Tại đơn kháng cáo bổ sung  gửi TAND Cấp cao tại TP. HCM, bị cáo Đặng Thanh Bình nêu 04 vấn đề trong bản án 227/2018/HS-ST của TAND TP. HCM cần xem xét lại. Đồng thời, yêu cầu xem xét 6 nội dung mà theo bị cáo này là để xác định rõ hơn, chính xác hơn bản chất của các sự việc, có đánh giá thỏa đáng, đúng bản chất hoạt động ngân hàng trong những chỉ đạo và những nỗ lực cố gắng của bị cáo.

leftcenterrightdel
TAND TP. Hồ Chí Minh tuyên bị cáo Đặng Thanh Bình 3 năm tù giam 

Theo đó, bị cáo nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đặng Thanh Bình cho rằng, tòa án cấp sơ thẩm cho rằng bị cáo đã làm không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ… là không đúng với các chứng cứ, tài liệu của vụ án.

Bản án sơ thẩm nhận định: “Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ thì Đặng Thanh Bình biết rõ nhóm Phạm Công Danh đã tham gia chuyển nhượng cổ phần và điều hành ngân hàng Đại Tín trước khi có quyết định tham gia tái cơ cấu…” là không chính xác.

“Với tư cách Phó thống đốc phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát, bị cáo Bình nhận báo cáo trực tiếp từ Tổ giám sát cũng như báo cáo của Tổ giám sát thông qua Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước về tình hình sai phạm tại Ngân hàng Đại Tín, nhưng bị cáo Bình không chỉ đạo biện pháp quyết liệt nào chấm dứt tình trạng sai phạm của Ban lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín’ – Đây là nhận định không đúng thực tế khách quan gây bất lợi đối với tôi, từ đó xác định trách nhiệm và áp dụng hình phạt không đúng đối với tôi – bị cáo Bình khẳng định.

Ngoài ra, bị cáo Bình còn cho rằng, tòa án cấp sơ thẩm nhận định các thành viên Tổ giám sát chỉ có quyền kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền đình chỉ các sai phạm, như vậy thẩm quyền chưa đủ mạnh như Ban Kiểm soát đặc biệt để xử lý sai phạm khi phát hiện là chưa đúng nội dung NHNN báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo tại phiên toà sơ thẩm

Trong phần đề nghị cấp phúc thẩm xem xét, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng đặc biệt đề nghị Toà án cấp phúc thẩm căn cứ vào bút phê chỉ đạo Tờ trình 1340/TTr-TTGSNN6.m, theo đó đề nghị Toà án cấp cao tại TP.HCM áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội nhằm làm rõ mục đích, nội dung bút phê chỉ đạo. Đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét đến ý kiến chính thức của Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại các văn bản gửi cho tòa án, trong đó có nội dung cho rằng, trong chỉ đạo tái cơ cấu, bị cáo Bình đã tuân thủ và thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Ban lãnh đạo NHNN, đặc biệt là những chỉ đạo liên quan đến việc xác minh năng lực tài chính của nhóm cổ đông mới, cũng như sự cần thiết phải kiểm tra vốn góp khi tăng vốn Điều lệ.

Bị cáo Bình còn đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét rõ mối quan hệ nhân quả của vụ án với việc thực hiện công vụ của cá nhân bị cáo và của Tổ giám sát, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Long An, Cơ quan Thanh tra, giám sát để thấy rõ hậu quả của vụ án không phải do công tác tái cơ cấu mà một phần là do việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan chuyên môn chưa kịp thời và quyết liệt. Tòa án cấp phúc thẩm cũng phải phân định rõ trách nhiệm của một Phó thống đốc khác hẳn với các cán bộ của các đơn vị chuyên môn để xác định rõ bản chất sai phạm và trách nhiệm cá nhân. Xem xét các yếu tố khách quan trong việc tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín để đánh giá đầy đủ những khó khăn, thách thức cũng như nỗ lực, cố gắng của các cán bộ tham gia tái cơ cấu.

Đề nghị cuối cùng của nguyên Phó thống đốc khi nhận bản án 3 năm tù giam là yêu cầu Toà án cấp cao tại TP. HCM xem xét những đóng góp của gia đình và cá nhân của bị cáo với sự nghiệp cách mạng của đất nước, đối với ngân hàng và công tác tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín, những tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo này cho rằng Toà án cấp sơ thẩm chưa xem xét.

Với tất cả những vấn đề ở trên, bị cáo Đặng Thanh Bình, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị TAND Cấp cao tại TP. HCM tuyên không xử lý hình sự, không áp dụng hình phạt tù như cấp sơ thẩm đã tuyên.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Hoa Việt – Thuý Hà