng (nhiều đợt trong nhiều giai đoạn), Nguyễn Ngọc Quý nói rằng không rõ nguồn tiền. 

Thẩm phán Trương Việt Toàn hỏi “Lẽ đời thường ta tiêu tiền thì phải biết tiền ở đâu. Phải chăng cứ có tiền thì tiêu chứ không cần biết tiền ở đâu? Bị cáo đều tham gia và có ký vào phiếu đồng ý”.

Bị cáo khai rằng sau này mới nhận thức việc sử dụng số tiền tạm ứng như vậy là sai.

Khai trước tòa, bị cáo Phạm Tiến Đạt - nguyên Kế toán trưởng của PVC cũng thừa nhận việc chi tiền tạm ứng vào mục đích khác là sai. 

leftcenterrightdel
 Bị cáo Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC trả lời Hội đồng xét xử. Ảnh: TTXVN

Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, với vai trò là Kế toán trưởng của PVC, Phạm Tiến Đạt thực hiện theo chủ trương của Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận trong việc sử dụng gần 1.116 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích khác, không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trái quy định, nhưng bị cáo vẫn thực hiện dẫn đến Nhà nước bị thiệt hại gần 120 tỷ đồng.

HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến- nguyên Phó TGĐ PVC, bị cáo Tiến thừa nhận PVC đã sử dụng khoản tiền tạm ứng sai mục đích, ban đầu là 1.080 tỷ đồng, sau đó tổng số tiền là bao nhiêu thì hiện giờ bị cáo không nhớ rõ. Số tiền sử dụng vào dự án Thái Bình 2 chỉ khoảng gần 200 tỷ đồng. Bị cáo nhận thức hành vi của mình là sai, góp phần gây ra thiệt hại.

Bị cáo Phạm Tiến Đạt - nguyên kế toán trưởng PVC khai, sau khi nhận chức kế toán trưởng, bị cáo đã có một báo cáo tài chính, trong đó có nội dung: Các khoản công nợ phải thu của PVC (tại thời điểm bị cáo nhận vai trò kế toán trưởng) là rất lớn, bị các đơn vị chiếm dụng vốn, trong khi Tổng công ty phải đi vay ngân hàng, phải trả lãi. Bị cáo có kiến nghị lãnh đạo PVC phải thu hồi công nợ và có cảnh báo về tình trạng thua lỗ.

Bị cáo cũng báo cáo là tình trạng tài chính của Tổng công ty rất khó khăn, nếu góp vốn vào các công ty khác cũng không có vốn để góp. Tuy nhiên, sau đó bị cáo vẫn phải thực hiện theo Nghị quyết của các thành viên HĐQT.

Nhận thức ban đầu của bị cáo rất đơn giản là có nguồn tiền nhàn rỗi thì sử dụng, sau đó sẽ trả lại. Sau khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo nhận thức điều này là sai.

Còn bị cáo Trương Quốc Dũng - nguyên Phó TGĐ PVC khai, bị cáo vì nhiệt tình của tuổi trẻ, con tàu đang đắm, cố vớt được cái gì thì vớt. Tất cả mọi thứ khi đó nháo nhào hết cả lên. Khi giữ chức Phó Tổng giám đốc, lúc đó nhiều người đến tập trung đòi nợ nên có chỉ đạo là bị cáo làm. Bị cáo có một năm rưỡi suy nghĩ về những sai lầm của mình, thấy rất đau lòng.

Bị cáo Dũng cũng khai, việc chi tiền góp vốn có 2 tờ trình của hai phó Tổng giám đốc, sau đó HĐQT ra nghị quyết về việc góp vốn.

PV