Trong những ngày diễn ra phiên toà, tất cả 10 bị cáo và các luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo liên tục khẳng định 10 bị cáo không phạm tội. Các bị cáo không vi phạm Thông tư 02 và Quyết định 1627 của Ngân hàng Nhà nước, không vi phạm Điều 94 Luật các Tổ chức tín dụng. Các bị cáo còn cho rằng trong quá trình điều hành hoạt động của ngân hàng, hoạt động nghiệp vụ có sai sót nhưng không phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng làm thất thoát của Navibank 200 tỷ đồng. Mặt khác, Navibanhk cũng không truy cứu trách nhiệm đối với việc làm mất số tiền này. Xét quá trình Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt được số tiền này, các bị cáo đều cho rằng, khi các bị cáo phê duyệt cấp tín dụng là phê duyệt cho nhân viên vay tiền gửi vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè chứ không phê duyệt gửi vào Vietinbank Chi nhánh HCM, chỉ khi các nhân viên ký lại hợp đồng tiền gửi chuyển tiền vào Vietinbank Chi nhánh HCM mới bị mất tiền, việc mất tiền không liên quan đến quyết định phê duyệt của Hội đồng tín dụng.
Tất cả các luật sư bảo vệ cho các bị cáo đều đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ nhiều vấn đề liên quan.
|
|
Nguyên 10 lãnh đạo ngân hàng Navibank nghe tuyên án |
Trong phần luận tội, đại diện VKS đã chỉ rõ và phân tích hành vi phạm tội của từng bị cáo. VKS khẳng định, việc các bị cáo là thành viên Hội đồng tín dụng Navibank (HĐTD) phê duyệt cấp tín dụng cho các nhân viên vay tiền với mục đích “tiêu dùng” là hình thức che giấu việc Navibank gửi tiền vào Vietinbank lấy lãi suất cao; đã làm trái các quy định về cho vay, thể hiện:
Thứ nhất, việc cho vay không có tài sản đảm bảo: trong Biên bản họp Hội đồng tín dụng, tài sản đảm bảo việc cho nhân viên vay là Hợp đồng tiền gửi của các nhân viên này gửi tại Vietinbank CN Nhà Bè. Trên thực tế, các Hợp đồng tiền gửi này chỉ được hình thành sau khi có Biên bản họp Hội đồng tín dụng phê duyệt; các lệnh chuyển có của Navibank giải ngân tiền cho các nhân viên vay đều thể hiện thời điểm chuyển tiền là sau thời điểm biên bản họp Hội đồng tín dụng phê duyệt.
Khi Hội đồng tín dụng phê duyệt cho vay, tài khoản của các nhân viên tại Vietinbank CN Nhà Bè chưa có tiền nên không có việc yêu cầu thực hiện phong tỏa số tiền gửi của các nhân viên này tại Vietinbank CN Nhà Bè. Sau khi đã thực hiện chuyển tiền vào tài khoản 14 nhân viên mở tại Vietinbank CN Nhà Bè, các nhân viên này ký hợp đồng gửi tiền với Vietinbank CN Nhà Bè với số tiền gửi đúng bằng số tiền mà Hội đồng tín dụng đã phê duyệt và giải ngân chuyển vào tài khoản của từng nhân viên và Navibank dùng chính Hợp đồng tiền gửi đó làm tài sản đảm bảo.
Các nhân viên Navibank khai nhận họ không có tiền gửi tại Vietinbank CN Nhà Bè và do chỉ đứng tên hộ Navibank gửi tiền vào Vietinbank nên chỉ thực hiện việc ký các thủ tục gửi tiền trên giấy tờ, không có trách nhiệm quản lý tài khoản, nên Huỳnh Thị Huyền Như đã chuyển tiền ra khỏi tài khoản đứng tên các nhân viên Navibank để sử dụng cho mục đích cá nhân mà không bị phát hiện.
Thứ hai, hồ sơ tín dụng mà Navibank cho 14 nhân viên vay tiền là hồ sơ khống, thể hiện: đều không có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phương án phục vụ đời sống khả thi và có hiệu quả, không có phương án sử dụng vốn vay.
Thứ ba, lãi xuất Navibank cho 14 nhân viên vay thể hiện trên Giấy đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng và khế ước nhận nợ, tại khoản 1, Điều 2 là 16,5%/năm đến 22,5%/năm; trong khi lãi suất 14 nhân viên Navibank ký hợp đồng tín dụng gửi với Vietinbank CN Nhà Bè chỉ là 14%. Như vậy, việc các nhân viên này vay với lãi suất cao để đem gửi lấy lãi suất thấp là không khả thi trong việc sử dụng vốn vay, không đảm bảo khả năng trả nợ; không đủ điều kiện để phê duyệt cho vay.
Việc các bị can phê duyệt cấp tín dụng cho các nhân viên Navibank vay tiền nêu trên đã vi phạm Quyết định số 34/2010/QĐ-TGĐ ngày 29/4/2010 của Ngân hàng Navibank, quy định cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm tối đa không được vượt quá 90% giá trị các khoản tiền gửi dùng làm tài sản cầm cố; vi phạm khoản 3,4 Điều 7 về điều kiện vay vốn của Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001, quy định cho vay khi khách hàng có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ; có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phương án phục vụ đời sống khả thi, có hiệu quả; vi phạm về xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay quy định tại Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng.
Khi Thông tư số 02/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cấm các tổ chức tín dụng huy động tiền gửi với lãi suất vượt trần (14%/năm) có hiệu lực; các bị can vẫn tiếp tục họp Hội đồng tín dụng, quyết định và thực hiện chuyển tiền của Navibank gửi vào Vietinbank để lấy lãi suất cao vượt trần từ 8% -8,5%/năm, che đậy dưới hình thức thỏa thuận trả ngoài hợp đồng tiền gửi. Hành vi nêu trên của các bị cáo đã vi phạm Điều 1 Thông tư số 02/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Việc các bị cáo thỏa thuận với cá nhân Võ Anh Tuấn, Huỳnh Thị Huyền Như để đem tiền của Navibank đi gửi lấy lãi suất cao vượt trần huy động do Ngân hàng Nhà nước quy định; biến tướng dưới hình thức cho nhân viên vay “tiêu dùng” sai quy định đã làm trái các quy định về quản lý kinh tế, dẫn đến hậu quả bị Như lừa đảo chiếm đoạt tiền để sử dụng cho mục đích cá nhân, gây thiệt hại cho Navibank 200 tỷ đồng.
Tại phiên toà, Hội đồng xét xử đã khẳng định cáo trạng của VKSNDTC truy tố nguyên 10 cán bộ của ngân hàng Navibank phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3, Điều 165 BLHS 1999 là có cơ sở.
Theo đó, không có căn cứ chấp nhận quan điểm bào chữa và tự bào chữa của các luật sư và 10 bị cáo.
Hoa Việt
Mức án sơ thẩm đối với 10 nguyên lãnh đạo ngân hàng Navibank:
1. Lê Quang Trí: 13 năm tù
2. Đoàn Đăng Luật: 11 năm tù
3. Huỳnh Vĩnh Phát: 11 năm tù
4. Cao Kim Sơn Cương : 12 năm tù
5. Trần Thanh Bình: 10 năm tù
6. Nguyễn Giang Nam: 12 năm tù
7. Nguyễn Hồng Sơn: 12 năm tù
8. Đinh Thị Đoan Trang: 7 năm tù
9. Nguyễn Ngọc Oanh: 7 năm tù
10. Phạm Thị Thu Hiền: 7 năm tù
|